GMS: Lợi ích và trách nhiệm của Việt Nam
VOV.VN -Tuyên bố chung của GMS tái khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mekong phát triển toàn diện, bền vững.
Tối qua (20/12), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Đoàn đại biểu Việt Nam đã về đến Hà Nội, kết thúc thành công chuyến tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) lần thứ 5 diễn ra tại Bangkok, Thái Lan.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Thủ tướng các nước: Thái Lan, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Tổng thống Myanmar và Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á đã thông qua Tuyên bố chung của Hội nghị, không chỉ tái khẳng định cam kết chính trị mạnh mẽ cùng phối hợp thúc đẩy hợp tác tiểu vùng Mekong phát triển toàn diện và bền vững mà còn thông qua 92 dự án ưu tiên cao trong 4 năm tới với số vốn trên 30 tỷ USD, trong đó Việt Nam tiếp tục là nước được hỗ trợ nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng trọng điểm, nhất là hạ tầng giao thông.
Cao tốc Nội Bài-Lào Cai dài 240km thông xe vào tháng 9 vừa qua không chỉ là tuyến cao tốc dài nhất nhất hiện nay ở Việt Nam, mà còn là một trong những dự án hạ tầng lớn nhất trong khu vực Tiểu vùng Mekong được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn của GMS, nối liền hành lang kinh tế Bắc-Nam, một trong 3 hành lang kinh tế tiêu biểu của hợp tác Tiểu vùng Mekong.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia vào các dự án vay vốn GMS với gần 5 tỷ USD tập trung đầu tư các dự án lớn phát triển giao thông, điện, quản lý và giảm nhẹ rủi ro, du lịch, nông nghiệp, xây dựng xa lộ thông tin kết nối và phát triển các đô thị dọc các hành lang kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Việt Nam là một trong những nước được hưởng lợi nhiều từ hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng-GMS: “Chúng ta có rất nhiều dự án lớn ví dụ như các đường nối qua cửa khẩu Lao Bảo từ Thái Lan qua Lào và Lao Bảo ra Quảng Trị, hay các đường quốc lộ lớn phía Nam như kết nối từ Đồng Tháp sang Kiên Giang rồi tới đây sẽ đi cửa khẩu Xà Xía; kết nối vùng Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó các cầu lớn như cầu Vàm Cống và nhiều cầu khác. Mạng lưới giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long dựa chủ yếu vào nguồn vốn này cũng như các kết nối lớn trong vùng. Ngoài ra các nguồn vốn GMS còn hỗ trợ rất nhiều dự án kỹ thuật cho các tuyến đường khác như cao tốc Long Thành –Dầu Giây, dự kiến cũng vay vốn từ GMS. Có thể nói rằng, trong hợp tác Tiểu vùng Mekong mở rộng thì Việt Nam là một trong những nước được hỗ trợ rất nhiều để xây dựng các kết nối hạ tầng lớn và nhiều hệ thống giao thông lớn, nhất là đường bộ của Việt Nam đều dựa vào nguồn vốn này“.
Theo đuổi các lợi ích chung, cùng phát triển toàn diện và bền vững là tinh thần chung của Hội nghị Thượng đỉnh GMS lần thứ 5. Các nhà lãnh đạo tham dự GMS đánh giá cao và đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị “Tiểu vùng Mekong phát triển thịnh vượng, gắn kết và hài hoà sẽ chỉ đạt được nếu Chiến lược 3C: kết nối-cạnh tranh-cộng đồng được đặt trong mục tiêu tổng thể phát triển bền vững và toàn diện”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng thẳng thắn chỉ rõ kim chỉ nam để GMS vừa đẩy mạnh hợp tác, vừa giải quyết các thách thức chung nổi lên trong khu vực là phải đảm bảo sự cân bằng giữa kinh tế - con người - môi trường và điều không thể thiếu để tạo dựng tinh thần cộng đồng GMS và xây dựng quan hệ bền vững, lâu dài, đó chính là sự chân thành và thực tâm hợp tác giữa các nước thành viên.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trước các nhà lãnh đạo tham dự GMS: “Tôi muốn nhấn mạnh đến điều đã gắn kết tất cả chúng ta ở đây - đó là dòng sông Mekong. Chúng ta hãy cùng nhau có trách nhiệm quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước và bảo tồn những giá trị tốt đẹp gắn với dòng sông để sông Mekong luôn là kết nối bền chặt của tình hữu nghị, hợp tác giữa người dân và các quốc gia ven sông. Tôi tin rằng, với cam kết của các Chính phủ, sự ủng hộ của người dân và sự đồng hành của ADB, hợp tác GMS sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần xây dựng một Tiểu vùng Mekong thịnh vượng, hòa bình và phát triển bền vững”.
Một trong những nội dung quan trọng, có thể nói là điểm chốt của Hội nghị Thượng đỉnh GMS 5, đó là tìm kiếm nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực Tiểu vùng Mekong, nhất là nguồn lực để hiện thực hóa Khung đầu tư khu vực GMS với tầm nhìn đến năm 2022. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các nhà lãnh đạo GMS cũng nhấn mạnh quyết tâm tạo cơ chế khuyến khích khu vực doanh nghiệp tư nhân và lực lượng thanh niên trẻ tham gia tích cực trong hợp tác GMS nhằm đem đến luồng sinh khí mới và đóng vai trò ngày càng quan trọng cho tương lai của khu vực.
Các nhà lãnh đạo GMS và Ngân hàng phát triển châu Á đồng tình với quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra “Các nước tiểu vùng Mekong cần hình thành cơ chế hợp tác mở để tranh thủ thế mạnh của các đối tác phát triển và huy động thêm nguồn lực cho các dự án GMS ”.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết thêm: “Tại hội nghị lần này, Ngân hàng phát triển châu Á- tổ chức tài chính chủ trì cùng thúc đẩy GMS cam kết kêu gọi các nhà tài trợ trên thế giới, các tổ chức, đối tác phát triển của khu vực để đảm bảo nguồn lực hỗ trợ đầu tư cho GMS. Thủ tướng Trung Quốc cũng cam kết dành nguồn lực và đồng thời hỗ trợ các dự án lớn, nhất là dự án đường sắt và đường bộ lớn trong khu vực. Ngoài ra, Hội nghị lần này cũng đưa ra một giải pháp nữa, không chỉ trông cậy vào các đối tác tài trợ, tất nhiên đây là nguồn lực chủ yếu, mà còn kêu gọi lĩnh vực tư nhân tham gia vào thông qua hình thức Đối tác công tư (PPP), vì rất nhiều tập đoàn kinh tế lớn ngay các nước trong khu vực và có thể mời cả đối tác tư nhân ngoài khu vực GMS đầu tư hạ tầng kết nối giao thông. Rồi thông qua hợp tác của các khu vực với nhau. Đây là lĩnh vực mở ra đa dạng hóa các nguồn lực, thậm chí phát hành các tín phiếu khu vực để có nguồn lực. Thực sự nhu cầu hợp tác đầu tư GMS không chỉ dừng lại 30 tỷ USD trong giai đoạn 2014-2018 mà có thể có cao hơn nữa. Chúng tôi hy vọng rằng với những hợp tác tích cực như vậy, với cách làm tốt như vậy thì thời gian tới các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng sẽ mở ra các giải pháp có đủ nguồn vốn, thậm chí mở rộng hơn nữa đầu tư trong khu vực”.
Cơ chế hợp tác mở mà các nhà lãnh đạo GMS nhất trí trên cơ sở đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực Tiểu vùng Mekong trong tương lai. Các nhà lãnh đạo đã thông qua Khung đầu tư khu vực GMS giai đoạn 2014-2018, xác định 92 dự án tiểu vùng ưu tiên cao với tổng mức đầu tư lên tới trên 30 tỷ USD, trong đó tập trung chủ yếu xây dựng kết nối hạ tầng trọng điểm với trên 60 dự án và một số dự án mang tính chất hỗ trợ kỹ thuật.
Trong các dự án hạ tầng trọng điểm mà GMS sẽ hỗ trợ nguồn lực cho các nước thành viên trong 4 năm tới, Việt Nam có 18 dự án trọng điểm hạ tầng với nguồn vốn khoảng gần 5 tỷ USD và một số dự án khác hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam khoảng trên 40 triệu USD.
Chắc chắn với những nguồn lực hỗ trợ thiết thực này, cơ sở hạ tầng trọng điểm của Việt Nam, nhất là hạ tầng giao thông sẽ ngày càng khởi sắc hơn, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển, đẩy mạnh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai Chiến lược 3C: kết nối-cạnh tranh-cộng đồng nhằm phát triển bền vững và toàn diện khu vực Tiểu vùng Mekong, khẳng định GMS ngày càng đóng vai trò hình mẫu hợp tác trong khu vực./.