Đến tọa độ lửa bến phà Xuân Sơn nhớ lại kỳ tích mở đường Hồ Chí Minh huyền thoại
VOV.VN - Gần đến Ngày kỷ niệm 65 năm mở đường Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn, những cựu chiến binh là Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong cùng nhau trở về thăm tọa độ lửa trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trở lại chiến trường xưa, các cựu binh rưng rưng nước mắt nhớ lại một thời cùng đồng đội đổ máu để bảo vệ tuyến đường huyết mạch này.
Trên hành trình về nguồn, cựu thanh niên xung phong Nguyễn Huy Thương, 80 tuổi, quê ở Hà Tĩnh đứng lặng rất lâu bên bến phà Xuân Sơn. Sau phút mặc niệm tưởng nhớ đồng đội đã ngã xuống nơi đây, ông Thương xúc động đọc những câu thơ một thời cùng đồng đội ngâm nga, động viên nhau vượt qua làn mưa bom bão đạn để hoàn thành nhiệm vụ.
Bến phà Xuân Sơn thuộc địa phận xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những di tích quốc gia đặc biệt thuộc hệ thống di tích lịch sử đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên đất Quảng Bình. Ông Nguyễn Huy Thương lúc đó thuộc biên chế của Tổng đội Thanh niên xung phong 25, di chuyển từ Hà Tĩnh vào Quảng Bình làm nhiệm vụ vận tải.
Lúc đó, các chiến sĩ, nhân viên bến phà cùng với dân quân địa phương, thanh niên xung phong và các lực lượng bộ đội chiến đấu ngoan cường, bảo đảm cho mạch máu giao thông thông suốt. Những năm tháng ấy, nhiều cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong đã anh dũng hy sinh để bảo vệ phà, ca nô, khí tài phục vụ chiến trường.
Đồng đội ông Thương có người hy sinh khi đang chỉ huy vượt sông; có người bị thương ở bụng vẫn lái ca nô cập bến phà an toàn; có người tình nguyện đi phá bom từ trường, trước lúc đi đơn vị đã làm lễ truy điệu sống. Biết bao mồ hôi và xương máu của chiến sĩ, nhân viên bến phà, thanh niên xung phong đổ xuống nơi đây để lập nên những chiến công thầm lặng. Dưới làn mưa bom bão đạn, những đoàn xe vẫn được nối tiếp đôi bờ, bảo đảm yêu cầu chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Nguyễn Huy Thương nhớ về những tháng ngày oanh liệt ở bến phà Xuân Sơn: “Lúc đó, phà Xuân Sơn đang chống bằng sào, dây kéo bên kia qua rồi kéo bên này trở lại. Ngày xưa ở đây địch đánh phá cực kỳ ác liệt, chúng đánh vào tổng kho xăng, dầu và hậu cần của ta. Riêng máy bay trinh sát của địch vo ve quần thảo suốt ngày bởi đây tuyến huyết mạch giao thông, chia lửa cho các tuyến khác. Quảng Bình là túi đựng bom, là đòn gánh 2 đầu đất và bây giờ có được cơ ngơi thế này thì máu và nước mắt đã đổ xuống đây rồi”.
Năm 1965, cùng với sự ra đời của đường 20 Quyết Thắng, bến phà Xuân Sơn chính thức mang trên mình sứ mệnh lịch sử, đưa người, xe sang sông, bảo đảm cho các hướng chi viện từ đường 12 và đường 15 cùng đường 20 Quyết Thắng. Do nằm ở vị trí quan trọng trên tuyến vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam nên bến phà Xuân Sơn trở thành trọng điểm đánh phá rất khốc liệt, tọa độ lửa trong kháng chiến chống Mỹ.
Địch muốn hủy diệt tất cả sự sống trên vùng bến phà Xuân Sơn, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc vào miền Nam. Vì vậy, máy bay của quân thù thường xuyên ném bom oanh tạc xuống khu vực Xuân Sơn - Phong Nha, đặc biệt là tại bến phà.
60 năm trước, ông Trần Xuân Bình, 78 tuổi, quê ở Hà Tĩnh lúc đó là chàng thanh niên 18 tuổi mang trong mình ước mơ thi vào Đại học Tổng hợp. Thế nhưng, khi nghe có chủ trương thành lập Đội Thanh niên xung phong Hà Tĩnh, chàng trai trẻ đã tự nguyện nộp đơn xin tham gia. Trọng điểm Cà Roòng - ATP, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch chính là nơi đầu tiên ông Bình đặt chân đến khi tham gia lực lượng thanh niên xung phong. Rồi sau đó, Đội của ông di chuyển về bến phà Xuân Sơn, tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải.
Ông Bình kể lại, để hạn chế sự đánh phá của địch, Bộ đội ta đã có nhiều sáng kiến như dùng nam châm buộc dưới đáy những thùng phuy để cho ca nô, phà kéo đi rà phá bom từ trường. Có chiến sĩ đã dũng cảm ôm mìn lặn xuống sông buộc vào những quả bom chưa nổ để phá. Giữa năm 1968, khi cầu phao bị đánh chìm, cả đơn vị tập trung lực lượng kéo phà ngay dưới làn mưa bom bão đạn của kẻ thù để cho xe thông chuyến.
Ông Trần Xuân Bình nhớ lại, ngày đó, 2 bên bến phà bị bắn phá tan hoang, xơ xác, nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân viên đã bị thương và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ bảo vệ bến phà: “Lúc bấy giờ mà không được đi bộ đội là buồn lắm, vì chúng ta phải có trách nhiệm với đất nước, với nhân dân, chúng ta phải đi. Bây giờ, tôi mong muốn các thế hệ trẻ tiếp tục phát huy truyền thông anh hùng của dân tộc để giữ nước và bảo vệ đất nước”.
Hành trình thăm lại chiến trường xưa, đi qua những vùng trọng điểm của đường Trường Sơn trên đất lửa Quảng Bình đã mang lại nhiều cảm xúc đối với các thế hệ Bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngày xưa. Đất nước thống nhất, sứ mệnh của đường mòn Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam đã hoàn thành. Các thế hệ đi trước và hôm nay luôn mong muốn các thế hệ hôm nay tiếp tục phát huy giá trị của tuyến đường lịch sử trong phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh. Ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam cho biết, huyết mạch Trường Sơn trong chiến tranh và đến hôm nay vẫn luôn có ý mang nghĩa quan trọng về lịch sử, chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của quốc gia.
“Điều ghi nhớ sâu sắc đó là sự hy sinh anh dũng của các lực lượng tham gia trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bộ đội Trường Sơn, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Bến phà Xuân Sơn là nơi bắt đầu của những chuyến đi vào Nam, từ đây đưa lực lượng, binh khí kỹ thuật của chúng ta chi viện cho chiến trường miền Nam đủ sức đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Đây là địa chỉ đỏ, nơi chúng ta từng trải qua những khó khăn, gian khổ và sự ác liệt và kỷ niệm này nhắc nhở mọi người phải ghi nhớ về mảnh đất anh hùng”, ông Vũ Trọng Kim xúc động nói.