“Để nắm bắt được cơ hội ASEAN phải vượt qua nhiều thách thức“
VOV.VN -Theo Tổng thư ký ASEAN, để nắm bắt được cơ hội cho Cộng đồng thì ASEAN phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Năm 2017, Hiệp hội các quốc gia Đông – Nam Á (ASEAN), nay là Cộng đồng ASEAN tròn 50 tuổi. Với một khu vực khác biệt về thể chế chính trị, về trình độ phát triển và đa dạng văn hóa như ASEAN thì những thành tựu mà khối này đạt được trong 50 năm qua được cho là một kỳ tích.
Tuy nhiên, sự chuyển dịch địa chính trị ngày càng mạnh mẽ ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương như hiện nay đang đặt ra cho ASEAN không ít thử thách. Phóng viên VOV phỏng vấn Tổng thư ký ASEAN Lê Lương Minh về thành tựu, thách thức và tầm nhìn tương lai của ASEAN.
Ông Lê Lương Minh - Tổng thư ký ASEAN
Ông Lê Lương Minh: Cùng với EU, ASEAN được đánh giá là khu vực thành công nhất không ngừng lớn mạnh và trưởng thành. Là một tổ chức đa dạng trên nhiều phương diện, ASEAN phát triển và nuôi dưỡng được một nền văn hoá hiệp thương, tham vấn đồng thuận kết tinh trong phương cách ASEAN.
Qua đó tạo dựng được sự tin cậy cho các nước thành viên, đảm bảo hoà bình ở khu vực và tạo điều kiện cho các nước thành viên tập trung vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Thành công lớn thứ 2 chính là sự phát triển đó đã tạo điều kiện cho ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế đảm bảo hoà bình an ninh và ổn định ở khu vực.
Thành công thứ 3 là ASEAN đã không ngừng đổi mới từ một liên minh an ninh hình thành trong bối cảnh chiến tranh lạnh, trở thành tổ chức với trọng tâm hoạt động là hợp tác phát triển kinh tế - xã hội.
ASEAN đã phác thảo được một lộ trình hình thành cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: chính trị - an ninh, kinh tế, xã hội tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Bali, Indonesia năm 2003.
Việc thông qua Hiến chương ASEAN năm 2007 tạo khuôn khổ pháp lý và thể chế cho cộng đồng ASEAN là những dấu mốc quan trọng tiếp theo trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN.
Theo tôi, sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào tháng 12/2015 gắn kết 10 quốc gia Đông Nam Á về chính trị, gắn kết 10 nền kinh tế thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới, một thị trường lớn thứ 3 thế giới chính là thành tựu lớn nhất của ASEAN trong nửa thế kỷ qua.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Đoàn kết là yếu tố sống còn với ASEAN
ASEAN đã tiến tới một Cộng đồng hội nhập sâu rộng và có tính cạnh tranh cao, đoàn kết nhân dân 10 nước Đông Nam Á có trách nhiệm về xã hội. Cùng với việc hình thành Cộng đồng, ASEAN đã xây dựng được Tầm nhìn 2025 hướng tới một khu vực tự cường dựa trên luật lệ và lấy người dân làm trọng tâm, đóng vai trò ngày càng lớn trong việc xử lý các vấn đề khu vực và toàn cầu là những dấu mốc quan trọng. Có thể nói đây là dấu mốc quan trọng nhất trong lịch sử hình thành 50 năm qua của ASEAN.
PV: ASEAN đã xây dựng một tầm nhìn hợp tác dài hạn của khối đến 2025. Song chắc chắn quá trình này sẽ có không ít trở ngại và thách thức. Vậy theo ông, những trở ngại và thách thức này là gì?
Ông Lê Lương Minh: Tầm nhìn 2025 mở ra rất nhiều cơ hội cho Cộng đồng ASEAN phát triển toàn diện, hội nhập sâu rộng hơn để có khả năng tự cường lớn hơn và có ảnh hưởng ở khu vực và toàn cầu lớn hơn. Tuy nhiên, để nắm bắt được cơ hội đó thì ASEAN phải vượt qua rất nhiều thách thức.
Khi ASEAN xây dựng cộng đồng dựa trên luật lệ thì hệ thống luật pháp của các nước còn tồn tại nhiều khác biệt. Nó hạn chế việc thực hiện các cam kết và thỏa thuận chung.
Khoảng cách phát triển trong từng nước cũng như giữa các nước ASEAN còn lớn, hạn chế khả năng của các nước chậm phát triển không chỉ trong việc thực thi các cam kết, thỏa thuận chung mà còn cả trong các nội lực phát triển bao trùm nhằm đảm bảo mọi người dân được hưởng lợi từ quá trình xây dựng cộng đồng, hội nhập của ASEAN.
Trong khi ASEAN đang nỗ lực xây dựng một cộng đồng hướng tới người dân, lấy người dân làm trọng tâm thì sự hiểu biết của người dân về cộng đồng ASEAN, về mục đích xây dựng cộng đồng, về thách thức và cơ hội mà cộng đồng tạo ra còn rất hạn chế, gây khó khăn cho việc huy động sự ủng hộ và tham gia rộng rãi của người dân các nước vào quá trình xây dựng cộng đồng.
ASEAN tiếp tục tinh thần đoàn kết được vun đắp trong nửa thế kỷ
Sự trỗi dậy của các chính sách dân túy và bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa là những nhân tố gây khó khăn cho ASEAN trong việc triển khai chính sách khu vực mở tăng cường hội nhập, liên kết khu vực và toàn cầu.
Những diễn biến phức tạp trong khu vực, nhất là những hành động đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế ở Biển Đông có nguy cơ dẫn đến xung đột giữa các nước lớn gây bất ổn khu vực, gây phân tán nguồn lực tập trung phát triển của các nước. Theo tôi đây là những thách thức lớn nhất của ASEAN hiện nay.
PV: Vậy theo ông, ASEAN cần phải làm gì để vượt qua những thách thức này ?
Ông Lê Lương Minh: Như tôi đã nói ở trên, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt trong bối cảnh địa chính trị khu vực Châu Á Thái Bình Dương có những dịch chuyển quyền lực sâu rộng cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các nguy cơ từ các điểm nóng trong khu vực, trong đó có Biển Đông.
Để vượt qua những thách thức đó, các nước ASEAN cần đẩy nhanh quá trình hài hóa các hệ thống luật pháp quốc gia, xử lý cân bằng giữa các lợi ích trước mắt, ngắn hạn của quốc gia và lợi ích chung, lợi ích lâu dài của cả cộng đồng, tăng cường văn hóa thực thi. Huy động và sử dụng các nguồn lực nội khối và từ các đối tác để triển khai hiệu quả các biện pháp dự án, thu hẹp khoảng cách phát triển.
Triển khai đồng bộ và tổng thể về truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết của người dân về cộng đồng ASEAN, đồng thời thúc đẩy thương mại, đầu tư nội khối, đa dạng hóa quan hệ kinh tế thương mại, đầu tư với các đối tác, đề cao vai trò trung tâm của ASEAN trong quá trình tham vấn thương lượng tìm giải pháp cho các vấn đề tranh chấp, đặc biệt là tranh chấp ở Biển Đông trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
PV: ASEAN đã tạo ra nhiều cơ chế hợp tác đa dạng, từ các vấn đề chuyên ngành đến các vấn đề chiến lược trong khu vực, trong đó ASEAN đóng vai trò trung tâm và định hướng xây dựng các chương trình nghị sự đối thoại, hợp tác với các đối tác hoặc liên đối tác. Ông nhìn nhận như thế nào về vai trò này trong các cơ chế do ASEAN đang dẫn dắt ?
Ông Lê Lương Minh: Do đặc điểm lịch sử phức tạp với sự chiếm đóng lâu dài của thực dân và sự can dự của các nước lớn thì Châu Á Thái Bình Dương vốn thiếu một khuôn khổ khu vực bao trùm điều phối quan hệ giữa các nước.
Do vậy, các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như là Diễn đàn khu vực ASEAN ARF, Hội nghị cấp cao Đông Á, ASEAN + 3, ADMM+… là những diễn đàn quan trọng để các nước lớn và các nước trong khu vực đối thoại, thương vấn để tháo ngòi nổ, tìm giải pháp cho những vấn đề căng thẳng có thể dẫn đến xung đột, đặc biệt là những vấn đề nhạy cảm cao, vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
Vai trò trung tâm của ASEAN tại các cơ chế này, đặc biệt là xử lý các quan hệ và sự can dự ngày càng tăng của các nước lớn đang đóng góp vào sự duy trì cân bằng chiến lược và duy trì hòa bình ổn định ở khu vực.
PV: Xin cảm ơn ông./.