Đề xuất quy định về trí tuệ nhân tạo AI trong Dự án luật
VOV.VN - Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI).
Nội dung này vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp 38, chiều 8/10.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, mục đích xây dựng luật nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số.
Việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số.
Cùng với đó khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Dự thảo luật đã thể hiện rõ các nội dung cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số, bao gồm: Nghiên cứu và phát triển công nghệ số; Hạ tầng cho công nghiệp công nghệ số; Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ số; Doanh nghiệp công nghệ số; Sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Nhân lực cho công nghiệp công nghệ số.
Nhấn mạnh trí tuệ nhân tạo (AI) là một trong các công nghệ số cốt lõi nhất, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết dự thảo luật đưa ra định nghĩa, các nguyên tắc quản lý và phát triển, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
“Luật dự thảo nguyên tắc quản lý và phát triển AI. AI phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người phải đảm bảo minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và giúp con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Thẩm tra dự án luật, Ủy ban KH-CN&MT của Quốc hội cho biết, một số ý kiến cho rằng, việc quy định như dự thảo luật về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu toàn diện (bao gồm cả những vấn đề như sở hữu, quyền tài sản và quyền nhân thân đối với dữ liệu, vấn đề bảo hộ quyền tác giả…) để xây dựng một đạo luật riêng về AI của Việt Nam.
Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tại thời điểm này Việt Nam cần phải có cơ sở pháp lý để điều chỉnh về trí tuệ nhân tạo để phát triển thế mạnh, lợi thế của AI, đồng thời hạn chế tác động bất lợi trong nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ AI.
Do đó, cơ quan thẩm tra cơ bản tán thành sự cần thiết quy định đối với các hệ thống AI được lồng ghép trong dự thảo luật. Tuy nhiên, ủy ban này đề nghị nghiên cứu bổ sung các quy định hạn chế rủi ro, ảnh hưởng của công nghệ AI đối với đời sống kinh tế, xã hội như nguyên tắc đạo đức; nghiên cứu, phát triển AI do Việt Nam sáng tạo; cho phép các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo được sử dụng nguồn dữ liệu từ các cơ quan nhà nước; quy định mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các cơ quan nhà nước từ các giải pháp do doanh nghiệp trong nước làm chủ nhằm khuyến khích sử dụng và tạo thị trường.
Góp ý về nội dung trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu để quy định phù hợp, vì AI là lĩnh vực mới, đặt ra nhiều thách thức về quản lý. Nội dung cần đảm bảo phân định rõ trách nhiệm giữa người sử dụng, nhà cung cấp, bên triển khai; có tiêu chí xác định rõ ràng, minh bạch.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, có nhiều khái niệm rất mới, như trí tuệ nhân tạo, tài sản số, tài sản mã hóa… Do đó cần chuẩn hóa, thống nhất cách hiểu xuyên suốt trong luật; cùng với đó tuyên truyền mạnh mẽ để khi luật ra đời thì người dân hiểu, áp dụng thuận lợi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật vì có quy định liên quan đến nhiều luật khác như Luật Công nghệ thông tin, Bộ luật Dân sự...