Đổi thay trên quê hương cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng
VOV.VN - Huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (quê hương của cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng) nay đã có nhiều phát triển, đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Vùng đất Vĩnh Long anh hùng là nơi sinh ra nhiều người con ưu tú cho quê hương, đất nước. Trong đó, có đồng chí Phạm Hùng- nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, là một trong những nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng và Nhà nước ta.
Đồng chí Phạm Hùng tên khai sinh là Phạm Văn Thiện, sinh ngày 11/6/1912, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Thiềng, làng Long Hồ, tổng Bình Long, huyện Vĩnh Bình, tỉnh Vĩnh Long (nay là ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long).
Sinh thời, mỗi lần có dịp về thăm và làm việc với quê hương Vĩnh Long, đồng chí Phạm Hùng luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt, từ những chuyện nhỏ cho đến vấn đề phát triển kinh tế- xã hội địa phương.
Đồng chí Phạm Hùng thích lắng nghe những câu chuyện mang hơi thở cuộc sống, chuyển tải được tâm tư, nguyện vọng, tình cảm của cán bộ lãnh đạo, của người dân, từ đó mới đi sát với thực tế và bản chất của sự việc, vấn đề.
Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Phạm Hùng (11/6/1912-11/6/2022), phóng viên VOV đã về thăm quê hương cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng và ghi nhận những đổi mới nơi đây.
Trước kia, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân xã Long Phước, huyện Long Hồ gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường giao thông nông thôn xuống cấp. Nhưng từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới được triển khai, tình hình đã đổi thay nhanh chóng.
Người dân trong xã tích cực tham gia xây dựng, nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường. Người hiến đất, người đóng góp kinh phí, người đóng góp ngày công lao động để xây dựng giao thông nông thôn. Nay giao thông nông thôn trong xã đã được mở rộng; việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân thuận lợi, dễ dàng hơn. Để làm các tuyến đường trong xã, người dân đã hiến nhiều diện tích đất, hoa màu và vật kiến trúc. Trong đó, gia đình bà Trần Thị Cúc ở xã Long Phước đã hiến 1.200 m2 đất vườn, trị giá hơn 300 triệu đồng để làm đường.
Bà Cúc tâm sự: "Hồi đó nước ngập đi ra không được, đi vô không được, đi xe là trượt té. Sau này nhờ làm con đường này mà người dân đi lại được. Con cháu đi học được dễ dàng. Nếu mất bao nhiêu đất thì dân chúng cũng chịu, miễn có con đường đi được".
Hệ thống đường giao thông phát triển là một trong những đổi thay dễ thấy nhất ở huyện Long Hồ. Hiện ngoài 36 km quốc lộ, 15 km tỉnh lộ, tất cả các xã, thị trấn của huyện đều có đường ô tô đến trung tâm xã và có đèn chiếu sáng. Hệ thống đường giao thông nông thôn liên ấp, liên xóm cũng không ngừng được hoàn thiện theo hướng bê tông hóa, nhựa hóa, đảm bảo giao thông thuận lợi.
Giao thông nông thôn được thuận lợi đã tạo động lực thúc đẩy kinh tế huyện Long Hồ phát triển. Đến nay, Long Hồ có 9/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thị trấn Long Hồ đạt chuẩn văn minh đô thị, giá trị sản xuất nông, lâm thủy sản năm sau cao hơn năm trước. Riêng năm qua huyện đạt 2.736 tỷ đồng.
Anh Phan Việt Hải, một nông dân ở xã Phú Đức cho biết, nhờ có hệ thông giao thông và thủy lợi hoàn chỉnh nên 1 ha đất nông nghiệp của anh sản xuất được 3 vụ/năm, đời sống gia đình được ổn định.
Đến nay huyện Long Hồ có gần 100% hộ sử dụng điện, 93% số hộ sử dụng nước sạch, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, các chính sách đối với người có công, an sinh xã hội được thực hiện tốt; 15/15 trạm y tế xã có bác sĩ, số trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm 58,5%, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 1,97%. Bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Long Hồ cho biết, có được kết quả này là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy và chính quyền, đoàn thể, cùng với sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân.
Trong giai đoạn từ 2020 - 2025, Long Hồ tập trung huy động mọi nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế bền vững; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhân dân. Huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới ở cuối nhiệm kỳ, xây dựng thị trấn Long Hồ đạt đô thị loại IV và xã Phú Quới đạt đô thị loại V.
Để thực hiện các mục tiêu trên, Long Hồ đã đề ra 3 khâu đột phá gồm: Mở rộng sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến nông sản, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ; Đa dạng hóa các loại nông sản, hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch; Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ sản xuất nông nghiệp và du lịch./.