Hà Nội dừng xây dựng 5 cổng chào phục vụ Đại lễ 1.000 Thăng Long

Kinh phí để xây dựng 5 cổng chào này sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề dân sinh bức xúc, chỉnh trang đô thị…

Sáng 15/7, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội bế mạc kỳ họp thứ 21, sau 3 ngày làm việc.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế cho biết: Uỷ ban Nhân dân thành phố đã báo cáo Thường trực Chính phủ cho phép dừng việc xây dựng 5 cổng chào phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Kỳ họp thứ 21 Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội thông qua 3 Nghị quyết về tình hình phát triển kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách năm 2009 và Nghị quyết về đặt tên một số đường phố. Trong đó, thống nhất 5 nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp, thúc đẩy kinh tế Thủ đô đạt tốc độ tăng trưởng hơn 10% trong năm nay; nhất trí đặt tên và đổi tên 43 tuyến phố. Đường Láng- Hoà Lạc được đặt tên là Đại lộ Thăng Long.

Phát biểu tại phiên bế mạc kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố nêu rõ: trên cơ sở Nghị quyết của HĐND, Uỷ ban sẽ tiếp tục đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, hoàn thành tốt nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Ông Nguyễn Thế Thảo cho biết: “UBND Thành phố Hà Nội vừa báo cáo Thường trực Chính phủ xin dừng xây dựng 5 cổng chào phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long –Hà Nội. Trước những ý kiến của giới kiến trúc sư, cộng đồng, dư luận xã hội còn khác nhau trong khi để đạt được sự đồng thuận còn rất khó, thời gian đến Đại lễ không còn nhiều. Trước tình hình trên, ngày 14/7, Uỷ ban Nhân dân Thành phố báo cáo thường trực Chính phủ cho phép dừng việc xây dựng 5 cổng chào. Thay vào đó, Thành phố sẽ triển khai trang trí bằng hoa, cây xanh, panô, các điểm nhấn như lâu nay vẫn làm nhân dịp các sự kiện lớn ở Thủ đô. Kinh phí các doanh nghiệp ủng hộ xây dựng cổng chào sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề dân sinh bức xúc, chỉnh trang đô thị và trang trí một số khu vực trung tâm đón chào Đại lễ”.

Ông Nguyễn Thế Thảo cũng cho biết: việc UBND Thành phố Hà Nội xin rút, không trình đề án quy định mức thu học phí bậc học mầm non và phổ thông công lập tại Kỳ họp Hội đồng Nhân dân Thành phố lần này là do trong đề án có một số nội dung mà đông đảo cử tri cho rằng cần phải được nghiên cứu khoa học để phù hợp thực tiễn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên