Hội Luật gia tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 54

Sau hơn 10 năm thực hiện chỉ thị 56 của Ban Bí thư, đến nay, Hội Luật gia Việt Nam thu hút sự tham gia của 44.000 hội viên, trong đó hơn 70% là đảng viên.

Ngày 11/4 tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức hội nghị “Tổng kết thực hiện Chỉ thị 56 ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam”. Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới dự.

Sau hơn 10 năm thực hiện chỉ thị 56 của Ban Bí thư, đến nay, Hội Luật gia Việt Nam thu hút sự tham gia của 44.000 hội viên, trong đó hơn 70% là đảng viên. Các cấp hội đã góp ý xây dựng 118 dự án luật, pháp lệnh và hàng chục nghìn văn bản pháp luật, các hương ước, quy ước tại cơ sở.

Với nhiều hình thức khác nhau, hơn 10 năm qua, Hội Luật gia các cấp đã tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới 31 triệu lượt người dân; làm tốt công tác tư vấn pháp luật miễn phí cho người nghèo thông qua 61 trung tâm tư vấn trên cả nước. Hội còn có nhiều ý kiến quan trọng trong việc tuyển chọn, bổ nhiệm trên 6.000 thẩm phán, kiểm sát viên các cấp; tích cực đấu tranh bảo vệ các quan điểm của Đảng về dân chủ, nhân quyền; đồng chủ trì tổ chức 2 hội thảo quốc tế lớn về biển Đông, được dư luận trong nước và quốc tế ghi nhận.

Kết luận hội nghị, ông Lê Hồng Anh đánh giá cao hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam hơn 10 năm qua trong việc thực hiện chỉ thị số 56 của Bộ Chính trị khóa 8; nhấn mạnh một số nhiệm vụ thời gian tới của Hội. Đó là, gắn thực hiện công tác của Hội với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội 11, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

Tiếp tục đổi mới hình thức tổ chức và hoạt động để Hội Luật gia thực sự là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm công tác pháp luật; nghiên cứu, xây dựng cơ chế phối hợp với các bộ, ban, ngành và địa phương theo tinh thần Chỉ thị 56 của Bộ Chính trị.

Ông Lê Hồng Anh nêu rõ: “Hội cần thực hiện tốt việc xây dựng và thực hiện các đề án về xã hội hóa công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý; tham gia phản biện và giám định xã hội trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tham gia giám sát việc thi hành pháp luật và giải quyết các tranh chấp pháp lý ngoài cơ chế Nhà nước; chủ động cùng các cơ quan tư pháp tham gia công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn một số chức danh tư pháp và hội thẩm nhân dân”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên