Học giả Nga: Sự nhất quán về đường lối, chính sách mang lại thành công cho Việt Nam
VOV.VN - GS.TS Dmitry Mosiakov cho rằng, chính sách đối nội và đối ngoại của Việt Nam đang được xây dựng rất hợp lý, thu hút được vốn nước ngoài tạo đà phát triển kinh tế.
Đại Hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam chuẩn bị diễn ra trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với khó khăn chưa từng có, đó là đại dịch Covid-19. Trước đó, thế giới đã liên tiếp trải qua các cuộc khủng hoảng về tài chính, kinh tế, biến động phức tạp về chính trị ở nhiều nước…Trong bối cảnh đó, Việt Nam, một quốc gia ở Đông Nam Á, kể từ khi thực hiện đường lối đồi mới do Đảng cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, đã và đang đạt được nhiều thành tựu to lớn về về phát triển kinh tế-xã hội, hội nhập quốc tế. Tiến trình phát triển này của Việt Nam được giới chuyên gia nước ngoài, trong đó có Nga quan tâm theo dõi và ghi nhận với các góc nhìn khác nhau.
Nhân dịp này, VOV lần lượt giới thiệu đánh giá của các chuyên gia Nga. Sau đây là ý kiến của GS.TS khoa học lịch sử Dmitry Mosiakov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông-Nam Á, Úc và Châu Đại dương, Viện Phương Đông học-Viện Hàn lâm Khoa học Nga.
PV: Thưa GS.TS Dmitry Mosiakov, ông đánh giá như thế nào về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam sau gần 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là trong những năm gần đây?
GS.TS Dmitry Mosiakov: Tôi cho rằng, 35 năm qua là một giai đoạn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Giai đoạn này ở Việt Nam diễn ra những chuyển đổi khó khăn, thậm chí so với những thay đổi đã được tiến hành trong lịch sử. Những thay đổi này chạm đến tất cả mọi lĩnh vực đời sống của đất nước, cả kinh tế, cả chính trị và đời sống văn hóa và quan trọng nhất là mức độ chất lượng cuộc sống của người dân. Đó là những năm có nhiều thay đổi lớn, những năm mà Việt Nam dường như hoàn toàn nhìn thấy lợi ích của chế độ chính trị đã được thiết lập. Ý tôi muốn nói ở đây là sự liên tục thực hiện các chính sách đã được xác định. Chúng ta nhớ rằng, chính sách đổi mới được đề ra tại Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam vào năm 1986. Các bạn hãy nhìn xem, có biết bao nhiêu người khác nhau đã trở thành lãnh đạo ở Việt Nam. Nhưng trong suốt chiều dài của giai đoạn đổi mới, thay đổi con người, nhưng đường lối chính sách, các tiêu chí chiến lược phát triển đất nước không thay đổi, mà chỉ chỉnh sửa, xuất phát từ thực tiễn đang biến đổi trong 35 năm qua.
Các nguyên tắc cơ bản đã được đề ra vẫn ở lại trong các chính sách. Điều này có nghĩa rằng, mọi người đã thay đổi, các đại hội đã thực hiện rất nhiều công việc, nhưng Đảng vẫn luôn theo đuổi đường lối chính trị từ thế hệ lãnh đạo này đến thế hệ lãnh đạo khác. Và kết quả của sự chuyển động nhất quán này về phía trước, trên cơ sở các nguyên tắc đã định hình cách đây 35 năm, Việt Nam đi đến các kết quả hiện nay, đó là về tốc độ tăng trưởng kinh tế, Việt Nam một chút nữa là một trong những nước hàng đầu trên thế giới, không chỉ ở Đông Nam Á.
Chúng ta hãy nhớ vào năm 1986, Việt Nam đã gặp những khó khăn to lớn về lương thực như thế nào, về phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của người dân… Việt Nam đã rất vất vả so với các nước ASEAN. Còn bây giờ, chúng ta thấy những gì đang diễn ra. Ví dụ, tôi nhớ, đã nhiều lần đến Việt Nam và rất lâu chỉ có duy nhất một cây cầu qua sông Hồng. Còn bây giờ, có bao nhiêu dự án, các cây cầu, sân bay, các khách sạn.... Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang thay đổi như thế nào, Đà Nẵng đang thay đổi ra sao, mặc dù đây không phải là thành phố trung tâm, chỉ là thành phố mang tính chất một tỉnh. Có nghĩa là cuộc sống ở khắp nơi đang thay đổi. Và tôi cảm thấy, có những kết quả quan trọng của 35 năm. Trong các kết quả này có đường lối chính trị của Đảng, có sự nhất quán của các chính sách được tiến hành. Các thành quả này hoàn toàn rõ ràng, không thể phủ nhận được.
PV: Ông đã nói về sự nhất quán của các đường lối, chính sách giúp Việt Nam đạt được nhiều thành công. Vậy ông có suy nghĩ gì về những thành quả mà Việt Nam đạt được trong năm 2020, khi cả thế giới phải đối phó với đại dịch Covid-19?
GS.TS Dmitry Mosiakov: Năm 2020 đối với Việt Nam là một năm rất quan trọng. Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và đã lên kế hoạch cho nhiều hoạt động. Quan trọng nhất là ở hội nghị thượng đỉnh ở Hà Nội đã ký kết hiệp định về hợp tác kinh tế toàn diện khu vực. Đây là sự kiện rất lớn đối với toàn bộ khu vực, các nước ASEAN, Trung quốc, Nhật bản, Hàn quốc, Australia, Niudilan, thực sự hình thành khu vực tự do thương mại quy mô toàn cầu, tạo cơ hội cho phát triển kinh tế. Thứ hai phải thừa nhận Việt Nam đã nỗ lực phối hợp với các nước khác trong ASEAN trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Phải nói rằng, ở Liên minh Châu âu, mỗi nước chỉ biết mình. Còn Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, cố gắng chia sẻ kinh nghiệm thực tế, giúp đỡ các nước chiến đấu với dịch bệnh. Điểm thứ ba rất quan trọng, Việt Nam đã chứng tỏ là một xã hội có tổ chức và hợp lý. Những yêu cầu mà chính phủ giải thích để người dân hiểu cần phải làm gì đề ngăn chặn căn bệnh này, để giảm thiểu tổn thất đối với xã hội và nhà nước, thì xã hội đã tiếp nhận một cách tích cực. Có vài thời điểm căng thẳng, nhưng so với việc hàng triệu người bị nhiễm bệnh ở các nước khác, ở Mỹ, Ấn Độ, Nga, Châu Âu.., thì Việt Nam đã chống đỡ hiệu quả với đại dịch. Ở đây rất quan trọng là người dân đã hiểu và ủng hộ những yêu cầu của chính phủ, thậm chí rất hà khắc. Đây là sự hiểu biết lẫn nhau giữa chính phủ và xã hội. Đại dịch cho thấy rằng, khi có sự kết nối giữa Đảng và xã hội, nhà nước, thống nhất trong vấn đề then chốt, sự thống nhất hành động này là chìa khóa để hiểu được thành công cả trong kinh tế và kiềm chế đại dịch. Bởi vì nếu những nỗ lực này bị chia rẽ, hay có sự chống đối nào đó, thì tôi nghĩ rằng, tình hình đã rất tồi tệ...
PV: Ông nhìn nhận như thế nào về chính sách đối ngoại của Việt Nam nhằm hội nhập quốc tế, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam?
GS.TS Dmitry Mosiakov: Tôi muốn nói rằng, chính sách đối nội được xây dựng hợp lý, chính sách nhằm thu hút vốn nước ngoài, phát triển kinh tế, cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam cũng được xây dựng hợp lý. Tôi muốn nêu ra vector đa phương trong chính sách này. Có nghĩa là Việt Nam sẵn sàng kết bạn với tất cả các nước muốn kết bạn với Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn tự do, cởi mở để kết bạn cả với Australia, với Ấn Độ, với Nga, với tất cả các nước. Điểm quan trọng thứ hai, đó là chính sách đưa ra để tìm sự cân bằng, thỏa hiệp giữ các đối tác thương mại, chính trị quan trọng, một bên là Mỹ, một bên là Trung quốc. Ở đây hoàn toàn chính xác là chính sách như vậy tạo cho Việt Nam các khả năng một mặt là bình thường hóa các mối quan hệ kinh tế thương mại với Mỹ, mặt khác là ổn định quan hệ kinh tế thương mại với Trung quốc.
Nói chung, tôi xác nhận rằng, chính sách đa vector này làm tăng uy tín quốc tế của Việt Nam lên rất nhiều. Một mặt, Việt Nam thể hiện mình là một bên tham gia tích cực vào quan hệ quốc tế, một mặt, thể hiện là quốc gia độc lập, theo đuổi con đường độc lập dựa trên những lợi ích đang tồn tại và đứng trước xã hội Việt Nam. Ở đây cũng phải nói, không hề cường điệu rằng, Việt Nam đã được những thành tựu đáng kể cả trong cả chính sách đối nội và đối ngoại. Hầu hết các nước trên thế giới đều là bạn của Việt Nam. Đó là những nước mà Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, những nước đánh giá cao quan điểm của Việt Nam ở biển Đông ở chỗ phản đối xung đột, giải quyết bằng con đường hòa bình, thỏa hiệp, đàm phán. Điều này nâng cao uy tín của Việt Nam với tư cách một đất nước mà trong thời kỳ mong manh này, có những quốc gia đang gia tăng bất ổn, làm cho tình hình thêm chao đảo thì ngược lại, có những quốc gia hoạt động vì sự ổn định, vì hòa bình. Một trong số các quốc gia đó, rõ ràng, chính là Việt Nam.
PV: Theo ông, Đảng Cộng sản Việt Nam cần làm gì để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra trong các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII này?
GS.TS Dmitry Mosiakov: Tôi nghĩ rằng, thứ nhất là củng cố niềm tin và sự gắn kết giữa xã hội và nhà nước. Điều này là rõ ràng, gắn liền với việc cần thiết đổi mới nhân sự đã được xác định. Đây là quá trình tự nhiên. Thứ hai là đòi hỏi một sự điều chỉnh nhất định đường lối kinh tế trên cơ sở thực tế có mối liên hệ với nhau. Điều này đòi hỏi những nỗ lực mới nhằm đạt được việc các bên ký kết được bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông và từ đó giải quyết vấn đề biển Đông, ổn định tình hình, tạo cơ hội cho hàng nghìn ngư dân Việt Nam ở khu vực này đánh bắt cá một cách bình yên.
Tôi nghĩ rằng, trước xã hội Việt Nam đang đặt ra những nhiệm vụ nghiêm túc, nhưng chúng có thể giải quyết được, bởi vì trên cơ sở những nhiệm vụ mà Việt Nam đã thực hiện vào những năm 90, lúc đó đỏi hỏi nỗ lực tìm đường lối, tìm vị trí của Việt Nam trên thế giới..v..v Bây giờ vấn đề này đang được giải quyết theo trình tự công việc, cả các hướng về cán bộ, phát triển kinh tế đã được xác định, cả trong chính sách đối ngoại-mục tiêu nào Việt Nam tiếp tục theo đuổi. Quan trọng nhất là duy trì sự thống nhất nội bộ của đất nước, giải thích cho mọi người về những mục tiêu, chính sách mà đất nước đang tiến về phía trước. Đây là thời điểm quan trọng, bởi vì chúng ta đã làm được, đạt được những thành công này. Còn bây giờ các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cần giải thích, vì ngày càng có các thế hệ mới, những người mới. Một mặt, cần cho thấy rõ về các thành tựu đã đạt được, mặt khác phải phác họa hình ảnh tương lai mà Đảng kêu gọi hướng tới để mọi người hình dung. Trong văn kiện trình Đại hội đã viết, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, đến năm 2045, trở thành nước phát triển. Đây không chỉ là những con số mà là một bức tranh về Việt Nam thịnh vượng, một Việt Nam, ở đó đang tiến hành chính sách mà Đảng theo đuổi hiện nay và theo tôi, sẽ được củng cố trong các quyết định của Đại hội XIII.
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Dmitry Mosiakov!