Hội nghị Bộ trưởng tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 16
Hiện nay, vấn đề pháp luật và thể chế khác nhau giữa các nước đã tạo nên trở ngại trong sự hợp tác tiểu vùng sông Mekong
Sáng 20/8, Hội nghị Bộ trưởng tiểu vùng sông Mekong mở rộng lần thứ 16 chính thức diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Tiểu vùng sông Mekong mở rộng trong Thập kỷ mới, những lĩnh vực hợp tác mới”. Tham dự hội nghị có ông Lawrence Greenwood, Phó Chủ Tịch Ngân Hàng Phát triển châu Á (ADB); Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc cùng Bộ trưởng các nước Trung Quốc, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đánh giá cao tiến trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng những năm qua, điểm lại những khó khăn, thách thức và kết quả của sự hợp tác này mang lại cho các quốc gia thành viên. Trong đó, kết quả nổi bật là thành tựu trong một số lĩnh vực như: Giao thông vận tải, kỹ thuật năng lượng, kỹ thuật bảo vệ môi trường, nông nghiệp, du lịch, hợp tác về đầu tư; thương mại. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc đặc biệt nhấn mạnh sự hợp tác hiệu quả trong việc đào tạo nguồn nhân lực của các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, những thách thức trong hợp tác tiểu vùng sông Mekong cũng được Bộ trưởng Võ Hồng Phúc chỉ ra. Đó là sự kết nối về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác đầu tư, thương mại, nông nghiệp. Vấn đề pháp luật và thể chế khác nhau cũng tạo nên trở ngại cho việc hợp tác này. Theo đó, trong thời gian tới, các quốc gia cần trao đổi, bàn bạc cụ thể để tạo sự đồng thuận, nhất trí cao hơn, nâng cao hiệu quả hợp tác.
Chiều cùng ngày, các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề nằm trong chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mekong mở rộng như: chia sẻ lợi ích giữa các quốc gia cùng chia sẻ dòng sông Mekong, các cơ hội tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ nghèo đói, thỏa thuận về thương mại và giao thông./.