ĐBQH băn khoăn việc xác định người nghiện ma tuý
VOV.VN - Sáng 13/11, Quốc hội thảo luận dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), với đa số các đại biểu đồng tình sửa đổi luật để hoàn thiện cơ chế, pháp luật phòng, chống ma túy.
Sau phiên thảo luận tổ về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), các ĐBQH tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung này, với nhiều ý kiến cho rằng, cần làm rõ hơn trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình trong quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; đồng thời có biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn trong phòng, chống tái nghiện.
Xác định người nghiện ma tuý như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, cần phân biệt rõ giữa người sử dụng trái phép chất ma túy và người nghiện ma túy, do không chỉ sử dụng ma túy một vài lần là thành người nghiện và cũng không xác định được sử dụng ma túy bao nhiêu lần thì thành người nghiện.
“Việc phân biệt chính xác hai diện đối tượng này để có biện pháp tương xứng về pháp luật là rất cần thiết và quan trọng. Đối tượng nào thì biện pháp đó”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh.
Theo ĐBQH Đoàn Bắc Kạn, trước năm 2009, hành vi sử dụng trái phép chất ma túy được quy định là một tội trong Bộ luật Hình sự và có tính răn đe khá cao. Tuy nhiên, sau khi có sự thay đổi trong nhận thức về hành vi này, coi người sử dụng trái phép chất ma túy là nạn nhân của tệ nạn ma túy thì Bộ luật Hình sự đã không quy định đây là tội danh, do đó đã dẫn đến việc gia tăng nhanh chóng người nghiện trong thời gian qua.
Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, dự thảo Luật đã có bước đột phá khi quy định về quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ một số điểm về nội dung quy định quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó quy định xác định tình trạng nghiện. “Trên thực tế để xác định tình trạng nghiện đòi hỏi phải theo dõi người sử dụng chất ma tuý thường xuyên, liên tục trong thời gian nhất định”, đại biểu Thanh Mai nói.
Với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre), việc coi người nghiện là người bệnh là vấn đề đã nhận được nhiều ý kiến của các đại biểu. Theo đó, cần phải phân biệt rõ hai trạng thái một là “người nghiện do ăn chơi” và “người bị phơi nhiễm” - là các chiến sĩ, nhân viên làm việc trong mặt trận phòng chống ma tuý. Trường hợp thứ 2 phải xác định là bệnh.
“Trong trường hợp cố tình ăn chơi dẫn đến nghiện ma tuý mà lại coi là tương đương, coi như người bệnh và không xử lý. Trong khi Luật quy định rất rõ người sử dụng ma tuý là người vi phạm pháp luật và người nghiện còn ở trên cấp độ sử dụng ma tuý, dó đó, cần phải có chính sách rất rõ ràng”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Cai nghiện tại gia đình và cộng đồng mang tính nhân văn
Theo một số ý kiến ĐBQH, việc cai nghiện ma tuý tự nguyện tại gia đình và cộng đồng là hình thức mang tính nhân văn, bởi người người nghiện không bị tách rời khỏi gia đình và xã hội, không bị mặc cảm và dễ dàng tái hoà nhập cộng đồng sau cai nghiện.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, đây là giải pháp cần thiết để giảm chi ngân sách, giảm tải cho các cơ sở cai nghiện ma túy. Tuy nhiên, cần làm rõ về thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng và các biện pháp giám sát để phòng ngừa việc lợi dụng việc này để không đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện, khi ở nhà vẫn tiếp tục sử dụng ma túy.
Nêu ý kiến cho vấn đề thẩm quyền quản lý cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, đại biểu Bế Minh Đức (Đoàn Cao Bằng) cho rằng cần giao cho lực lượng Công an xã, phường bởi đội ngũ này có thể nắm bắt sâu sát, tiếp cận với các đối tượng.
Nhiều đại biểu cũng nêu quan điểm về việc cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy; chính sách của Nhà nước đối với người tham gia phòng chống ma túy; giao thẩm quyền xem xét áp dụng việc cai nghiện ma túy cho người từ đủ 12 tuổi đến 18 tuổi; danh mục các chất ma túy và tiền chất…
Bên cạnh đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn Cà Mau) bày tỏ băn khoăn về việc quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy trên 18 tuổi và dưới 18 tuổi trong dự thảo luật có sự phân biệt khi thời hạn quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy dưới 18 tuổi là 6 tháng, chỉ bằng một nửa so với người trên 18 tuổi. Đại biểu cho rằng, độ tuổi không nói lên thời gian sử dụng, tiếp cận ma túy hay liều lượng sử dụng nhiều hay ít, nhất là tình hình học sinh sử dụng trái phép chất ma túy đang có chiều hướng phức tạp. Từ đó, đại biểu đề nghị xem xét điều chỉnh quy định này cho hợp lý hơn./.