ĐBQH ủng hộ lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào giữa nhiệm kỳ

VOV.VN - ĐBQH kiến nghị nên để cho các chức danh được bầu có thời gian nắm bắt công việc và thể hiện khả năng

Thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, đa số đại biểu đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội. Tuy là lần đầu tiên triển khai nhưng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã được đông đảo cử tri đồng tình ủng hộ. Với những chức danh có số phiếu tín nhiệm thấp, sau 1 năm đã có sự chuyển biến tích cực. Bản thân những người được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm cũng đồng tình với những nhận xét, đánh giá về mình.

Các đại biểu thảo luận tại tổ chiều 6/6 (Ảnh: H.Ngân)

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội là cần thiết nhằm tiếp tục hoàn thiện nội dung, quy trình, thủ tục lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, để thực hiện thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Theo đó sẽ tiếp tục giữ phạm vi những người được lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội và Hội đồng Nhân dân như đã quy định tại Nghị quyết số 35, đồng thời giữ nguyên 3 mức đánh giá tín nhiệm là tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Dự thảo Nghị quyết chỉ sửa đổi thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm. Theo đó, sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ 3 của mỗi nhiệm kì.

Đóng góp ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết 35 sửa đổi, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cũng đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đã nhận được những phản hồi tích cực tuy là lần đầu tiên chúng ta tổ chức thực hiện công tác này, không nói là duy nhất nhưng trên thế giới cũng rất ít nước thực hiện vấn đề này. Ở các nước, Quốc hội cũng bỏ phiếu nhưng là bỏ phiếu bất tín nhiệm. Còn ở Việt Nam đây là hoạt động tích cực và tiến bộ thông qua đó giúp các chức danh được bầu nhìn nhận lại bản thân, nhìn lại những nhiệm vụ họ đã làm để làm tốt hơn.

Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (đoàn Bến Tre) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm thực chất là sự nhắc nhở để những người được bầu nhanh chóng bắt tay vào công việc. Tuy nhiên, đại biểu này cũng cho rằng, cần cho họ có thời gian để nắm bắt công việc. Ông dẫn chứng: “Một số Bộ trưởng mới nhậm chức vừa rồi, thực tế ban đầu họ cũng còn khá lúng túng, nhưng đến năm thứ hai, thứ ba họ đã điều hành công việc khá tốt. Như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, nghe đồng chí ấy nói về thị trường vàng tôi thấy choáng váng, mà thực tế là cách điều hành của đồng chí ấy cũng đã có những thành công nhất định. Hay trường hợp của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh, với tinh thần trách nhiệm và thời gian, Bộ trưởng đã kết hợp giải quyết được nhiều vấn đề của ngành”.

Cũng đồng quan điểm với đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc (đoàn Thái Bình) nêu rõ không ai vừa nhậm chức một năm đã có thể làm việc hiệu quả ngay được, trừ khi họ đã từng ở cương vị Thứ trưởng lên Bộ trưởng. Phải để họ có ít nhất 2 năm làm việc, đến năm thứ ba mới đánh giá được.

Đại biểu Nguyễn Xuân Tỷ (đoàn Bến Tre) cùng nhiều ý kiến đại biểu khác đề nghị, lấy phiếu tín nhiệm 1 lần vào năm thứ ba của nhiệm kỳ để nhắc nhở, chỉnh đốn các vị phải tiếp tục tiếp cận công việc trên mọi mặt với tinh thần dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm với dân, làm thế nào để đạt hiệu quả nhất.

Liên quan đến mức đánh giá tín nhiệm, nhiều ý kiến đề nghị nên để 3 mức như quy định tại Nghị quyết 35 chứ không nên chỉ để 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm là bước thăm dò mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là căn cứ, làm cơ sở cho việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, nếu chỉ quy định 2 mức thì trùng với mức phiếu ở bước bỏ phiếu tín nhiệm nên đề nghị giữ 3 mức đánh giá tín nhiệm để người ta tiếp tục phấn đấu vươn lên.

Về hệ quả đối với người được đánh giá tín nhiệm thấp, một số đại biểu đồng tình với quy định trọng dự thảo nghị quyết. Theo đó, nếu người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì có thể xin từ chức; có quá nửa nhưng chưa đến 2/3 tổng số đại biểu thì sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm tại kì họp tiếp theo; có hơn 2/3 tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp thì bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kì họp đó./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên