Học giả Pháp ấn tượng bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam
VOV.VN-Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng gây ấn tượng đối với các học giả Pháp bằng sự thẳng thắn, quyết đoán, không né tránh trả lời các câu hỏi.
Ngày đầu tiên trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu quan trọng trước hàng trăm học giả, nhà nghiên cứu hàng đầu của Pháp tại Viện nghiên cứu quốc tế Pháp.
Bài phát biểu của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đã tạo ấn tượng mạnh mẽ trong giới học giả Pháp, không chỉ đưa ra thông điệp với tầm nhìn và định hướng chiến lược nhằm hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp mà cả phong thái chân thành, thẳng thắn khi Thủ tướng trả lời trực tiếp nhiều câu hỏi của các học giả, nhất là các vấn đề nổi lên trong khu vực và trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có phát biểu quan trọng tại Viện nghiên cứu quốc tế Pháp. |
Với tựa đề Đối tác chiến lược Việt – Pháp: Xây dựng lòng tin chiến lược vì hòa bình, hợp tác và thịnh vượng, bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khái quát lại chặng đường lịch sử 40 năm quan hệ Việt-Pháp không ít thăng trầm và biến động.
Thủ tướng cho rằng, mối quan hệ Việt-Pháp ngày nay đã trở thành một biểu tượng của tinh thần dũng cảm khép lại và vượt qua những “chòng chành”, những trang sử đau buồn của quá khứ để xây dựng lòng tin chiến lược, cùng nhau hướng tới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đây là xu thế tất yếu của thời đại và cũng là mong muốn của nhân dân hai nước.
Trên nền tảng sự chín muồi của mối quan hệ đa lĩnh vực và trên nhiều cấp độ, Việt Nam - Pháp thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sẽ mở ra một trang sử mới, một giai đoạn hợp tác mới của mối quan hệ chân thành, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác toàn diện Việt-Pháp trên các lĩnh vực, cùng nhau gây dựng một cây cầu nối mới cho phát triển hợp tác Á – Âu.
Ông Dominique David, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu quốc tế Pháp đặc biệt ấn tượng về ý tưởng chủ đạo ‘‘lòng tin chiến lược’’ trong bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Dominique David
Niềm tin chiến lược Việt- Pháp tự hình thành một cách tự nhiên, bởi hai nước đã có sự hiểu biết lẫn nhau từ lâu đời, ngay cả những thế hệ trẻ ngày nay cũng biết đến lịch sử quan hệ hai nước. Hai nước có lịch sử chung, nên đã có một nền tảng lòng tin sẵn có, trở thành gốc rễ để tạo dựng lòng tin chiến lược. "Lòng tin đó ngày càng được củng cố khi cả Việt Nam và Pháp nhận thức được lợi ích chung khi nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược"- ông Dominique David nói.
Ông Gregoire Postel-Vinay, trưởng bộ phận chiến lược, thuộc Bộ Phục hồi kinh tế Pháp chia sẻ quan điểm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về xu thế và mong muốn tất yếu của nhân loại: "Ngài Thủ tướng Việt Nam đã có phát biểu rất rõ ràng về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam và nêu chi tiết nhiều lĩnh vực, kế hoạch hợp tác và phát triển một cách cân bằng. Ông cũng nhắc đến mối quan hệ lịch sử, tương đồng văn hóa giữa hai quốc gia như một nền tảng quan trọng, đồng thời cũng nêu lên những triển vọng trong hợp tác kinh tế, đặc biệt trong thúc đẩy hợp tác vì hòa bình vì đây cũng là mục tiêu và nguyện vọng của tất cả nhân loại".
Trong không khí cởi mở, thẳng thắn và trách nhiệm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dành hơn 1 tiếng đồng hồ trực tiếp lắng nghe và trả lời 10 câu hỏi chính và hàng loạt câu hỏi phụ của các học giả, nhà nghiên cứu của Pháp liên quan đến những thách thức đối với Việt Nam trên tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế; mục tiêu của Việt Nam trong đàm phán Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP); quan điểm của Việt Nam về quản lý và phát triển không gian mạng Internet cũng như giải quyết các tranh chấp và xung đột trên thế giới…
Trả lời câu hỏi của Viện trưởng Viện quan hệ quốc tế Pháp Thierry De Montbrial và một số học giả đặc biệt quan tâm đến quan điểm của Việt Nam làm thế nào để giải quyết các tranh chấp và xung đột trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Mong muốn của nhân loại này của thế giới này là hòa bình, hữu nghị, hợp tác phát triển, cùng thinh vượng, cùng thắng. Đó là xu thế tất yếu chung của mọi quốc gia, mọi dân tộc, xu thế nổi trội. Còn tranh chấp xung đột, tranh chấp lãnh thổ, xung đột văn hóa, sắc tộc, chủ nghĩa khủng bố sẽ còn xảy ra nếu cộng đồng quốc tế không chung tay, chung sức hợp tác để cùng nhau ủng hộ, thúc đẩy xu thế chung tất yếu là hòa bình,hữu nghị, hợp tác phát triển, cùng thinh vượng, cùng thắng. Đồng thời, hợp tác cùng nhau ngăn chặn những xung đột, ngăn chặn những hành động áp đặt đơn phương, hành động gây chiến tranh thì có thể sẽ không loại trừ xảy ra".
Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã trả lời một số câu hỏi liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông cũng như tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: "Các nước thấy rằng, quá trình thực hiện DOC này chưa đủ sức ràng buộc và đã xuất hiện những hành động đơn phương, áp đặt thì từ đó cộng đồng ASEAN đề nghị là nên có bộ quy tắc ứng cử trên biển Đông này COC. Nó có tính ràng buộc cao hơn giữa ASEAN và Trung Quốc là bộ quy tắc để kiểm soát tốt hơn, ràng buộc hơn vùng biển Đông này để ngăn ngừa xung đột, để ngăn ngừa hành vi dùng vũ lực. Mọi giải pháp phải đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, đảm bảo tự do, an ninh, an toàn, tự do hàng hải trên biển Đông, bảo đảm cho hòa bình, ổn định ở khu vực".
Phần hỏi đáp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã gây ấn tượng mạnh đối với các học giả, nhà nghiên cứu quốc tế Pháp, nhất là sự thẳng thắn không né tránh trả lời tất cả các câu hỏi với sự chân thành và quyết đoán của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam.
Ông Pierre Journoud
Cuộc nói chuyện với nội dung đa dạng và sâu sắc cùng phong thái thắng thắn, trách nhiệm của Thủ tướng Việt Nam – người đứng đầu Chính phủ đầu tiên của một quốc gia Đông Nam Á phát biểu tại Viện nghiên cứu quốc tế Pháp, đã cho giới học giả và công chúng Pháp nói riêng và châu Âu nói chung thấy rõ hơn một hình ảnh Việt Nam cởi mở, năng động, tích cực, hữu nghị, ngày càng khẳng định vai trò, uy tín và trách nhiệm của mình trên trường quốc tế../.