Học thêm, dạy thêm: Chuyện cũ nhưng vẫn “nóng”

Tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn chưa chấm dứt và đang là vấn đề gây bức xúc trong xã hội.

Câu chuyện về học thêm và dạy thêm là vấn đề không mới nhưng vẫn được các Đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phạm Vũ Luận, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 24/11. Từ đó cho thấy tình trạng dậy thêm, học thêm vấn chưa chấm dứt và đang là vấn đề bức xúc của cử tri.

Trả lời chất vấn của đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh), Trương Thị Ánh (đoàn TP HCM) về những giải pháp để hạn chế dạy thêm, học thêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận thừa nhận: Dạy thêm, học thêm tràn lan đang là vấn đề nhức nhối, Quốc hội đã đề cập không chỉ một lần. Ngành giáo dục đã có chỉ đạo nhưng chưa giải quyết dứt điểm được.

Nhiều trường chưa tổ chức cho học sinh học 2 buổi/ngày để theo kịp chương trình giảng dạy.

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nguyên nhân trước hết là do ngành giáo dục. Chương trình giảng dạy, học tập hiện nay rất nặng với chương trình thiết kế để học 2 buổi/ngày nhưng nhiều trường chưa tổ chức được học 2 buổi. Trong đội ngũ thầy cô giáo của ngành còn có một bộ phận bị ảnh hưởng tiêu cực kinh tế thị trường, đời sống khó khăn, lương bổng thấp không đảm bảo nên có những việc làm, chỉ đạo việc các cháu tự nguyện bắt buộc là có.

Bên cạnh đó, qua khảo sát thấy có nguyên nhân bên ngoài, từ tâm lý của các bậc cha mẹ học sinh. Để giải quyết triệt để học thêm, dạy thêm, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết sẽ lấy kinh nghiệm ở một số trường ở Hà Nội đã giải quyết vấn đề này thành công để nghiên cứu, áp dụng.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo tăng cường ý thức trách nhiệm và tự trọng của đội ngũ thầy cô giáo; Tăng cường trách nhiệm của chi hội trưởng cha mẹ học sinh, đồng thời tăng cường công tác thanh, kiểm tra của các Phòng Giáo dục quận, huyện và rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ và giám sát của cha mẹ học sinh, Hội Khuyến học để chặn đứng nạn học thêm, dạy thêm.

Chưa có đủ điều kiện cơ sở vật chất để nhận trẻ dưới 3 tuổi

Trả lời câu hỏi vì sao không nhận trẻ dưới 3 tuổi ở các trường mầm non, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, trong Luật Giáo dục và điều lệ ngành mầm non đã có quy định cơ sở pháp lý đầy đủ. Trên thực tế do có khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn vốn, các thành phố lớn thiếu đất xây trường nên chưa giải quyết đủ các trường mầm non. Ngay các lớp mẫu giáo 4-5 tuổi đến thời điểm này vẫn chưa phủ kín được.

Trong điều kiện như vậy, khó khăn lại càng dồn về các bậc học 3 tháng tuổi đến 12 tháng tuổi. Muốn đón các cháu này phải có điều kiện về cơ sở vật chất, chuẩn bị đội ngũ thầy cô giáo cao hơn các bậc học kia. Đến nay, Chính phủ mới xác định phổ cập giải quyết phủ kín với nhóm trẻ mầm non 5 tuổi, còn đối với nhóm 3 tháng tuổi chưa đạt được ra các mục tiêu.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận hứa vấn đề này ngành Giáo dục sẽ làm việc với các địa phương, các vùng có Khu công nghiệp, sẽ sớm có tập hợp trình Chính phủ về vấn đề này để có hướng giải quyết.

Giải trình với Quốc hội, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, theo phân cấp chịu trách nhiệm giáo dục phổ thông và mầm non, trong đó có cả đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất là trách nhiệm của các tỉnh, thành phố. Phía Bộ Giáo dục-Đào tạo chịu trách nhiệm thực hiện phổ cập mầm non 5 tuổi và những bậc học dưới, nhất là nhóm tuổi từ 3 tháng trở lên hiện nay đang có khó khăn ở các thành phố lớn và các Khu công nghiệp.

“Chúng tôi đang triển khai nghiên cứu để phối hợp với các cơ quan khác tổ chức triển khai các hình thức xã hội hóa các nhóm trẻ mà trước đây đã từng tổ chức tốt ở một số cơ sở, các vùng xem xét khôi phục lại và đổi mới phù hợp” – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết.

Một số chế độ chính sách đối với cô giáo, bảo mẫu và chế độ chính sách khuyến khích doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong các Khu công nghiệp chia sẻ trách nhiệm ổn định đời sống người lao động xây dựng các lớp mẫu giáo mầm non.

Giải trình thêm trước Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, do điều kiện của nước ta còn hạn chế, Chương trình phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi dự kiến cũng phải làm trong 5 năm. Như vậy phải cần thời gian để đáp ứng. Tuy đặt yêu cầu phổ cập mầm non trẻ 5 tuổi nhưng việc học của trẻ dưới 3 tuổi không suy giảm mà vẫn tăng theo điều kiện của các địa phương./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên