GS C.Thayer đánh giá cao thông điệp của Thủ tướng Việt Nam

(VOV) -GS Carl Thayer: Đó là một bài phát biểu rất hay, đầy sức mạnh.

Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn Đối thoại Shangri-la tại Singapore đang trở thành tâm điểm chú ý của các học giả và chuyên gia quốc tế. Khái niệm “lòng tin chiến lược” mà người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề cập đã nhiều lần được nhắc tới như một nhân tố thiết yếu để giải quyết tranh chấp và xung đột. Phóng viên thường trú Đài TNVN tại Mỹ phỏng vấn chuyên gia nổi tiếng về Đông Nam Á, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia. 

PV: Thưa Giáo sư, là người trực tiếp tham dự diễn đàn Shangri-la lần này, ông nhìn nhận thế nào về bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng?

GS Carl Thayer chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Học viện Quốc phòng Australia

Giáo sư Carl Thayer: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày bài phát biểu với một phong thái vô cùng tự tin. Ông đề cập tới những nước có những cách hành xử mang tính đơn phương, gây xáo trộn tình hình khu vực. Nhiều người rất ngạc nhiên trước sự thẳng thắn này của Việt Nam.

Ngoài ra, bài phát biểu của Thủ tướng còn có rất nhiều điểm đáng chú ý như hoan nghênh vai trò mang tính xây dựng của các cường quốc ngoài khu vực, Biển Đông là vấn đề đa phương và sự cần thiết phải xây dựng lòng tin chiến lược.

Khi ông tuyên bố Việt Nam sẽ lần đầu tiên tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, những người cùng bàn với tôi, trong đó có nhiều quan chức cao cấp đã lập tức lấy giấy bút ghi lại nội dung quan trọng này. Đây là lần đầu tiên Việt Nam phối hợp với quân đội các nước khác, thậm chí có thể là ở cả châu Phi.

Nhìn chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đề cập đến tất cả các lĩnh vực mấu chốt. Đó là một bài phát biểu rất hay, đầy sức mạnh và được các đại biểu đánh giá cao.

 PV: Thông điệp xuyên suốt mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra là xây dựng “lòng tin chiến lược” nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định, theo ông các nước cần làm gì để xây dựng lòng tin chiến lược này?

Giáo sư Carl Thayer: Trong bài phát biểu của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã 17 lần nhắc tới cụm từ “lòng tin chiến lược”. Lúc đầu, một số người cùng bàn với tôi dường như cảm thấy như vậy là quá nhiều nhưng vào phiên họp cuối cùng, cụm từ này đã trở thành tâm điểm thảo luận của tất cả các bộ trưởng có mặt tại diễn đàn Shangri-la.

Tôi nghĩ rằng lòng tin chiến lược cần phải có tiền đề, dựa trên những chuẩn mực, luật pháp quốc tế và sự tôn trọng lẫn nhau. Nếu các chính phủ tương tác với nhau, chúng ta sẽ có thể dễ đoán được cách hành xử của phía bên kia và sẽ tin tưởng nhau hơn. Chúng ta chỉ có thể thực hiện được điều này bằng những nỗ lực thực sự. Hiện nhiều nước đang thiếu lòng tin chiến lược, chẳng hạn như khi Trung Quốc chế tạo thêm tàu hải quân thì Mỹ cho rằng động thái này nhằm chống lại Mỹ và tình hình cứ kéo dài như vậy. Ở đây tôi thấy cần phải nhắc tới Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF). Diễn đàn này đề ra 3 tiến trình: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột, tức là xây dựng lòng tin luôn là số 1. Giờ đây thì cụm từ lòng tin chiến lược đang được nhiều quan chức cấp cao sử dụng. Như tôi đã nói ở trên, vào ngày hoạt động cuối cùng của diễn đàn đối thoại Shangri-la vừa qua, cụm từ này đã được bộ trưởng quốc phòng các nước nhắc tới rất nhiều.

PV: Trong bài phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh tới sự thống nhất trong ASEAN để đối phó với các thách thức trong khu vực. Ông nhận định thế nào về vấn đề này, đặc biệt là trong quá trình giải quyết tranh chấp trên Biển Đông ?   

Giáo sư Carl Thayer: Năm nay ASEAN có Tổng thư ký mới là một nhà ngoại giao Việt Nam kỳ cựu và nước Chủ tịch mới là Brunei, một quốc gia khá thịnh vượng mà Trung Quốc khó có thể gây ảnh hưởng. Ngoài ra, Thái Lan đang đảm nhận vai trò điều phối viên và Indonesia hoạt động rất tích cực. Rất nhiều nước đang ủng hộ nỗ lực đoàn kết ASEAN của Việt Nam.

ASEAN chia rẽ thì Trung Quốc hưởng lợi và lý do khiến quá trình đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) đang được tái khởi động là do thông điệp nhất quán: Bắc Kinh cần phải ngồi vào bàn đàm phán mà Ngoại trưởng Trung Quốc nhận được khi công du khu vực này. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là các bên sẽ dễ dàng đi đến thỏa thuận mà sẽ là một quá trình thương lượng lâu dài và khó khăn. Có lẽ đây sẽ là sự khởi đầu của sự khởi đầu./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bài phát biểu của Thủ tướng tại  Shangri-La gây ấn tượng
Bài phát biểu của Thủ tướng tại Shangri-La gây ấn tượng

(VOV) - Ông David Camroux cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La có ý nghĩa biểu tượng quan trọng.

Bài phát biểu của Thủ tướng tại  Shangri-La gây ấn tượng

Bài phát biểu của Thủ tướng tại Shangri-La gây ấn tượng

(VOV) - Ông David Camroux cho rằng bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Shangri-La có ý nghĩa biểu tượng quan trọng.