Hiệp định Paris qua góc nhìn của một nhà nghiên cứu Nga
(VOV) -Thắng lợi to lớn của việc ký kết Hiệp định Paris đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô cả về vật chất và tinh thần
40 năm trước, sau chiến thắng lịch sử “Điện Biên phủ trên không”, Hiệp định Hòa bình Paris về Việt Nam được ký kết. Thắng lợi này có được là tổng hòa của nhiều yếu tố, trong đó có sự ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân tiến bộ toàn thế giới và sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô.
Trong dịp kỷ niệm trọng đại này, phóng viên Đài TNVN thường trú tại Liên bang Nga đã có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với nhiều cựu chuyên gia quân sự Liên Xô trước đây, nhiều nhà nghiên cứu, nhà Việt Nam học để tìm hiểu về những nhận định, đánh giá của họ đối với sự kiện lịch sử này.
Nhà Việt Nam học Anatoly Voronin là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, từng công tác tại Vụ Quan hệ hợp tác với các Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông từng trực tiếp tham gia phiên dịch trong các cuộc gặp giữa đồng chí Lê Đức Thọ, đồng chí Nguyễn Duy Trinh... với các nhà lãnh đạo Liên Xô trong những năm diễn ra đàm phán ký kết Hiệp định Hòa bình Paris.
Qua trao đổi với ông, chúng tôi được biết thêm những chi tiết mà chỉ có những người trong cuộc mới biết và đến nay ông vẫn còn nhớ rõ. Đó là những gì diễn ra tại Moscow, nhưng lại liên quan trực tiếp tới cuộc đàm phán đang diễn ra căng thẳng tại Paris.
Ông Anatoly Voronin nhớ lại: “Đây là một câu chuyện đặc biệt, bởi vì tất cả đều qua chỗ chúng tôi (Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô). Từ Nga, đoàn Việt Nam sang đến hội nghị đàm phán là cả một câu chuyện dài. Càng về cuối, người Mỹ càng "láu cá", họ thay đổi thời hạn, yêu sách... và thường là vào giờ chót cốt để ông Lê Đức Thọ không kịp đến nơi đàm phán, gặp Trợ lí Tổng thống Mỹ Kissinger như đã thỏa thuận...
Tôi còn nhớ, khi ông Nguyễn Duy Trinh chuẩn bị bay sang Paris, tôi đã làm phiên dịch trong cuộc gặp của ông với ông Shuslov (Mikhail Andreevich Shuslov - Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô) tại Moscow. Trước đó, ông Nguyễn Duy Trinh đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô Gromyko. Họ đã trao đổi các vấn đề xung quanh Hiệp định. Những vấn đề chiến lược, những vấn đề chính trị chung cũng được họ thảo luận trong Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi nhớ là, ông Shuslov đã rất thông thái khi vận dụng tư tưởng của Lênin vào tình huống của Việt Nam. Ông ấy nói, chúng ta không thể đòi hỏi ngay lập tức đạt được thắng lợi toàn diện, hãy từng bước để đi đến kết quả cuối cùng. Quá trình đàm phán ở Paris còn quá nhiều vấn đề phức tạp, nên điều cốt lõi hiện nay là đấu tranh bằng được để Mỹ rút hết khỏi Việt Nam đã; buộc người Mỹ phải nói "Vâng, chúng tôi đồng ý rút hết quân khỏi Việt Nam từ ngày 1/3/1973". Việt Nam đã có điều kiện để kiểm soát quyết định này, để cả thể giới biết đến quyết định này của Mỹ và Mỹ cũng sẽ không thể từ chối được. Còn về sau mới tính tiếp giải phóng Sài Gòn”.
Năm 1968, Liên Xô đã có những nỗ lực để góp phần triệu tập Hội nghị bốn bên tại Paris tìm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. Từ năm 1970-1975, trên các diễn đàn quốc tế, trong Đại hội các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, hoặc các chuyến trao đổi đoàn đại biểu các cấp với các nước khác…, Liên Xô thường xuyên nêu lên và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam. Liên Xô cũng tích cực giúp đỡ Việt Nam vận động các đoàn thể chính trị thế giới, tổ chức nhiều hội nghị quốc tế, tranh thủ sự đồng tình của các lực lượng tiến bộ đối với Việt Nam.
Theo ông Voronin, điều quan trọng là hai nước Việt Nam và Liên bang Nga cần đánh giá một cách sâu sắc và rút ra những bài học kinh nghiệm không chỉ đối với Việt Nam, đối với Nga mà đối với cả thế giới trong giải quyết các vấn đề quốc tế của ngày hôm nay. Và quan trọng hơn là cần tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp này.
“Hôm nay chúng ta đang nói về 40 năm ký Hiệp định Hòa bình Paris… đó cũng là một bài học rất quan trọng về công tác ngoại giao đã buộc Mỹ phải chấp nhận. Hiện nay có một số cuốn sách về Hiệp định Paris và coi đây là thành công ngoại giao của Việt Nam. Đúng, song nếu chỉ mình ngoại giao Việt Nam (gồm cả miền Nam Việt Nam) thì chưa đủ, bên cạnh đó còn có sự ủng hộ, đoàn kết của ngoại giao Xô Viết, theo nghĩa rộng của từ này, bao gồm cả ngoại giao nhân dân. Đó không chỉ là ngoại giao chuyên nghiệp, mà còn là ngoại giao nhân dân. Tạo dư luận xã hội ủng hộ Việt Nam còn có đóng góp của các nhà báo, của các nghị sỹ... Việt Nam đã giành được chiến thắng cũng chính là bởi đã tập hợp được những sức mạnh này.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói một câu rất nổi tiếng là phải biết “kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại”. Tất nhiên thời đại ngày nay cũng có những nét không giống thời đại của 40 năm về trước, nhưng vấn đề Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra là một công thức thông thái - là công thức toán học mà chúng ta cần tiếp tục phát triển, thực hành và chứng minh” - ông Anatoly Voronin nhấn mạnh.
Thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trong cuộc đàm phán lịch sử để đi đến ký kết Hiệp định hòa bình Paris về Việt Nam tháng 1/1973 mà trước đó là chiến thắng mang tính bước ngoặt của trận “Điện Biên phủ trên không” đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của Liên Xô cả về vật chất và tinh thần. Đây cũng chính là bài học, là truyền thống hết sức quý báu và trở thành nền tảng của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga hiện nay./.