Giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi

(VOV) - Cơ chế chính sách và nguồn lực ưu tiên của Chính phủ đã làm thay đổi diện mạo khu vực miền núi.

Sáng nay (11/4) tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị toàn quốc đánh giá và triển khai thực hiện chính sách vùng dân tộc và miền núi do Ủy ban Dân tộc tổ chức. Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới là tập trung thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh, bền vững gắn với giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo.

Từ năm 2006 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hơn 80 nghị định, quyết định và văn bản chỉ đạo với nhiều cơ chế chính sách, đề án tập trung giải quyết các vấn đề khó khăn, bức xúc nhất của vùng dân tộc và miền núi, đồng thời bố trí 55.000 tỷ đồng để triển khai.

Theo đánh giá chung tại Hội nghị, các cơ chế chính sách và nguồn lực ưu tiên của Chính phủ đã làm thay đổi diện mạo kinh tế-xã hội khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc. Rõ nhất là bình quân mỗi năm giảm 3,6% tỷ lệ hộ nghèo ở các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; trên 97 % số xã đã có đường ô tô đến trung tâm; 100% số xã có trường tiểu học, trung học cơ sở và trạm y tế; hơn 84 % số xã đặc biệt khó khăn đã có điện lưới quốc gia đến trung tâm...

(Ảnh: Chinhphu.vn)

Các ý kiến tại Hội nghị cũng đề cập một số vấn đề bức xúc nổi lên và kiến nghị kéo dài một số chương trình, đề án, tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất, dân di cư tự do; lồng ghép các chương trình đầu tư để nâng cao hiệu quả; ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ cơ sở...

Trên cơ sở lắng nghe các ý kiến thực tiễn của các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm và dành nhiều nguồn lực để thúc đẩy vùng dân tộc và miền núi phát triển. Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên các lĩnh vực nhưng nghiêm túc nhìn nhận thì vẫn còn không ít tồn tại hạn chế, yếu kém cần tập trung khắc phục, nhất là kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế vùng dân tộc, miền núi phát triển còn chậm; khoảng cách phát triển trên các mặt so với các vùng khác còn xa; tỷ lệ hộ nghèo vẫn cao nhất cả nước; hạ tầng kinh tế-xã hội tuy đã được đầu tư những vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng phân tích rõ 3 nguyên nhân chủ quan chủ yếu dẫn đến tình trạng này và yêu cầu các Bộ, ngành liên quan và các địa phương cần nghiêm túc rút kinh nghiệm: “Thứ nhất là nhận thức từ cấp ủy đảng tới chính quyền địa phương về chính sách về dân tộc miền núi chưa đúng mức thì chỉ đạo tập trung cũng chưa đúng mức. Thứ hai, chính sách ban hành nhiều, nhưng có một số chính sách chưa sát thực tế, nhưng chậm khắc phục, sửa chữa. Thứ ba, tổ chức thực thi kém hiệu quả”.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển vùng đồng bào dân tộc, miền núi để tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, coi đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm và thường xuyên.

Chính phủ, từng Bộ, ngành, địa phương rà soát các chương trình, chính sách để bổ sung, hoàn thiện theo hướng phù hợp, thiết thực và hiệu quả, nhất là liên quan đến đầu tư cơ hạ tầng các xã thôn, bản đặc biệt khó khăn; giảm nghèo nhanh, bền vững các huyện nghèo nhất cả nước; hỗ trợ định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số du canh du cư; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt.

Thủ tướng khẳng định: Mặc dù trong điều kiện còn khó khăn nhưng Chính phủ tiếp tục ưu tiên bố trí các nguồn lực để thực hiện các chương trình, chính sách phát triển vùng dân tộc và miền núi, trong đó thực hiện kiên trì, đồng bộ, bền bỉ các chính sách xóa đói giảm nghèo nhanh và vững chắc hơn.

Thủ tướng lưu ý các cấp chính quyền phải nắm chắc, hỗ trợ kịp thời, dứt khoát không để hộ nào bị đói do giáp hạt, sản xuất gặp thiên tai, gia đình gặp hoàn cảnh bất khả kháng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Ủy ban Dân tộc sớm trình Chính phủ cơ chế chính sách cụ thể để hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất gắn với rừng, cải thiện đời sống và làm giàu từ rừng; phát triển trồng các loại cây lương thực phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết gắn với hỗ trợ phát triển chăn nuôi.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình 134 hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở, nước sạch nhưng cần lồng ghép các chương trình khác để nâng cao hiệu quả đầu tư; phát triển mạng lưới trường, lớp học gắn với hỗ trợ con em hộ nghèo, cận nghèo được đi học, đào tạo nghề; tiếp tục triển khai Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; tập trung nâng cao hiệu quả giải quyết vấn đề di dân tự do; đảm bảo tốt an ninh, trật tự và kịp thời xử lý các vấn đề nổi lên; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, đây là yếu tố quyết định hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý phát triển kinh tế xã hội ở vùng dân tộc và miền núi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quốc hội giám sát chương trình 135 tại các địa phương
Quốc hội giám sát chương trình 135 tại các địa phương

Các Đoàn của UBTVQH đã tập trung giám sát việc thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn

Quốc hội giám sát chương trình 135 tại các địa phương

Quốc hội giám sát chương trình 135 tại các địa phương

Các Đoàn của UBTVQH đã tập trung giám sát việc thực hiện chương trình xoá đói, giảm nghèo và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn

720.000 hộ dân Hà Giang được hỗ trợ nhờ chương trình 135
720.000 hộ dân Hà Giang được hỗ trợ nhờ chương trình 135

Ngoài ra, từ chương trình này đã hỗ trợ mua sắm gần 3.800 máy nông nghiệp các loại và xây dựng hơn 350 mô hình sản xuất cho nhân dân Hà Giang.  

720.000 hộ dân Hà Giang được hỗ trợ nhờ chương trình 135

720.000 hộ dân Hà Giang được hỗ trợ nhờ chương trình 135

Ngoài ra, từ chương trình này đã hỗ trợ mua sắm gần 3.800 máy nông nghiệp các loại và xây dựng hơn 350 mô hình sản xuất cho nhân dân Hà Giang.