Điều đặc biệt ở Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca

VOV.VN - Để có được Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Đảo Sơn Ca là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt thời tiết và địa hình trong nhiều tháng liền của các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công binh Hải quân.

Tại các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa có nhiều công trình văn hóa, lịch sử ý nghĩa, được xây dựng khang trang. Một trong những công trình tiêu biểu chính là Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Đảo Sơn Ca. Để có được công trình như vậy nơi biển đảo xa đất liền là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt thời tiết và địa hình trong nhiều tháng liền của các cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công binh Hải quân.

Thiếu tá Phạm Tài Bá, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân, người tham gia trực tiếp chỉ huy thi công công trình xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó anh là chính trị viên khung xây dựng công trình) chia sẻ về những đặc biệt ở Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên đảo Sơn Ca.

PV: Thưa Thiếu tá Phạm Tài Bá, là người chỉ huy thi công công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở đảo Sơn Ca, quần đảo Trường Sa, những khó khăn trong quá trình thi công lúc đó là gì?

Thiếu tá Phạm Tài Bá: Chúng tôi nhận nhiệm vụ thi công Công viên Đại tướng vào thời điểm Khung xây dựng đang bước vào giai đoạn “nước rút” sau gần 20 tháng thực hiện nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. Phương tiện, trang bị thi công chủ yếu chỉ có máy móc, dụng cụ cầm tay. Vào thời điểm đó là cuối tháng 4, thời tiết ngoài đảo vô cùng khắc nghiệt, có những ngày nắng nóng trên 40 độ, và đã rất nhiều ngày trên đảo không có mưa… Mặc dù thời điểm đó, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân chúng tôi phải tắm nước mặn để ưu tiên nước ngọt cho xây dựng công trình nhưng ai nấy đều vui vẻ, phấn khởi với trách nhiệm chính trị cao nhất khi xây dựng công viên Đại tướng.

PVThời gian thi công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được các CBCS Lữ đoàn Công binh 131 Hải quân thực hiện trong bao lâu. Điều đặc biệt khi xây dựng Công viên Đại tướng giữa biển khơi là gì thưa anh?

Thiếu tá Phạm Tài Bá: Trong vòng 40 ngày, chúng tôi đã hoàn tất nhiệm vụ thi công, với sự tham gia của 10 nghệ sĩ Công ty nghệ thuật Tân Hà Nội và hơn 90 cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 131 Hải quân.

Có những điều cũng hết sức đặc biệt khi thi công Công viên Đại tướng. Chúng tôi không hề có chọn lựa từ trước nhưng đúng 10h trưa ngày 25/4/2016 tàu chở tượng Đại tướng ra tới đảo - ngày mà cách thời điểm đó 31 năm về trước là ngày giải phóng đảo Sơn Ca. Tiếp đó ngày đơn vị chúng tôi đưa tượng Đại tướng lên bệ tượng đài là ngày 07/05, cũng chính là ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ và ngày truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Hay lực lượng thi công của Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội và Lữ đoàn 131 lúc đó là 103 người (bằng với số tuổi của Đại tướng).

Ở giữa biển khơi, hình ảnh tượng đài uy nghiêm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính biểu tượng của sức mạnh “bất khả chiến bại” của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là điểm tựa để tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo nói riêng, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nói chung trong sự nghiệp bảo vệ và giữ vững chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Thưa anh, CBCS Lữ đoàn Công binh 131 đã thực hiện nhiệm vụ xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp với tinh thần thế nào?

Thiếu tá Phạm Tài Bá: Thi công công trình trên đảo khó khăn gấp nhiều lần so với trong đất  liền. Khối lượng công việc nhiều, thời gian thi công ngắn nhưng đòi hỏi tiến độ nhanh, vì vậy khi nhận được nhiệm vụ, Khung xây dựng đã tổ chức hội nghị dân chủ quân sự để xác định quyết tâm, đồng thời lấy ý kiến của cán bộ, chiến sĩ đơn vị và biện pháp tổ chức thi công đạt hiệu quả cao nhất. Chỉ trong vòng 40 ngày cán bộ, chiến sĩ Khung xây dựng Lữ đoàn 131 đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ. Cụ thể:

Có tổng cộng hơn 500 tấn nguyên vật liệu đã được cán bộ, chiến sĩ Khung xây dựng chuyển tải trong vòng 3 ngày; Hàng ngàn khối đá, san hô được chúng tôi vận chuyển, san lấp chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần thi công; Thi công phần mộc và đổ bê tông các hạng mục xung quanh khuôn viên trong vòng 10 ngày;  Phần hoàn thiện đòi hỏi tỉ mỉ và yêu cầm thẩm mĩ cao nhưng cũng chỉ mất 17 ngày chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong 3 ngày còn lại chúng tôi tập trung tổng dọn vệ sinh, trồng cây và hoàn tất thủ tục bàn giao sơ bộ cho Đảo Sơn Ca.

Bình quân tiến độ thi công công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp đạt gần 200%, vượt xa với Nghị quyết mà Chi bộ đã đề ra trước đó.

Chúng tôi xác định công trình này được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân Vị tướng huyền thoại của dân tộc Việt Nam, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, người đã có công lớn trong việc ra quyết định sáng suốt giải phóng quần đảo Trường Sa, trong đó có đảo Sơn Ca được giải phóng ngày 25/4/1975 nên mọi nhiệm vụ từ ngày khởi công tới ngày kết thúc đều được triển khai với trách nhiệm chính trị, tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao nhất.

PV: Bản thân anh cảm thấy thế nào khi được đóng góp công sức của mình vào công trình mang ý nghĩa quan trọng như vậy?

Thiếu tá Phạm Tài Bá: Bản thân tôi đã từng tham gia xây dựng rất nhiều công trình dân sự và tham gia tu tạo các công trình tâm linh trên Quần đảo Trường Sa, nhưng xây dựng Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một công trình hết sức đặc biệt. Bởi đây là công trình văn hóa tâm linh, là điểm tựa tinh thần của cán bộ chiến sĩ giữa đảo xa. Đồng thời, đây là nơi để sinh hoạt, giáo dục truyền thống về những cống hiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với dân tộc, giáo dục truyền thống của Hải quân Nhân dân Việt Nam trong quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Noi gương Đại tướng, bản thân tôi và cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn tích cực học tập, rèn luyện ý chí, vượt mọi khó khăn gian khổ, mài sắc ý chí, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tá Phạm Tài Bá./.

Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng trong khuôn viên rộng 400m2 trên đảo Sơn Ca thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà. Trung tâm công viên là bức tượng chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tượng cao 1,76 m với trọng lượng nặng khoảng 3 tấn được tạc từ đá sa thạch nguyên khối. Hai bên tượng đài là bức tường hình vòng cung được lát bằng gốm với gần 300 bức ảnh gắn với các sự kiện, dấu mốc về cuộc đời, sự nghiệp binh nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Hải quân Nhân dân Việt Nam anh hùng. Phía trước công viên bố trí ghế đá và con đường bê tông lối thẳng ra chùa Sơn Linh. Ngoài giá trị về mặt tâm linh, là điểm tựa tinh thần của quân và dân trên đảo, công trình Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là điểm nhấn tô thắm vẻ đẹp của đảo Sơn Ca thuộc Quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng
Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng

VOV.VN - “Tìm nét đẹp đời thường trong hình tượng Đại tướng của nhân dân” là lý do mà trong suốt hơn 20 năm, Nhà báo, Đại tá Trần Hồng, cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chụp hình

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua ống kính Nghệ sỹ nhiếp ảnh Trần Hồng

VOV.VN - “Tìm nét đẹp đời thường trong hình tượng Đại tướng của nhân dân” là lý do mà trong suốt hơn 20 năm, Nhà báo, Đại tá Trần Hồng, cựu phóng viên Báo Quân đội nhân dân, đã đi theo Đại tướng Võ Nguyên Giáp để chụp hình

Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại
Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại

VOV.VN - Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại.

Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại

Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại

VOV.VN - Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Tung, Viện trưởng Viện Việt Nam học, Đại học Quốc gia Hà Nội, khẳng định, Võ Nguyên Giáp là con người của lịch sử và biến lịch sử thành huyền thoại.

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê
Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

VOV.VN - Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp tục đón nhận những tình cảm ấm nồng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm.

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

Nhớ Đại tướng Võ Nguyên Giáp những lần về thăm quê

VOV.VN - Ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng ở thôn An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy tiếp tục đón nhận những tình cảm ấm nồng của người dân khắp mọi miền Tổ quốc đến viếng thăm.