Hội đồng Lý luận Trung ương xây dựng nhiều báo cáo trình Bộ Chính trị và Ban Bí thư
VOV.VN - Năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục tập trung hoàn thành các báo cáo tư vấn, báo cáo chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII; triển khai hoàn thành 15 chuyên đề phục vụ nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư...
Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, ngày 15/12, tại thành phố Hải Phòng, Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021-2026 tiến hành Kỳ họp thứ hai. GS.TS Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì kỳ họp.
Năm 2021, Hội đồng lý luận Trung ương đã hoàn thành 2 báo cáo tư vấn trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, gồm báo cáo "Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới" và "Một số vấn đề lý luận - thực tiễn về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”.
Hội đồng cũng xây dựng 2 báo cáo tư vấn phục vụ Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về: “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; nghiên cứu 2 chuyên đề theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”; chủ động xây dựng và khẩn trương tổ chức triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”. Các báo cáo đều được Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao.
Năm 2022, Hội đồng Lý luận Trung ương tiếp tục tập trung hoàn thành các báo cáo tư vấn, báo cáo chuyên đề trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, phục vụ Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII; triển khai hoàn thành 15 chuyên đề phục vụ nghiên cứu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đẩy mạnh triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị giai đoạn 2021-2025”...
Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Hội đồng phải tập trung làm thật tốt Báo cáo về quan điểm, mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục xây dựng hoàn thiện Nhà nước Pháp quyền XHCN đến năm 2030 và 2045 và Chiến lược về xây dựng Nhà nước pháp quyền. Đồng thời tăng cường hơn nữa hoạt động thảo luận, xây dựng những báo cáo tư vấn tốt nhất.
Ngoài nội dung thảo luận, góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2021, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2022, tại kỳ họp này, Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn - Nghị quyết 26/NQ-TW”.
Các đại biểu đã làm sâu sắc và cụ thể hóa thêm quan điểm của Đại hội XIII của Đảng về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và các phương hướng, giải pháp thực hiện cho giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045...
GS.TS. Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, trong bối cảnh mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đặt ra nhiều nội dung rất khác. Phải hoàn thiện thể chế chính sách để đảm bảo phát triển bền vững nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong bối cảnh mới; vận dụng đầy đủ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế. Trước hết, phải rà soát những chính sách hiện có và bổ sung những chính sách mới, đảm bảo nâng cao chất lượng thể chế, phục vụ có hiệu quả sự phát triển./.