Góp ý về quy định sở hữu trong Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi)
VOV.VN -Có ý kiến cho rằng, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) cần cân nhắc quy định sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu hay nằm trong sở hữu chung.
Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân. Trong đó, vấn đề được nhiều người dân quan tâm là quy định về các hình thức sở hữu và quyền sở hữu.
Ông Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam cho rằng: Dự thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi) quy định 3 hình thức sở hữu, bao gồm sở hữu toàn dân, sở hữu chung và sở hữu riêng là hoàn toàn phù hợp với quy định tại Điều 53 của Hiến pháp. Sở hữu toàn dân bao gồm những tài sản có giá trị lớn như đất đai, rừng núi, tài nguyên… là tư liệu sản xuất quan trọng của đất nước, do đó cần xác định rõ sở hữu tài sản này là toàn dân và hình thức sở hữu toàn dân phải là một hình thức độc lập.
Theo ông Lê Minh Tâm, việc xác định rõ như vậy không chỉ có ý nghĩa pháp lý đơn thuần mà còn có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa (XHCN), xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Ông Lê Minh Tâm phân tích: “Về cơ chế thực hiện quyền sở hữu tài sản thuộc sở hữu toàn dân có đặc thù riêng, không giống như các tài sản chung khác. Vì vậy nó cần được chú trọng để bên cạnh việc ghi trong luật, thì còn phải tiếp tục xây dựng cơ chế pháp lý này để bảo đảm thực hiện trên thực tế. Cụ thể là cần có cơ chế để bảo đảm cho Nhà nước thực sự là đại diện chủ sở hữu của sở hữu toàn dân, nhưng đó là quyền do nhân dân ủy quyền và phải có cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ, dân chủ và hiệu quả để chống lạm dụng, tham nhũng”.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng: Hiến pháp 2013 đã quy định rõ hình thức sở hữu toàn dân, do vậy việc đưa vào dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) hình thức sở hữu toàn dân là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật cần cân nhắc quy định sở hữu toàn dân là một hình thức sở hữu hay nằm trong sở hữu chung.
Ông Đinh Xuân Thảo cũng đánh giá cao dự thảo Bộ luật dành một phần quy định về quyền sở hữu và các vật quyền khác. Bởi khi nói đến quan hệ tài sản trong giao dịch dân sự thì vấn đề sở hữu là nội dung rất quan trọng.
Ông Đinh Xuân Thảo-Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp
Theo ông Đinh Xuân Thảo, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) phải thể hiện được một nguyên tắc chung để trong trường hợp cụ thể, khi chưa có điều luật để giải quyết tranh chấp thì Tòa án cần căn cứ vào nguyên tắc chung này để thụ lý giải quyết: “Bây giờ một tranh chấp dân sự xảy ra thì vấn đề quan trọng là xác định vấn đề sở hữu, nội hàm của sở hữu như thế nào.
Trong quan hệ dân sự rất đa dạng, phong phú, phức tạp. Do đó, Bộ luật này phải thể hiện được một nguyên tắc chung để trong trường hợp cụ thể chưa có một luật cụ thể để quy định giải quyết tranh chấp thì tòa án không được lấy lý do khước từ không thụ lý vì chưa có điều luật cụ thể. Trong trường hợp đó, Bộ luật dân sự phải quy định nguyên tắc chung cho đầy đủ”.
Cũng theo ông Đinh Xuân Thảo, một điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) là quy định quyền sở hữu và các vật quyền khác được xác lập kể từ thời điểm chuyển giao vật. Trường hợp luật quy định việc chuyển giao vật phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì thời điểm xác lập quyền sở hữu và các vật quyền khác có hiệu lực từ thời điểm đăng ký.
Từ thực tế đi giám sát, ông Đinh Xuân Thảo cho biết: Có rất nhiều trường hợp, người dân mua nhà hợp pháp nhưng chưa hoàn thành thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng nên khi xảy ra tranh chấp rất khó giải quyết. Do đó, ông Đinh Xuân Thảo đồng tình với quy định của dự thảo Bộ Luật vì cho rằng đó là căn cứ, cơ sở để Tòa án xử lý giải quyết khi có tranh chấp xảy ra./.