Đưa quan hệ Việt Nam - Kazakhstan đi vào chiều sâu
(VOV) -Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ ngoại giao giữa 2 nước tiếp tục được củng cố và phát triển.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn cấp cao nước ta bắt đầu thăm chính thức Kazakhstan trong hai ngày 10-11/9.
Đây là chuyến thăm tiếp sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan vào cuối tháng 10/2011.
Chuyến thăm của Chủ tịch nước nhằm củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Việt Nam và Kazakhstan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/6/1992. Năm nay, chính là năm 2 nước kỷ niệm tròn 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhìn lại 20 năm qua, quan hệ giữa 2 nước tiếp tục được củng cố và phát triển.
Một góc Thủ đô Astana-Kazakhstan |
Nếu như trước đây khi còn là 1/15 nước Cộng hòa thuộc Liên xô, Chính phủ và nhân dân Kazakhstan đã dành cho nước ta sự ủng hộ và giúp đỡ nhiệt tình trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
20 năm sau, kể từ ngày tuyên bố độc lập năm 1991, với đường lối đối ngoại đa dạng, cân bằng, Kazakhstan tăng cường mở rộng quan hệ với các nước lớn như Nga, Mỹ, Trung Quốc và châu Âu, đồng thời tiếp tục củng cố tăng cường quan hệ với các nước bạn bè truyền thống trong đó có Việt Nam.
Trong 20 năm qua, trên cơ sở quan hệ tốt đẹp, hai bên đều mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế thương mại, văn hóa…
Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao như: Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm Kazakhstan năm 1994, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2009; Tổng thống Kazakhstan Nazarbayev thăm Việt Nam năm 2011. Ngoài ra còn có cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng các Bộ, ngành.
Quan hệ của hai nước còn được thể hiện rõ, khi hai nước phối hợp hành động chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại Liên Hợp Quốc và tại các diễn đàn quốc tế khác.
Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam ứng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khóa 2008-2009 và tiếp tục ủng hộ nước ta ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.
Việt Nam cũng ủng hộ Kazakhstan ứng cử Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2013-2015. Đặc biệt, với tư cách là quốc gia đề xướng thành lập Hội nghị về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở châu Á (CICA), Kazakhstan đã ủng hộ Việt Nam chính thức trở thành thành viên của tổ chức này vào năm 2010.
Kazakhstan là nước có diện tích lớn nhất khu vực Trung Á, dân số chỉ hơn 16,6 triệu người, nhưng lại có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú với trữ lượng dầu mỏ đứng thứ 8 trên thế giới.
Riêng vùng biển Caspi của Kazakhstan có trữ lượng 8 tỷ tấn dầu; đứng thứ 3 về trữ lượng crôm, thứ 2 thế giới về trữ lượng uran, thứ 4 về trữ lượng quặng, thiếc và thứ 8 về trữ lượng vàng, than.
Đây là tiềm năng to lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa 2 nước, nhất là lĩnh vực khai khoáng, dầu khí.
Để khai thác tiềm năng này, Việt Nam và Kazakhstan ký kết nhiều Hiệp định về kinh tế, thương mại, khuyến khích bảo hộ đầu tư và một số Bản ghi nhớ, Thỏa thuận hợp tác, trong đó có Thỏa thuận Hợp tác chiến lược giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tổng Công ty Dầu khí Kazakhstan; hợp tác trong lĩnh vực khoáng sản, năng lượng.
Hai bên cũng đã nhất trí xúc tiến khởi động nghiên cứu đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) Việt Nam- Liên minh thuế quan (Nga, Berlarus, Kazakhstan), dự kiến chính thức tuyên bố khởi động đàm phán trong chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch nước lần này.
Tuy vậy, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Kazakhstan chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước, kim ngạch thương mại song phương còn thấp năm 2011, mới chỉ đạt 49 triệu USD. Chính vì vậy, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang lần này nhằm khẳng định tin thần đề cao và mong muốn không ngừng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt với Kazakhstan. Điều này cũng đã được Tổng thống Nazarbayev khẳng định trong chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 10/2011, thống nhất đưa quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu và thực chất hơn.
Chúng ta tin tưởng, chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ mở ra một tương lai hợp tác hiệu quả giữa 2 nước, thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống-hợp tác vốn có giữa Việt Nam- Kazakhstan ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực, vì lợi ích của nhân dân 2 nước vì hòa bình ổn định ở khu vực và trên thế giới./.