Hà Nội họp về nhiều nội dung trước kỳ họp Quốc hội
(VOV) -Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội làm việc với HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13.
Sáng nay (17/5), đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội làm việc với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố để nghe báo cáo về tình hình thực hiện kinh tế - xã hội; công tác triển khai Luật Thủ đô; việc tổ chức lấy ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và kiến nghị của thành phố với Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 13. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Quang Nghị chủ trì hội nghị.
Quý 1 năm nay, tổng sản phẩm của thành phố Hà Nội tăng 7,5% cao hơn mức 7,3% cùng kỳ năm ngoái. Thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, quyết định cụ thể hóa Luật Thủ đô; tổ chức 1.400 hội thảo, hội nghị, tọa đàm; thu được hơn 773.000 ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Việc tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi được thực hiện nghiêm túc, thu được nhiều ý kiến thiết thực. Để thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trong thời gian tới, thành phố Hà Nội kiến nghị với Quốc hội sớm ban hành Luật đầu tư công, Luật đất đai sửa đổi… cũng như tăng cường hoạt động giám sát. Cử tri thủ đô mong muốn Quốc hội tổ chức có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội và HĐND bầu.
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội ghi nhận trong thời gian qua các cấp, các ngành của thành phố đã tổ chức triển khai tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; làm tốt công tác tiếp dân; giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri; có nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành nhiều văn bản đồng bộ để Luật Thủ đô được triển khai có hiệu quả khi có hiệu lực từ ngày 1/7 tới.
Tuy nhiên, qua giám sát và tiếp xúc cử tri, đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhận thấy vẫn còn tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài; tình trạng vi phạm trong lĩnh vực đất đai, hành chính tái diễn và phức tạp; thiếu các giải pháp mạnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; việc tuyên truyền, phổ biến một số văn bản luật tới người dân còn hạn chế./.