Đưa quan hệ hợp tác Việt Nam- Ethiopia ngày càng phát triển
VOV. VN-Chuyến thăm của Chủ tịch nước đến Ethiopia lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung và với Ethiopia nói riêng.
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia Mulatu Teshome, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta sẽ thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia từ ngày 23-25/8/2018.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến Ethiopia lần này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung và với Ethiopia nói riêng. Qua đó, thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng phát triển.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn cấp cao nước ta sẽ thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia từ ngày 23-25/8/2018.
Cộng hoà Dân chủ Liên bang Ethiopia thuộc vùng Sừng châu Phi, với dân số gần 100 triệu người. Với vị trí trung tâm ở vùng Sừng châu Phi, cửa ngõ của khu vực Đông phần châu Phi, Ethiopia là nơi đóng trụ sở của hơn 90 tổ chức quốc tế và khu vực như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Phi...
Ethiopia là nước có khả năng phát triển cả về công nghiệp và nông nghiệp. Trong đó, nông nghiệp chiếm vị trí hàng đầu trong nền kinh tế quốc dân. Cây trồng chính để xuất khẩu của Ethiopia là: Cà phê, bông, dứa sợi, thuốc lá, hoa quả, hạt tiêu, mía, gỗ...
Ethiopia là nước có số lượng đàn gia súc lớn nhất châu Phi và đứng thứ 10 trên thế giới, cung cấp thịt sữa, da cho ngành công nghiệp chế biến. Đặc biệt Ethiopia được đánh giá là một trong những thị trường viễn thông có tiềm năng lớn với dân số đông, mật độ thâm nhập di động còn thấp, tăng trưởng kinh tế ổn định.
Ethiopia đang được coi là hình mẫu phát triển tại châu Phi, là nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất khu vực khoảng 10% giai đoạn từ 2008 đến nay. Đây chính là những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp của Việt Nam sang tìm hiểu cơ hội hợp tác, đầu tư.
Việt Nam và Ethiopia thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/03/1976. Từ đó đến nay, hai nước có quan hệ truyền thống tốt đẹp. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Ethiopia được đánh dấu bởi các cuộc trao đổi đoàn; các cuộc gặp gỡ, trao đổi tại các sự kiện, diễn đàn quốc tế mà cả hai nước cùng tham gia.
Về phía Ethiopia có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Ethiopia thăm Việt Nam (2004); Thứ trưởng Nông nghiệp Ethiopia (10/2012); Phó Thủ tướng Ethiopia (11/2014); Bộ trưởng Lao động và các vấn đề xã hội (3/2016), Bộ trưởng Doanh nghiệp công (4/2016). Về phía Việt Nam có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Hữu Thọ thăm Ethiopia vào năm 1978; Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Văn Chính dự lễ thành lập nước Cộng hòa dân chủ Ethiopia (9/1987); Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng thăm Ethiopia 12/1980…
Ethiopia là nước đang phát triển nên nhu cầu hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư là rất lớn. Tuy nhiên, hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng mỗi nước. Kim ngạch thương mại song phương năm 2017 đạt hơn 11 triệu USD, trong đó nước ta xuất 2,2 triệu USD chủ yếu là sản phẩm dệt may, da giày, sản phẩm hóa chất.
Thời gian gần đây, Ethiopia đẩy mạnh việc tăng cường quan hệ với Việt Nam thể hiện qua việc công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường (4/2014), tổ chức đoàn Phó Thủ tướng sang thăm và làm việc tại Việt Nam (11/2014). Hiện nay, hãng hàng không Ethiopia đã mở tuyến hàng không quốc tế kết nối thủ đô Addis Ababas với thành phố Hồ Chí Minh, tạo thuận lợi cho việc đi lại, trao đổi giữa các thương nhân hai nước.
Để tăng cường quan hệ hợp tác, hai nước ký kết nhiều Hiệp định như: Hiệp định khung về hợp tác văn hóa và Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, khoa học kỹ thuật và ký bản ghi nhớ hợp tác giữa Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam với Phòng thương mại và Công nghiệp Ethiopia. Đồng thời hai bên đang trao đổi các văn bản như: Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Miễn thị thực cho người mang hộ chiếu Ngoại giao và Công vụ, Hiệp định hợp tác về dịch vụ hàng không, bản ghi nhớ về hợp tác giữa các Bộ: Ngoại giao, Công Thương, Nông nghiệp, Thỏa thuận hợp tác về Văn hóa và Du lịch.
Về hợp tác tại các diễn đàn quốc tế, Ethiopia luôn ủng hộ và phối hợp tốt với Việt Nam như ủng hộ Việt Nam ứng cử đồng Chấp hành UNESCO (2015-2019), Hội đồng Kinh tế-xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018. Mới đây, Ethiopia đã khẳng định chính thức ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.
Trong chuyến thăm lần này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ đến thăm Trụ sở Liên minh Châu Phi, hội kiến với lãnh đạo Ủy ban Liên minh Châu Phi để thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ Việt Nam - Liên minh Châu Phi trong bối cảnh Việt Nam đang chủ trương thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ethiopia lần này của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa lịch sử, là chuyến thăm đầu tiên của một nguyên thủ Việt Nam tới quốc gia lớn và đông dân nhất khu vực Đông Phi và khu vực Sừng Châu Phi. Đồng thời khẳng định Việt Nam kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế. Trong đó luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống với các nước châu Phi nói chung và Ethiopia nói riêng. Chúng ta tin tưởng, qua chuyến thăm, mở ra các triển vọng hợp tác đầu tư và thương mại giữa hai nước trong những năm tới./.
Chủ tịch nước sẽ thăm cấp Nhà nước Ethiopia và Ai Cập
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm, làm việc ở An Giang
Chủ tịch nước: “Chú trọng nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến“
Chủ tịch nước gặp mặt các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài