Hội báo Nhân đạo Pháp - sức hấp dẫn qua 86 năm
VOV.VN - Không chỉ hấp dẫn bởi ý nghĩa chính trị, Hội báo Nhân đạo Pháp cũng cuốn hút bởi là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, vui chơi giải trí...
"Đến hẹn lại lên", cứ mỗi độ thu tới, Hội báo Nhân đạo Pháp lại được tổ chức tại công viên La Courneuve, ngoại ô Paris - Pháp. Đây là một lễ hội lớn, đã đi vào sinh hoạt truyền thống hàng năm ở Pháp.
Lễ hội tựa như một cuộc hành hương. Hàng đoàn người, già trẻ, trai gái, thuộc mọi thành phần, nhiều mầu da, nhiều quốc tịch, ba lô, lều bạt trên vai... từ khắp nơi, theo mọi ngả đường, hăm hở hướng tới khu tổ chức lễ hội.
Nơi hội ngộ của những người cánh tả
Nhân đạo là tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp, ra đời từ những năm 1920. Tờ báo từng đăng các bài viết của Nguyễn Ái Quốc trong buổi đầu tìm đường cứu nước.
Một gian hàng lưu niệm tại Hội chợ. |
Hội báo Nhân đạo được tổ chức lần đầu tiên vào trung tuần tháng 9/1930 tại công viên Sacco và Vanzetti theo sáng kiến của Giám đốc Marcel Cachin, nhằm quyên góp tiền thúc đẩy việc phát hành của tờ báo.
Hội kêu gọi sự tham gia của báo chí và các tổ chức cộng sản và cánh tả ở các địa phương của Pháp.
Từ năm 1937, Hội mở rộng cho sự tham gia của các tờ báo cánh tả nước ngoài như: Bỉ, Thụy Sỹ, Anh, hay Liên Xô.
Hội bị gián đoạn trong những năm Pháp bị Đức Quốc xã chiếm đóng trong Thế chiến thứ 2 và được tổ chức trở lại từ năm 1956 tại khu rừng Vincennes.
Hai năm 1957-1958, Hội được tổ chức ở công viên Montreau thuộc thị trấn Montreuil.
Từ những năm 1960, Hội được tổ chức tại khu vực công viên La Courneuve, thủ đô Paris.
Hội được tổ chức đều đặn hàng năm và ngày càng phát triển, với hàng trăm sạp, lều, thu hút hàng chục vạn khách.
Hội báo diễn ra nhiều cuộc hội thảo, triển lãm về các vấn đề chính trị - xã hội như: Xung đột, bạo lực, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa khủng bố, an ninh thế giới, sự đoàn kết giữa các dân tộc, việc làm, môi trường, di cư...với sự tham gia của nhiều chính khách và nhà nghiên cứu nổi tiếng của Pháp và quốc tế.
Hội là nơi hội ngộ của những người cánh tả, nơi phản ánh tư tưởng tiến bộ, nhân văn của cánh tả Pháp và thế giới là những yếu tố chính tạo nên bản sắc và sức hấp dẫn của Hội Báo Nhân đạo.
Hội báo Nhân đạo năm nay chứng kiến sự tham gia quen thuộc của các tờ báo của đảng cộng sản và các đảng cánh tả châu Âu và thế giới.
Vị trí trung tâm của Hội giành cho báo Nhân đạo, quanh đó là các sạp của cánh tả thuộc mọi miền nước Pháp, với những biểu trưng riêng.
Đứng thứ hai là nhóm các sạp báo cánh tả châu Âu, nổi bật là sạp của đảng Syriza cầm quyền Hy lạp, bên cạnh các sạp của Italia, Tây Ban Nha, Đức, Bỉ...
Sạp báo Granma - Cuba nằm ở trung tâm của nhóm các sạp báo cánh tả các nước Mỹ Latinh như Venezuela, Mexico, Brazil....
Nhóm Trung Đông - châu Phi như: Iraq, Iran, Syria, Lebanon, Tunisia, Ai Cập, Algeria... nổi lên các khẩu hiệu tiếng Arab xen lẫn tiếng Pháp, phản ánh khát vọng tự do, dân chủ, chống phân biệt và khủng bố.
Cũng thấy sự hiện diện của các sạp báo nhóm các nước châu Á như: Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và cả đảo quốc bé nhỏ Sri Lanka....
Có thể thấy những khẩu hiệu đa dạng trước các sạp như: "Chúng ta hãy đoàn kết lại"; "Nhân đạo, cái tên đẹp nhất cho một nhật báo"; "Nhân dân đòi hỏi gì?"; "Đoàn kết chống chủ nghĩa khủng bố"; "Hãy thủ tiêu vũ khí hạt nhân"; "Vì môi trường"...
Tất cả đều hướng tới tinh thần chính của Hội báo là: Vì một thế giới nhân văn, không bạo lực, không chiến tranh, việc làm, phát triển bền vững...
Đó cũng là những nội dung xuyên suốt trong tôn chỉ của báo Nhân Đạo, của các đảng cánh tả ở Pháp và trên thế giới hiện nay.
Hội báo có những điểm triển lãm, giới thiệu, bán sách, tư liệu hết sức phong phú, tập trung cho những tác phẩm mới, phản ánh tình hình thế giới, cuộc đấu tranh bảo vệ tư tưởng của cánh tả.
Hội báo cũng diễn ra nhiều cuộc tọa đàm, diễn thuyết của các chuyên gia về những vấn đề quốc tế hiện nay.
Hình ảnh cờ búa liềm, hình ảnh Che Guevara, Marx-Lenin... thấy ở khắp nơi, trước các sạp, trên ngực áo... Chúng đã trở thành những biểu tượng vĩnh hằng cuộc đấu tranh vì cuộc sống của người cần lao thế giới.
Một lễ hội văn hóa đa sắc
Không chỉ hấp dẫn bởi ý nghĩa chính trị, Hội báo cũng cuốn hút bởi là nơi diễn ra các sinh hoạt văn hóa-văn nghệ như biểu diễn ca múa nhạc, trưng bày đồ mỹ nghệ, các hoạt động vui chơi giải trí và thể dục thể thao....
Khai trương gian hàng của báo Nhân dân. |
Ngoài các hoạt động ở mỗi sạp, Hội có một sân khấu lớn ngoài trời, có thể tổ chức các buổi biểu diễn lớn, thu hút hàng vạn khán giả, và các khu sinh hoạt chuyên đề.
Hội đã chứng kiến sự tham dự của các tên tuổi lớn như: Danh họa Pablau Picasso, thi sỹ Aragon, các nghệ sỹ: Jean Dubuffet, Ernest Pignon, Leo Ferré, Johnny Hallyday...
Năm nay, các ca sỹ nổi tiếng như Michel Polnareff, Lauryn Hill, Chemical Brothers, Alain Souchon và Laurent Voulzy tham gia biểu diễn tại sân khấu lớn trong 3 ngày hội.
Và như một phần không thể thiếu của các lễ hội, các sạp, quầy trong Hội báo Nhân đạo đều giới thiệu với quý khách một vài đặc sản của địa phương mình.
Hoàng hôn xuống là lúc người ta cảm nhận rõ hơn bầu không khí hội hè trong không gian lấp lánh ánh đèn, san sát các sạp, rực rỡ cờ quạt, biểu ngữ, tấp nập người qua lại...Tiếng trống phách, tiếng đàn, tiếng hát...tưng bừng.
Du khách như bị lạc giữa các sạp đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc, có thể mua về làm kỷ niệm. Du khách cũng như đắm mình trong các dãy "phố ẩm thực" với đặc sản mọi vùng miền. Mùi đồ nướng lan trong không gian. Đâu đâu cũng thấy những khuôn mặt tiếp viên xinh tươi, niềm nở.
Báo Nhân Dân, khách mời quen thuộc
Là khách mời quen thuộc của Hội, năm nay sạp Báo Nhân Dân được ban tổ chức dành cho vị trí khang trang, giữa "Làng Á - Phi". Sạp được bài trí hài hòa, với điểm nhấn là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang đọc báo Nhân Dân. Sạp cũng trưng bày các hình ảnh tiêu biểu cho mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội Việt Nam gần đây.
Gian trưng bày của báo Nhân dân |
Lễ khai mạc sạp báo chứng kiến sự hiện diện của Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân Phan Hữu Hiền - Đại biện lâm thời Việt Nam tại Pháp Nguyễn Đăng Giang cùng nhiều người bạn Pháp.
Trong những ngày lễ hội, sạp Báo Nhân Dân đã thu hút nhiều du khách bởi, bởi các sản phẩm văn hóa truyền thống và đặc biệt bởi món "nem rán" đặc sản của Việt Nam.
Với mối quan hệ truyền thống, với sự tham gia đều đặn, tích cực, Báo Nhân Dân đã trở thành một bộ phận của Hội báo Nhân đạo.
Là điểm hẹn của báo chí và những người cánh tả trên khắp thế giới, nơi phản ánh khát vọng về một xã hội tiến bộ, nhân ái, chung sống hòa bình; là một sinh hoạt văn hóa đa sắc, giầu tính nhân văn, qua 86 năm, Hội báo Nhân đạo ngày càng phát triển, đã trở thành một lễ hội truyền thống lớn ở Pháp, đầy sức hấp dẫn./.