Dự thảo “Đề án tiếp tục đổi mới các cơ quan của Quốc hội"
VOV.VN -Đa số các đại biểu cho rằng, Đề án phải nâng cao chất lượng, hoạt động hiệu quả của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Sáng 16/10, tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo “Đề án tiếp tục đổi mới các cơ quan của Quốc hội”. Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội chủ trì hội nghị.
Trong những năm qua, hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả, có nhiều đổi mới về phương thức hoạt động và cơ cấu tổ chức. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động của Quốc hội từ khóa IX đến nay cho thấy, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ còn hạn chế, bất cập, chưa thực hiện đáp ứng được kỳ vọng của cử tri cả nước. Một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội còn một số tồn tại cần được khắc phục để góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và chất lượng hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Bà Tòng Thị Phóng phát biểu tại hội nghị |
Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nêu những ý kiến đóng góp về “Đề án đổi mới các cơ quan của Quốc hội”, hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội cần bám sát cơ sở hơn nữa, số lượng đại biểu chuyên trách cần tăng lên để giúp Quốc hội giải quyết hiệu quả công việc giám sát, công tác lập pháp.
“Chúng tôi đồng tình với quan điểm nâng cấp các cơ quan công tác đại biểu, ban dân nguyện, viện nghiên cứu lập pháp lên thành Ủy ban của Quốc hội. Như vậy, hoạt động trách nhiệm các cơ quan này lớn hơn, có tính chất bao trùm, không chỉ là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc thẩm định các dự án luật, vai trò lập pháp, giám sát và đặc biệt là quyền đại biểu của nhân dân. Chúng ta cũng cần chú ý tới quy trình, cơ chế phát hiện đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng và tính kế thừa của các đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cần đổi mới cả quy trình ứng cử, vận động bầu cử để phát huy tính chủ động của người ứng cử”- ông Phạm Minh Chính nói.
Hiến pháp năm 1992 đang được tiến hành sửa đổi, là căn cứ cho việc nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, quy chế hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội… Do đó, cần phải có một đề án nghiên cứu, đề xuất những giải pháp tiếp tục kiện toàn cơ cấu tổ chức của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, là cơ sở cho việc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy các cơ quan Nhà nước, việc xây dựng đề án cũng nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết 27 của Quốc hội khóa 13 về cải tiến, đổi mới nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả của Quốc hội trong giai đoạn mới.
Đổi mới các cơ quan Quốc hội, các hoạt động là yêu cầu đòi hỏi khách quan và bức thiết, vì vậy Đảng đoàn Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng “Đề án tiếp tục đổi mới cơ cấu tổ chức các cơ quan của Quốc hội” nhằm tiếp tục kiện toàn cơ cấu, tổ chức, cơ quan của Quốc hội góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động của Quốc hội khóa 13 và các khóa tiếp theo.
Bà Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu: “Chúng ta cần từng bước tăng hợp lý số lượng đại biểu chuyên trách, trên cơ sở đảm bảo tính đại diện, chuyên nghiệp, nhưng cần nghiên cứu về việc nâng cao tiêu chuẩn chuyên trách. Ở Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội là các đại biểu phải có bản lĩnh, có chuyên môn cao, là các chuyên gia am hiểu sâu sắc các lĩnh vực. Bên cạnh đó là tiếp tục đổi mới các quy trình và nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, quy trình giám sát trong hoạt động, những quyết định liên quan tới các vấn đề quan trong của đất nước”./.