Hiến kế chọn người tài-đức cho Đảng

VOV.VN - PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: "Chúng ta phải làm tốt hơn khâu quy hoạch. Quy hoạch làm sao cho đúng, trúng cán bộ có trí tuệ, có phẩm chất".

Nhân kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Báo điện tử VOV tổ chức cuộc tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cách mạng Tháng Tám và bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Các vị khách mời tham gia chương trình gồm: PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh); PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Ông Lê Quang Thưởng - Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.

Phần 1: Bài học về trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Phần 2: Chạy chức, chạy quyền là hệ quả của quản lý kém

Các vị khách mời tham gia tọa đàm tại studio của VOV.VN

Mời quý độc giả theo dõi tiếp phần cuối của cuộc tọa đàm này:

Công tác cán bộ muốn làm tốt thì phải đánh giá cán bộ đúng

PV: Hiện nay, chúng ta đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng các bộ, ngành, địa phương, tiến tới ĐH Đảng toàn quốc lần thứ 12. Công tác nhân sự được Đảng ta hết sức chú trọng, triển khai rất bài bản, chu đáo. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 11 khóa XI, khi nói về tiêu chuẩn nhân sự khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương những người có tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, vận động cá nhân, tư tưởng cục bộ, phe cánh, lợi ích nhóm, không dám đấu tranh bảo vệ lẽ phải…”. Theo các vị khách mời, công tác nhân sự của Đại hội lần này có gì khác và mới so với các kỳ trước?

Ông Lê Quang Thưởng: Đó là những nguyên tắc chung từ trước đến nay, phải đánh giá đúng con người kể cả mặt ưu, mặt khuyết. Từ đó tìm hướng khắc phục những khuyết điểm đồng thời phát huy những mặt ưu điểm của cán bộ.

Công tác nhân sự kỳ này phải làm từ cấp cơ sở, rồi đến cấp huyện, cấp tỉnh. Công tác nhân sự phải làm tốt ngay từ dưới, làm nền cho những cá nhân tốt vào cấp ủy. Từ cấp ủy cấp dưới làm tốt rồi thì đây sẽ là nguồn cho công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp trên. Đó là vấn đề rất quan trọng trong quá trình đại hội.

Công tác nhân sự bao giờ cũng đặt ra yêu cầu phải khách quan để đánh giá con người, đồng thời phải nắm được thông tin của người cán bộ. Như trường hợp của Nguyễn Xuân Sơn, Dương Chí Dũng, lúc đầu họ là những cán bộ tốt, nhưng sau đó chúng ta phát hiện họ là những người có khuyết điểm lớn. Điều đó cho thấy thông tin trong công tác cán bộ cũng như quản lý cán bộ làm không tốt.

Còn vấn đề nữa là làm sao trẻ hóa được đội ngũ và đây là vấn đề khó. Từ khi Đảng ra đời, đến nay tuổi thọ bình quân của đảng viên là 50-60 tuổi, vì vậy, làm sao đánh giá, bồi dưỡng lớp trẻ kế cận được lên nhanh để họ gánh vác công việc của Đảng, của đất nước.

Tóm lại, công tác cán bộ muốn làm tốt thì phải đánh giá cán bộ đúng, trên cơ sở đó, tại đại hội khẳng định họ trong quy hoạch cán bộ có đúng như vậy không? Nếu đúng thì tiếp tục phát huy họ, đưa họ lên các vị trí lãnh đạo. Nếu không đúng thì phải loại khỏi quy hoạch cán bộ. Và phải kịp thời bồi dưỡng họ về công việc, kiến thức chính trị, quản lý, kiến thức lãnh đạo để họ sẵn sàng làm tốt công việc được giao.

Về công tác nhân sự của Đại hội lần này có gì khác và mới so với các kỳ trước? Theo tôi, những vấn đề cơ bản thì vẫn như cũ vì công tác nhân sự căn cứ vào nhiệm vụ chính trị, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới; căn cứ vào tình hình thực tế của đất nước...

Song, công tác nhân sự trong thời kỳ mới có điểm khác chính là đòi hỏi cao hơn đối với đội ngũ cán bộ so với 5-10 năm trước. Những khó khăn, phức tạp bây giờ có phần nhiều hơn thì phải biết để loại trừ những mặt tiêu cực trong đội ngũ cán bộ để xây dựng đội ngũ này đúng tiêu chuẩn.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Công tác cán bộ, nhất là việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo của Đảng từ cấp cơ sở đến cấp cao nhất thì bản thân nó là khoa học tổ chức, khoa học cán bộ. Vì vậy, ngay trong Đảng cầm quyền, những vấn đề lý luận về khoa học tổ chức, khoa học cán bộ cần phải tổng kết rõ hơn.

Tổng kết này là tổng kết thực tiễn công tác tổ chức cán bộ trong suốt 85 năm Đảng lãnh đạo (từ năm 1930 đến nay) và 70 năm Đảng cầm quyền (từ năm 1945). Khi đã tổng kết lại sẽ đưa ra những nguyên lý, nguyên tắc, quan điểm một cách bài bản sẽ chỉ đạo trở lại cho công tác cán bộ trong thời kỳ mới được tốt hơn.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc

Tôi thấy, toàn bộ tổng kết của chúng ta cho tới Đại hội X, XI chỉ có mấy nguyên tắc cơ bản trong xây dựng Đảng và những bước cơ bản trong công tác cán bộ từ đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đề bạt, luân chuyển cán bộ đến chính sách cán bộ. Vì thế, chúng ta cũng nên chú ý để xây dựng bài bản thành khoa học tổ chức, khoa học cán bộ vì nó cũng nằm trong chiến lược về nguồn lực cao. Và khi nó trở thành khoa học và lý luận, các bước thực hiện sẽ nề nếp, được thực hiện tốt hơn.

Vừa qua, riêng đánh giá chuẩn bị cho Đại hội các cấp và Đại hội XII ngoài những điểm vừa nêu, tôi thấy có những điểm mới trong việc lựa chọn cán bộ vào cơ quan lãnh đạo là tất cả phải tuân thủ quy hoạch cán bộ. Chúng ta đã hoàn thành Đại hội ở cấp cơ sở, chuẩn bị thời gian tới là ở cấp tỉnh, thành phố, các bước bầu cử đều nằm trong quy hoạch. Mà quy hoạch ấy đòi hỏi cấp ủy triệu tập đại hội phải có trách nhiệm rất cao để giới thiệu những người tham gia vào khóa tới.

Không chỉ cấp ủy làm việc đó, BCH Trung ương cũng có mấy kỳ họp bàn về quy hoạch cán bộ vào Trung ương, thậm chí, bàn kỹ hơn về quy hoạch vào Bộ Chính trị. Đây là vấn đề mới mà các nhiệm kỳ trước chưa làm được.

Lần đầu tiên làm như thế có thể vẫn chưa được hoàn chỉnh nhưng phải làm như vậy thì ra đại hội bầu cử, lựa chọn trong chính những người đã được lựa chọn. Qua theo dõi đại hội cấp cơ sở và trên cơ sở cho thấy, số cán bộ mà ra đại hội mới giới thiệu là rất ít, thậm chí không có mà tất cả đều nằm trong quy hoạch.

Do đó, chúng ta phải làm tốt hơn khâu quy hoạch, quy hoạch làm sao cho đúng, trúng cán bộ có trí tuệ, có phẩm chất.

Hiện nay, chúng ta đang có quy trình là trước khi đại hội, những người được quy hoạch đều phải có ý kiến của khu dân cư nơi họ sinh sống. Đó là khâu tốt, song cũng nên giải thích cho dân để dân có trách nhiệm hơn trong việc lựa chọn nếu không họ sẽ cho ý kiến để xong thủ tục.  

Muốn tìm được người tài phải dựa vào nhân dân

PV: Bối cảnh đất nước ta hiện nay đang đòi hỏi những người lãnh đạo phải có những phẩm chất gì, điều gì là quan trọng nhất? Theo các vị khách mời, làm thế nào để chọn được người thực tài tham gia quản lý nhà nước và xã hội?

PGS.TS Đinh Xuân Thảo: Trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang xây dựng đất nước tiến lên theo nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập toàn diện sâu rộng vào quốc tế, đòi hỏi người cán bộ trong cương vị bộ máy nhà nước, nhất là cấp lãnh đạo tầm chiến lược phải là những người đặt lợi ích của nhân dân lên hàng đầu, có lập trường, bản lĩnh. Bởi vì chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan. Đất nước độc lập, tự chủ đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, thì con người đó phải có lập trường, bản lĩnh vững vàng. Đó còn là những con người tận tâm với dân, với nước.

Trong Hiến pháp cũng đã quy định, những người đứng đầu trong bộ máy nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...sau khi được bầu phải tuyên thệ trước Quốc hội, trước quốc dân đồng bào, điều đó thể hiện trách nhiệm của những người đứng vào vị trí đó.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo

Hiện nay, chúng ta xây dựng nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật và thẩm quyền của nhà nước chỉ làm những điều mà pháp luật cho phép, còn người dân được làm những điều mà pháp luật không cấm. Muốn như thế thì phải tạo được hành lang pháp lý chuẩn, người lãnh đạo đến đội ngũ tham mưu phải làm tròn trách nhiệm của mình, trước hết phải gương mẫu, tuân thủ thực hiện tốt những quy định đó và vận động mọi người cùng thực hiện.

Tôi hy vọng và đặt niềm tin ở Đại hội kỳ này sẽ tìm chọn được những người như vậy. Như hai vị khách mời cũng đã nói, nét mới của Đại hội kỳ này là chúng ta đã có quy hoạch bài bản từ đầu, đặc biệt kết hợp 3 độ tuổi chính là để trẻ hóa đội ngũ cán bộ một cách chủ động.

Thứ hai, quy trình bầu các chức vụ trong Đảng đã có quy chế của Trung ương thì lần này được quy định rất rõ. Hiện nay, chúng ta đang giới thiệu nhân sự cho Đại hội XII khác với trước đây là bây giờ làm hai vòng: Vòng 1 là từ dưới lên, vòng 2 là từ trên đưa xuống với diện hẹp hơn để bỏ phiếu. Chính như vậy mới đánh giá khách quan, công bằng, minh bạch.

Nhưng để làm tốt hơn nữa, như bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân khi đã có danh sách ứng cử thì phải công khai để mọi người biết và cùng tham gia ý kiến đóng góp. Nếu trường hợp có thông tin không tốt thì phải thẩm tra, xác minh kỹ lưỡng và kết luận rõ ràng. Song, nếu công khai, dân chủ không khéo sẽ nguy hại trong công tác cán bộ.

Bởi vì trước đây công tác cán bộ gần như là bí mật, nhưng bây giờ đưa ra công khai thì sẽ có mặt tốt và mặt không tốt là lợi dụng công khai đó để đưa ra thông tin thất thiệt ảnh hưởng đến ứng cử viên. Những người đáng lẽ sẽ rất xứng đáng được bầu vào những vị trí quan trọng.

Vì vậy, chúng ta phải thật sáng suốt, làm chặt chẽ, nghiêm túc để bảo đảm tính công bằng, khách quan, công khai, minh bạch, tập trung dân chủ, chọn được đội ngũ vào cơ quan lãnh đạo đúng với nguyện vọng, mong muốn của Đảng và nhân dân.

PV: Thưa ông Lê Quang Thưởng, làm thế nào để có thể tìm thấy người tài và trọng dụng được họ như cách mà Bác Hồ đã làm. Chúng ta có thể vận dụng những bài học về dùng người của Bác Hồ vào bối cảnh hiện nay ra sao?

Ông Lê Quang Thưởng: Nói một cách khái quát nhất là phải dựa vào nhân dân. Khi nhân dân được tin tưởng, họ sẽ hiến kế cho Đảng, Nhà nước những người có phẩm chất, năng lực để gánh vác công việc của đất nước. Nơi nào không coi trọng ý kiến nhân dân nơi đó sẽ có thiếu sót khuyết điểm.

Người tài chính là ở trong nhân dân, những người có khả năng gánh vác công việc của đất nước. Trong bối cảnh hiện nay, những người giỏi là phải xuất phát từ những học sinh giỏi từ cấp tiểu học trở lên, rồi ở trong các đoàn thể nhân dân… Theo tôi, bài học bao trùm nhất là phải dựa vào nhân dân.

Ông Lê Quang Thưởng

Vận dụng bài học dùng người của Bác Hồ trong bối cảnh hiện nay là phải hiểu người, phải đánh giá đúng người, trước đây và hiện nay cũng thế. Muốn đưa ai lên một vị trí nào đó phải hiểu người ta, đánh giá đúng năng lực, sở trường, phẩm chất của họ và phải giúp họ phát triển kiến thức, tài năng của họ, thử thách tài năng của họ. Đấy là cách rèn luyện cán bộ trong thực tiễn. Thực tiễn hoạt động xã hội là môi trường quý để thử thách, rèn luyện cán bộ.

Vận dụng bài học của Bác Hồ tức là bài học hiểu người, đánh giá đúng người, bồi dưỡng và sử dụng học đúng năng lực sở trường của họ.

PV: Xin mời ý kiến của PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc và PGS.TS Đinh Xuân Thảo?

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc: Theo tôi, có lẽ phải trở lại tư tưởng của Bác Hồ. Bác coi đào tạo, huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng, vì vậy, phải chú trọng hơn đến mảng đó. Tự thân cán bộ vận động, tiến bộ, sáng tạo để bổ sung vào đội ngũ cán bộ cũng có, nhưng phải được đào tạo căn cơ, chứ không thể ngẫu nhiên có được người tài thực sự tham gia vào lãnh đạo.

Đúng như Nghị quyết Trung ương, là phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo. Không thể có cán bộ lãnh đạo giỏi nếu không bắt đầu từ đào tạo học sinh phổ thông, từ tiểu học đến đại học, trên đại học. Đó chính là nguồn cán bộ cho tương lai. Đảng ta gọi đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là một khâu đột phá. Chọn nhân tài cũng phải từ khâu đột phá đó.

Trở lại bài học của Bác Hồ, theo tôi vẫn là sự đánh giá, tin cậy, giúp người cán bộ sáng tạo. Tư chất cá nhân, sáng tạo cá nhân là yếu tố rất quan trọng nhưng cần phải được phát hiện và xếp vào các vị trí để họ phát huy năng lực sáng tạo, từ đó mới cống hiến được.

PGS.TS Đinh Xuân Thảo: Thời kỳ đầu lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều người tài từ nước ngoài về. Hiện nay, lực lượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài có trình độ chuyên môn giỏi ở các lĩnh vực không phải là ít.

Theo tôi, chúng ta phải quan tâm và có chính sách để thu hút họ, coi đây là một nguồn lực quý giá phải tận dụng. Kinh nghiệm này nhiều nước đã thực hiện.

Nói đến trọng dụng nhân tài có nghĩa là phải sử dụng và đặt họ đúng chỗ. Trọng dụng phải song song với đãi ngộ. Thậm chí, phải phân loại cán bộ để có cách tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ phù hợp.

PV: Xin cảm ơn PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, PGS.TS Đinh Xuân Thảo và ông Lê Quang Thưởng đã tham gia chương trình. Cảm ơn quý vị và các bạn đã quan tâm theo dõi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên