Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội- TP HCM

Đây là dự án quan trọng quốc gia, cần xem xét một cách tổng thể và kỹ lưỡng.

>> Khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Phát huy tinh thần trách nhiệm và trí tuệ

Chiều 20/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại Hội trường dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Tờ trình về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội- TP HCM.

Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM là dự án quan trọng quốc gia; Để có cơ sở báo cáo Quốc hội về dự án này, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Nhà nước Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM (Quyết định số 1558/QĐ-TTg ngày 01/10/2009). Chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Tổng mức đầu tư của Dự án sơ bộ được xác định là 1.066.792 tỷ đồng, tương đương 55.853 triệu USD.

Phiên khai mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XII

Dự án phải gắn với phát triển hệ thống cảng biển, đường giao thông...

Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội- TP HCM do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Đặng Vũ Minh trình bày nhận định, Dự án này cơ bản phù hợp với các yêu cầu Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc-Trung-Nam) và 20 tỉnh, thành phố nơi có đường sắt cao tốc thuộc Dự án này đi qua.

Tuy nhiên, dự án có một số điểm chưa thống nhất với các chiến lược và quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chẳng hạn, thời gian thực hiện Dự án kéo dài đến năm 2035, dài hơn thời gian thực hiện Chiến lược và Quy hoạch là năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Chiến lược và quy hoạch xác định xây dựng các đoạn tuyến cụ thể thuộc tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam dài 2020 km, không có đoạn tuyến nào kéo dài từ Hà Nội đến TP. HCM.

Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị Chính phủ và chủ đầu tư giải trình và phân tích cụ thể hơn tính khả thi của từng thời kỳ thực hiện dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM trong mối quan hệ tổng thể với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển, quy hoạch phát triển vận tải biển, đường sông, đường sắt... Đặc biệt là đối với quy hoạch của Hà Nội và TP HCM sẽ là nơi xây dựng hai ga đầu mối hiện đại bảo đảm kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và các loại phương tiện giao thông khác trong đô thị của 2 thành phố này, cũng như các nhà ga dọc tuyến kết nối với hệ thống giao thông của các tỉnh, thành phố khác.

Giải phóng mặt bằng phải đảm bảo ổn định đời sống của người dân

Về di dân tái định cư, theo Báo cáo đầu tư Dự án, ước tính có 16.529 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng bởi dự án, trong đó 9.480 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất ở và 7.049 hộ gia đình sẽ bị ảnh hưởng do mất đất sản xuất, báo cáo cũng dự trù việc đền bù cho những hộ gia đình trên. Tuy nhiên, trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo đầu tư thì phương án di dân còn rất sơ bộ, cần tiếp tục xây dựng phương án thật cụ thể, tính toán đến tính phức tạp của công tác này, đặc biệt là đối với những địa phương như TP HCM, Đà Nẵng hiện đã không còn quỹ đất dự trữ để quy hoạch đô thị.

Theo Báo cáo đầu tư, tổng chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư là 30.437 tỷ đồng. Tuy nhiên thực tế sẽ phải lớn hơn nhiều bởi còn chi phí đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mà Dự án chưa tính đến.

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm của công tác di dân tái định cư đối với các công trình quan trọng quốc gia đã và đang làm hiện nay để bảo đảm người dân di dời sớm ổn định cuộc sống, có nhà ở, đất canh tác, chuyển đổi nghề nghiệp.

Nhiệm vụ thu NSNN đạt và vượt dự toán Quốc hội giao

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Báo cáo do Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2008 là 323.000 tỷ đồng; bằng 24,1% GDP. Tổng số chi: 398.980 tỷ đồng (bao gồm cả chi từ nguồn 9.080 tỷ đồng kết chuyển từ năm 2007 sang năm 2008). Bội chi ngân sách là 66.900 tỷ đồng, bằng 5% GDP.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Trong bối cảnh giá cả thế giới tăng cao và biến động khó lường, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, lạm phát cao, thiên tai dịch bệnh diễn biến phức tạp… song với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân, nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đặt ra cho năm 2008 đã hoàn thành, kinh tế tăng trưởng khá (6,2%). Nhiệm vụ thu Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2008 đã thực hiện đạt và vượt dự toán Quốc hội giao.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tồn tại chủ yếu của thu ngân sách nhà nước năm 2008 là một số lĩnh vực thu chưa ổn định, vững chắc, còn thất thu, nhất là hoạt động kinh doanh bất động sản; tình trạng buôn lậu, kê khai doanh thu thấp hơn thực tế để trốn thuế còn xảy ra ở một số địa bàn, lĩnh vực...

Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp khắc phục những tồn tại nêu trên để nâng cao chất lượng, quản lý thu ngân sách, tạo chủ động trong điều hành ngân sách; đồng thời chống thất thu và tạo môi trường bình đẳng khuyến khích sản xuất, kinh doanh phát triển.

Rà soát lại các khoản thu, chi vượt ngân sách

Sau trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008, Quốc hội đã nghe Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo thẩm tra quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2008.

Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước và qua giám sát thực tế cho thấy, vẫn còn bộ, ngành, địa phương giao số dự toán thu NSNN năm 2008 thấp hơn số thực hiện thu năm trước. Số thực hiện quyết toán thu ngân sách nhà nước năm 2008 vượt lớn so với dự toán. Tổng thu NSNN tuy vượt dự toán lớn nhưng cơ cấu thu lại không sát với dự toán. Nhiều khoản thu vượt dự toán cao thu về đất vượt 79,3%, thu từ dầu thô vượt 36,6%, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 41,8%, thu từ DNNN vượt 13,7%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh vượt 13,5%, thu khác vượt 318%). Trong khi đó, một số chỉ tiêu thu không đạt dự toán: thu thuế GTGT hàng nhập khẩu đạt 81% dự toán, giảm 7.317 tỷ đồng; thu phí xăng dầu đạt 90,7% dự toán, giảm 462 tỷ đồng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Nhiều ý kiến cho rằng, tình hình thu ngân sách vượt dự toán nêu trên vừa thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong lĩnh vực thu NSNN nhưng cũng còn có nguyên nhân là xây dựng và giao dự toán chưa sát thực tế, chưa bao quát hết các nguồn thu nhất là các khoản thu từ thuế công thương nghiệp, dịch vụ ngoài quốc doanh, thu từ khu vực sự nghiệp.

Về dự toán chi NSNN, vẫn còn tình trạng một số địa phương phân bổ dự toán chi cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ thấp hơn mức trung ương giao, giao dự toán chi chưa sát với yêu cầu nhiệm vụ. Do vậy, nhiều nhiệm vụ chi không đủ kinh phí thực hiện phải bổ sung, nhiều khoản chi không hết nhiệm vụ phải chuyển nguồn lớn sang năm sau. Đây là nguyên nhân dẫn đến năm 2008, chi ngân sách nhà nước vượt dự toán giao 13,5% (bằng 53.786 tỷ đồng), nhiều khoản chi vượt dự toán lớn.

Sáng 21/5, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường với phần trình bày của Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Hà Văn Hiền trình bày Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên