Đề xuất quy định tiếp xúc cử tri trực tuyến
VOV.VN - Có ý kiến nhấn mạnh nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội liên quan đến tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; họp trực tuyến, kỳ họp bất thường cần được quy định bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất.
Sáng 12/7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp thứ 24. Trong buổi sáng, UBTVQH đã cho ý kiến về việc tổng kết, rà soát việc thực hiện Nghị quyết liên tịch 525/2012/NQLT/UBTVQH13-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 27-9-2012 về việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội.
Hơn 27.000 cuộc tiếp xúc cử tri
Trình bày báo cáo, Trưởng Ban Công tác dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 525, nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm đã được nâng lên rõ rệt. Nhiều đại biểu Quốc hội chủ động, tích cực thực hiện việc tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức khác nhau; thu thập, nghiên cứu và chuyển nhiều kiến nghị của cử tri đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết.
Cử tri ngày càng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm tham dự các cuộc tiếp xúc, kiến nghị, phản ánh với đại biểu, ngày càng quan tâm đến hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nói chung, hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng.
Từ năm 2013 đến năm 2022 đã có 27.071 cuộc tiếp xúc cử tri, với nhiều hình thức khác nhau được tổ chức; 42.455 kiến nghị của cử tri được tổng hợp, chuyển tới 72 đầu mối các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương có thẩm quyền giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; 650 văn bản quy phạm pháp luật khác nhau được các cơ quan có thẩm quyền ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của cử tri.
Tuy vậy, báo cáo cũng nhấn mạnh, việc triển khai hoạt động tiếp xúc cử tri chủ yếu tập trung dưới hình thức tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; hình thức tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực, đối tượng được tổ chức còn ít và chủ yếu theo hình thức hội nghị.
“Việc tổ chức tiếp xúc cử tri có lúc, có nơi còn mang tính hình thức; nội dung, chương trình hội nghị tiếp xúc cử tri còn đơn điệu; thông tin chuyển tải đển cử tri thiếu sinh động, chưa đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri; chưa có nhiều gợi mở nội dung để cử tri phát biểu tâm tư, nguyện vọng” – ông Dương Thanh Bình nói.
Bên cạnh đó, hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu tại nơi cư trú, nơi làm việc, tiếp xúc cử tri ngoài địa bàn tỉnh, thành phố, nơi đại biểu ứng cử, trên thực tế còn hạn chế.
Theo quy định, mỗi năm ít nhất một lần Đoàn ĐBQH phối hợp với Ban Thường trực Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh tổ chức để ĐBQH báo cáo với cử tri về kết quả thực hiện nhiệm vụ đại biểu và việc thực hiện chương trình hành động mà đại biểu đã hứa trước cử tri, tuy nhiên tại một số địa phương, việc thực hiện chưa được thường xuyên.
Nghị quyết số 525 chưa quy định hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến; nhiều địa phương khó khăn trong việc đầu tư xây dựng hệ thống trực tuyến do ngân sách, nguồn lực chưa đảm bảo...
Việc thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri chủ yếu chỉ thực hiện qua các đợt tiếp xúc cử tri định kỳ, trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội, còn đối với các hình thức tiếp xúc cử tri theo nhóm đối tượng, chuyên đề, lĩnh vực chưa tập hợp được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri.
“Một số bộ, ngành trung ương giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri không đúng hạn, còn chậm” – ông Dương Thanh Bình thông tin.
Ngoài ra, nhiều đổi mới trong hoạt động của Quốc hội liên quan đến tình hình giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri; họp trực tuyến, kỳ họp bất thường cũng cần được quy định bổ sung, tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai đồng bộ, thống nhất.
Việc tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn khác nhau
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị phân tích sâu hơn, bởi thực tiễn tiếp tiếp xúc cử tri rất phong phú, linh hoạt và mỗi hình thức có tác dụng riêng của nó.
Dẫn số liệu thống kê tiếp xúc cử tri có chênh lệch rất lớn giữa nhiều tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Bình Thuận có hơn 1000, song Quảng Ninh, Ninh Bình chỉ 46 đến 48 trong 10 năm, ông Nguyễn Khắc Định cho rằng, việc này xuất phát cách hiểu thế nào là “buổi tiếp xúc cử tri”, “cuộc tiếp xúc cử tri”.
Nhiều địa phương thực hiện tiếp xúc cử tri cũng khác nhau: Có tỉnh đi tập thể, đi theo nhóm theo đơn vị ứng cử, song có nơi luân chuyển đại biểu đi khắp các huyện.
Khi tiếp xúc cử tri, có nơi MTTQ Việt Nam ở huyện điều hành xuyên suốt, song có nơi chỉ phát biểu khai mạc rồi giao hết cho Đoàn đại biểu Quốc hội.
Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị tổng kết sâu hơn để có quy định sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn sinh động.
Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị cần bổ sung hình thức tiếp xúc cử tri cho phù hợp với tình hình hiện nay, nhất là hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến.
Bên cạnh đó cần có hướng dẫn, ghi nhận kết quả tiếp xúc cử tri ở cơ quan, đơn vị công tác của đại biểu Quốc hội.
Tổng Thư ký Bùi Văn Cường và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, nhiều bất cập, hạn chế được đánh giá trong báo cáo là đúng, tuy nhiên chưa làm rõ nguyên nhân do đâu. Đơn cử như tiếp xúc chuyên đề, ngoài địa bàn, nơi cư trú còn ít; tiếp xúc còn hình thức... không phải do quy định mà do tổ chức thực hiện.
“Cần làm rõ nguyên nhân của bất cập, do nghị quyết không phù hợp, chưa đầy đủ, chưa chặt chẽ hay do công tác tổ chức thực hiện. Xác định rõ mới có định hướng, giải pháp sửa đổi hoặc chấn chỉnh” – ông Hoàng Thanh Tùng nói.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đã 10 năm thực hiện nghị quyết nên cần có tổng kết. Trong đó cần bổ sung đánh giá việc quán triệt, giám sát thực hiện nghị quyết. Qua đó đánh giá sự sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực và hiệu quả của công tác tiếp xúc cử tri. Cần nêu các quan điểm lớn để sửa đổi, bổ sung quy định.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị sau phiên họp này, UBTVQH ban hành kết luận, trong đó đồng ý chủ trương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nghị quyết, phân công cơ quan tổ chức thực hiện để sớm ban hành, chậm nhất trong quý 1/2024.
Lưu ý thời gian qua nhiều luật đã được sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần bám sát quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung các nghị quyết, làm sao đạt yêu cầu sâu sát, phù hợp, thực chất, thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, vừa đảm bảo linh hoạt, thích ứng và sáng tạo của địa phương; đảm bảo tính thống nhất trong đa dạng theo quy định của pháp luật.