Hà Giang cần tập trung quyết liệt các biện pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trung ương tiếp tục hỗ trợ Hà Giang phát triển nhưng không thể làm thay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững.
Trong hai ngày 19 và 20/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đoàn công tác Chính phủ đã lên thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang.
Vượt qua đoạn đường dài gần 200 cây số quanh co đèo dốc qua các dãy cao nguyên núi đá, đoàn công tác của Chính phủ mới đến được 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc. 4 huyện vùng cao đặc biệt khó khăn nằm ở phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Đối với bà con các dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây thì khó khăn nhất là nước sinh hoạt và đất sản xuất.
Đây là hai trong nhiều vấn đề mà cách đây gần 3 năm khi lên thăm và làm việc tại Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gợi mở nhiều biện pháp để giải quyết nhu cầu cấp thiết cho bà con các dân tộc vùng cao, trong đó Thủ tướng đồng ý cấp hơn 200 tỷ đồng để xây dựng 30 hồ chứa nước, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành giúp Hà Giang đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất lúa, ngô phù hợp với địa hình, khí hậu và thời tiết, phát triển trồng cỏ gắn với nuôi bò và phát triển trồng rừng như một nghề cho đồng bào các huyện vùng cao.
Sau khi trực tiếp kiểm tra các công trình hồ chứa nước và thăm hỏi đồng bào các dân tộc vùng cao, ngay trong tối qua tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang và 4 huyện vùng cao phía Bắc. Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung và 4 huyện vùng cao phía Bắc nói riêng đã vượt qua nhiều khó khăn tạo được những chuyển biến tích cực và khá đồng đều trên các lĩnh vực trong 3 năm qua.
Năm 2009 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Hà Giang vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2008 với 13,46%; tập trung chỉ đạo thâm canh, xây dựng cánh đồng mẫu nên sản lượng lương thực đạt trên 30 vạn tấn, cao nhất trong nhiều năm qua; diện tích trồng cỏ tăng trên 4.000 héc ta; trồng mới gần 14.000 ha rừng sản xuất nhưng quan trọng là gần 1/3 diện tích này do chính người dân tự bỏ vốn để trồng rừng; nhiều công trình thủy lợi, dân sinh đang triển khai tích cực, nhất là hoàn thành và đưa vào sử dụng 26 hồ chứa nước phục vụ đời sống sinh hoạt của bà con vùng cao, cơ bản xóa bỏ nhà tạm cho gần 6300 hộ nghèo; giảm 6 % tỷ lệ hộ nghèo và thực hiện có hiệu quả dự án khoanh nuôi, bảo vệ và phát triển rừng tại 4 huyện vùng cao phía Bắc gắn với hỗ trợ gạo cho người dân trồng và giữ rừng…
Tuy nhiên, Hà Giang vẫn còn là một tỉnh nghèo mà rõ nhất là tỷ lệ hộ nghèo hiện nay cao gần gấp đôi so với bình quân chung cả nước, Thủ tướng nêu rõ như vậy và khẳng định, Trung ương tiếp tục hỗ trợ Hà Giang phát triển nhưng không thể làm thay Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vươn lên thoát nghèo và phát triển bền vững. Với trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân, mỗi cán bộ, đảng viên phải trăn trở, suy nghĩ, tính toán từ thực tiễn để từ đó nhân rộng và phát triển các mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân.
Trên tinh thần này, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh Hà Giang tập trung quyết liệt công tác chỉ đạo và điều hành các biện pháp cụ thể nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và lợi thế của tỉnh để phát triển. Trước hết là trong lĩnh vực nông nghiệp cần tiếp tục nhân rộng các mô hình, cách làm hiệu quả, nhất là nhân rộng mô hình thâm canh tăng năng suất lúa, ngô; phát triển trồng cây cải dầu; trồng cỏ gắn với nuôi bò; phát triển diện tích nghề trồng rừng, cây cao su; rà soát quy hoạch và phát triển các hồ chứa nước trước hết đảm bảo nước sinh hoạt cho đồng bào ở các huyện vùng cao, đồng thời quy hoạch và xây dựng làng bản với đầy đủ hạ tầng thiết yếu để từng bước hạ sơn các hộ đồng bào dân tộc thiểu số sống trên núi cao…
Trong phát triển thủy điện và khai khoáng, Thủ tướng yêu cầu Hà Giang tập trung rà soát hơn 20 dự án thủy điện phải đảm bảo an toàn, hiệu quả kinh tế-xã hội và môi trường. Dự án khai thác khoáng sản mà chưa có quy hoạch, khảo sát cụ thể dứt khoát không cấp phép. Các dự án cấp phép khai thác khoáng sản phải đảm bảo hiệu quả kinh tế và môi trường.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Hà Giang tập trung đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Thanh Thủy và phát triển dịch vụ, du lịch; tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển; tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 30a của Chính phủ và giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2010.
Cùng với thực hiện quyết liệt các biện pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội mà tỉnh đề ra trong năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu tỉnh Hà Giang tổ chức tốt Đại hội đảng bộ các cấp. Mỗi cấp đảng bộ cần đề ra cho được các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu trên từng lĩnh vực gắn với các giải pháp cụ thể để thực hiện trong nhiệm kỳ tới.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Dần sắp đến, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm, chúc Tết và tặng quà đồng bào các dân tộc ở huyện Đồng Văn, Mèo Vạc và xã Lũng Cú, huyện Yên Minh nơi địa đầu cực Bắc của tổ quốc. Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tỉnh Hà Giang đặc biệt chăm lo đời sống của người nghèo, gia đình chính sách và đồng bào các dân tộc thiểu số trong dịp Tết Nguyên Đán.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đến thăm hỏi, động viên, tặng quà cán bộ, công nhân và kỹ sư đang làm việc trên công trường xây dựng thủy điện Nho Quế 3 ở huyện Đồng Văn và chứng kiến Ngân hàng Cổ phần thương mại Công thương Việt Nam trao tặng huyện Đồng Văn 50 tỷ đồng để xóa nhà tạm cho các hộ nghèo và 15 tỷ đồng xây dựng mới Cột cờ Lũng Cú…
Trong thời gian thăm và làm việc tại tỉnh Hà Giang, Thủ tướng cũng đã đến dâng hương tại khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở thị trấn Mèo Vạc./.