Đối thoại với bạn trẻ, Tổng thống Mỹ Obama nói về giữ chân nhân tài
VOV.VN - Tổng thống Obama đã chia sẻ như vậy với các thủ lĩnh YSEALI trước trăn trở của họ về việc làm thế nào để giữ chân nhân tài thay vì để họ ra đi.
Trả lời câu hỏi của bạn Tấn Phát về việc Tổng thống Obama sẽ có dự định như thế nào cho người kế nhiệm mình để duy trì YSEALI, ông Obama cho biết:
“Đây là câu hỏi rất hay và cũng là điều mà tôi đang lên kế hoạch. Chúng tôi kỳ vọng rằng, Tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì những thành quả tuyệt vời mà chúng ta đã đạt được thông qua YSEALI.
Tổng thống Obama cam kết sẽ duy trì YSEALI ngay cả khi ông đã rời nhiệm sở.
Chương trình này không chỉ dành cho các thủ lĩnh ở Đông Nam Á, chúng tôi còn có các thủ lĩnh ở châu Phi với sự tham gia của các thanh niên ở 15 quốc gia khu vực tiểu sa mạc Sahara. Ngoài ra, chúng tôi còn có một “phiên bản” tương tự ở châu Mỹ-Latin. Vào một thời điểm nào đó, chúng tôi sẽ tập trung các nhà lãnh đạo chủ chốt tại các khu vực này lại với nhau để họ có thể học hỏi lẫn nhau. Tôi hy vọng rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ tiếp tục chương trình này.
Tuy nhiên, tôi cũng phải nói điều này, có rất nhiều người hỏi tôi sẽ làm gì sau khi rời nhiệm sở bởi tôi còn khá trẻ (so với các Tổng thống khác). Tôi không thể biết mình sẽ làm gì trong tương lai nhưng có một điều tôi chắc chắn là tôi sẽ tiếp tục chương trình này để phát triển các thủ lĩnh trẻ của Mỹ và trên toàn thế giới.
Chính vì thế, bên cạnh việc hy vọng Tổng thống kế nhiệm sẽ cho phép Bộ Ngoại giao tiếp tục chương trình này, tôi cam kết rằng, thông qua các Mạnh Thường Quân và bản thân chúng tôi sẽ tập trung các thủ lĩnh trẻ với nhau cùng thiết lập một mạng lưới những tài năng để chúng ta có thể học hỏi lẫn nhau. Điều đó sẽ giúp các quốc gia trên thế giới nhận thức và giải quyết những vấn đề trọng đại trong tương lai.
Nếu các bạn hỏi tôi điều gì mà tôi quan tâm nhất trong di sản của mình cho 20 năm sắp tới, tôi sẽ thấy rất vui nếu có 10-20-50 nghìn thủ lĩnh trẻ đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong Chính phủ, trong các doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận.
Họ đã biết nhau và có thể làm việc với nhau. Họ tạo dựng niềm tin và các mối quan hệ. Nếu tôi có thể giúp thực hiện điều này, đó sẽ là điều khiến tôi cảm thấy rất vinh dự. Các bạn có thể nhận được lời đảm bảo của tôi rằng, tôi sẽ tiếp tục làm việc này”.
Sau đó, Tổng thống Obama đã có một đoạn trao đổi vui với một nữ sinh viên từng tham gia một khóa học tại Đại học Montana:
TT Obama: Cháu có thích Montana không?
Nữ sinh: Trời không quá lạnh như mọi người vẫn nghĩ.
TT Obama: Trời rất lạnh mà, cháu có đến đó vào tháng 1 không?
Nữ sinh: Thật may là cháu đến vào mùa Hè.
TT Obama: Là thời gian nào?
Nữ sinh: Từ tháng 6-8.
TT Obama: Đúng rồi, từ tháng 6-8 trời không lạnh.
Nữ sinh: Thật may cho cháu.
TT Obama: Cháu đến đúng thời điểm đấy. Đó là một bang rất tươi đẹp đúng không?
Nữ sinh: Vâng, cháu rất thích.
TT Obama: Thật tuyệt, ở đó có những ngọn núi cao, cháu đã học câu cá chưa?
Nữ sinh: Có ạ, cháu còn đi bè nữa.
TT Obama: Cả đi bè nữa á, thật tuyệt!
Trả lời câu hỏi của bạn nữ sinh này về việc có quá nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng trên sông Mekong và vấn đề này không dễ giải quyết vì nó liên quan đến cả những nước lớn và nước nhỏ trong khu vực thì Tổng thống có đề xuất gì để chính phủ các nước có liên quan có thể ngồi lại với nhau và vạch ra những giải pháp để đem lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường, Tổng thống Obama nói:
“Liên quan đến sông Mekong, thực ra chúng tôi đã thông qua ASEAN và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á thiết lập một nhóm công tác về sông Mekong với sự tham gia của tất cả các bên chịu tác động của việc này.
Ngoài ra, thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ và rất nhiều chương trình khác nhau, chúng tôi cũng giúp các nước lập kế hoạch nhằm tạo ra sự phát triển bền vững giữa các quốc gia. Đúng là một trong những thách thức lớn nhất là làm thế nào để giải quyết vấn đề nguồn nước, xây đập và nhà máy thủy điện.
Đây không phải là vấn đề chỉ xảy ra trên sông Mekong, các bạn có thể chứng kiến điều này ở khắp nơi trên thế giới, nơi có rất nhiều dự án lớn được xây dựng mà không lường được hết hậu quả và gây ra tác động nghiêm trọng đến các nước hạ nguồn. Kết quả của việc này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Thậm chí, nó còn gây ra những vấn đề nghiêm trọng về môi trường.
Chính vì thế, việc chúng tôi sẽ làm là tiếp tục hợp tác với các quốc gia chịu ảnh hưởng của việc này, và cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho họ cũng như đưa ra bản đánh giá về việc họ cần trợ giúp những gì và cần chú ý đến vấn đề gì. Hy vọng rằng, những thông tin này sẽ trở thành sức mạnh và có thể được sử dụng để đàm phán trên bình diện quốc tế để ngăn chặn những dự án có tác động xấu.
Tuy nhiên, có một điều chúng tôi nhận thấy ở ASEAN là khi các nước nhỏ đoàn kết với nhau và trở thành một khối thống nhất thì sức mạnh của họ tăng lên rất nhiều. Điều này đúng khi giải quyết các vấn đề kinh tế. Điều này đúng khi giải quyết các vấn đề môi trường và điều này đúng khi giải quyết các vấn đề an ninh.
Kể từ khi tôi nhậm chức Tổng thống, tôi nhận thấy ASEAN ngày càng trở nên sẵn sàng thực hiện những sáng kiến bền vững hơn. Tôi nghĩ rằng, các nước ASEAN sẽ gặp gỡ nhau, tuy nhiên, tôi nhận thấy các nước vẫn chưa có nhiều chương trình hành động chi tiết và cụ thể. Nhưng giờ chúng ta sẽ thấy một ASEAN trở thành cơ chế hiệu quả để đưa ra các quyết sách giải quyết những vấn đề về môi trường”.
Tổng thống Obama khẳng định, bảo vệ môi trường là trách nhiệm chung của mỗi quốc gia. |
Khi được hỏi về việc ông nhìn nhận thế nào về bản thân và tương lai của nước Mỹ trong 5 năm tới khi ông đã rời Nhà Trắng và một Tổng thống mới lên nắm quyền, ông Obama bày tỏ:
“Liên quan đến việc tôi nhìn nhận thế nào về thế giới trong 5 năm tới, tôi cho rằng, một vài người trong số các bạn sẽ làm được rất nhiều những điều lớn lao và tôi rất mong chờ để chứng kiến điều đó.
Tôi không nghi ngờ gì về việc mình sẽ tiếp tục công việc mà cả đời tôi đã làm. Tôi sẽ làm nhà tổ chức và tham gia vào các vấn đề chính trị xã hội. Tôi sẽ tham gia vào các hoạt động của cộng đồng, chỉ có điều là sẽ không còn được chú ý như trước đây.
Liên quan đến chính giới Mỹ, tôi luôn lạc quan về nền chính trị Mỹ, tôi biết rằng, nhiều quốc gia nhìn vào hệ thống bầu cử của Mỹ và cho rằng, đó là một mớ hỗn tạp. Tuy nhiên, cuối cùng mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp bởi người Mỹ là những con người có nhiều đức tính tốt đẹp, họ hào phóng, giản dị và chăm chỉ. Đôi khi, chính trị không thể hiện được hết bản chất tốt đẹp của một con người, nhưng thường thì các cử tri vẫn sẽ lựa chọn được ứng viên phù hợp và dân chủ vẫn được bảo đảm.
Một trong những điều vĩ đại của nước Mỹ là ngay cả khi mắc sai lầm, nước Mỹ vẫn kịp thích nghi, thay đổi và vạch ra đường lối để sửa sai và có những bước đi hoàn toàn khác biệt. Chính vì thế, tôi nghĩ nước Mỹ sẽ ổn thôi”.
Khi được hỏi về việc làm thế nào để giữ chân các nhân tài Việt Nam trước sự thu hút của các tập đoàn nước ngoài, Tổng thống Obama chia sẻ:
“Nếu tôi hiểu đúng câu hỏi của bạn thì TPP sẽ mở ra nhiều cơ hội mới khi các công ty nước ngoài có thể đến Việt Nam để đầu tư và trở thành đối tác kinh doanh với các công ty trong nước.
Tôi cho rằng, bất kỳ công ty nước ngoài uy tín nào muốn trở thành đối tác với các công ty Việt Nam cũng hiểu rõ về văn hóa làm việc và cấu trúc của họ. Họ sẽ quan tâm đến tài năng trẻ. Nếu bạn mở công ty nhằm phát hiện các tài năng và giúp các công ty nước ngoài tuyển dụng các tài năng này, tôi chắc chắn rằng mọi chuyện sẽ diễn ra suôn sẻ.
Tôi không phải là chuyên gia trong lĩnh vực của các bạn, nhưng các bạn có thể tham khảo công ty như Linkedin có trụ sở tại Thung lũng Silicon. Họ đã thiết lập một dạng thức số cho phép mọi người gửi CV và cung cấp thông tin nghề nghiệp của mình. Đây là công cụ rất mạnh cho những người làm việc trong lĩnh vực nhân sự và các bạn có thể tạo ra một thứ tương tự ở Việt Nam để bắt kịp với mức độ tăng trưởng nhanh chóng về doanh nghiệp và kinh doanh tại Việt Nam.
Có nhiều bạn sinh viên Việt Nam sau khi học xong được các doanh nghiệp tại Australia, Singapore, Trung Quốc hay Mỹ tuyển dụng [và làm cho họ-ND], chính vì thế, họ sẽ khó có thể có được tinh thần doanh nhân.
Ảnh: 3 ngày đầy ấn tượng của Tổng thống Obama ở Việt Nam
Tôi cho rằng, cách tốt nhất để giữ chân nhân tài là các quốc gia phải đảm bảo được rằng, nhân tài phải được tưởng thưởng xứng đáng và cách tưởng thưởng họ chính là việc có được tinh thần thượng tôn pháp luật một cách mạnh mẽ, một hệ thống giáo dục tốt và một môi trường giúp họ kinh doanh dễ dàng cũng như các chính sách của nhà nước về thuế, về cơ sở hạ tầng. Điều đó sẽ khiến các tài năng trẻ cho rằng, nếu ở lại đây, mình sẽ có cơ hội tốt nhất để phát triển.
Thông thường, không ai muốn tha hương cả, nhất là khi họ nhận thấy mình có cơ hội tại quê nhà. Họ chỉ rời đi khi họ cảm thấy bế tắc ở trong nước. Chính vì thế, một trong những lợi ích của TPP là khiến chính phủ các quốc gia phải tiến hành một loạt các biện pháp cải cách phát luật để cải thiện môi trường kinh doanh cho những tài năng trẻ như các bạn. Các bạn không có lý do gì để ra đi cả bởi các bạn sắp được làm những điều lớn lao tại Việt Nam.
Những nơi mất nhiều nhân tài nhất là những nơi nạn tham nhũng hoành hành bởi ở nơi đó, dù có làm việc chăm chỉ đến mấy, bạn vẫn phải hối lộ, bạn vẫn phải tuyển dụng người thân của một ai đó để được cấp phép làm gì đó. Điều này khiến nhiều người cảm thấy thất vọng.
Và nhiều người cũng thất vọng nếu không được tiếp cận một nền giáo dục tốt. Thực tế là, nếu muốn lập doanh nghiệp, bạn không chỉ cần được giáo dục tốt mà còn phải tuyển dụng được những người cũng được giáo dục tốt và bạn phải trông cậy vào việc các trường học đào tạo con người một cách phù hợp.
Ngoài ra, bạn cũng muốn có một nền tảng cơ sở hạ tầng, đường sá, dịch vụ (mạng) không dây tốt để làm kinh doanh trong thế kỷ 21. Các vấn đề về môi trường đang ngày càng trở nên quan trọng hơn, có những nơi rất khó tuyển được nhân tài bởi không khí trong các thành phố lớn khiến họ rất khó thở. Bạn không muốn con mình lớn lên ở đó đúng không? Ý tôi là không có công việc gì quan trọng bằng việc con cái của bạn có thể bị mắc bệnh về hô hấp và không thể thở được.
Ngày nay, nếu bạn muốn có được nhân tài bạn phải chú trọng đến chất lượng sống của họ và đảm bảo rằng, họ được tiếp cận với không khí trong lành và nước sạch và không phải “phơi mình” trước ô nhiễm và có thể bị ung thư.
Đó là những chính sách tạo ra sự khác biệt có thể giúp giữ chân các nhân tài ở bất kỳ quốc gia, thành phố hay cộng đồng nào”./.