Hà Nội lấy ý kiến vào 2 Dự thảo Luật
VOV.VN -Các ý kiến đề nghị Dự thảo luật cần quy định cụ thể
Chiều 18/9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự và Dự thảo luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Đây là 2 dự án luật dự kiến được thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.
Các ý kiến tại hội nghị cho rằng, thi hành án dân sự là giai đoạn cuối cùng trong trình tự tố tụng dân sự, thể hiện hiệu lực các phán quyết của Tòa án. Các vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là quyền và nghĩa vụ của người thi hành án, thời hạn tự nguyện thi hành án... Một số đại biểu cho rằng, quy định 10 ngày để tự nguyện thi hành án là không phù hợp. Nên để thời hạn 30 ngày như pháp lệnh trước đây là hợp lý để chấp hành viên căn cứ vào nội dung việc thi hành án lớn, nhỏ rồi cho thời hạn tự nguyện thi hành.
Góp ý vào Dự thảo luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, các ý kiến đề nghị Dự thảo luật cần quy định cụ thể, đảm bảo việc đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đạt được mục tiêu an toàn, hiệu quả, phát triển bền vững trong nền kinh tế thị trường, tránh xảy ra tình trạng lời ăn, lỗ dân chịu như thời gian qua. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị quy định rõ việc huy động vốn đầu tư mua sắm thiết bị, đầu tư các dự án, kể cả đầu tư ra nước ngoài. Nhiều ý kiến đề nghị cần có chế tài đủ mạnh với người đại diện quản lý sử dụng vốn nhà nước có sai phạm.
Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng, đoàn đại biểu Hà Nội nói: "Cần quy định cơ chế kiểm tra, kiểm soát, giám sát có hiệu quả chất lượng kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, các cơ quan đại diện, chủ sử dụng vốn nhà nước. Cần cụ thể hóa các chế tài để xử lý kịp thời người đại diện quản lý sử dụng vốn nhà nước trong kinh doanh để mất vốn, kinh doanh thua lỗ, không minh bạch làm sai lệch kết quả kinh doanh. Yêu cầu có chế tài xử lý nhanh không để doanh nghiệp hoạt động kinh doanh yếu kém nhiều năm rơi vào khó khăn trầm trọng, phá sản vốn của nhà nước thâm hụt, thất thoát lớn rồi chúng ta mới xử lý”./.