Hội nghị phổ biến Nghị định số 05 về công tác dân tộc

Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc cả về vật chất lẫn tinh thần

Sáng 18/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Ủy ban Dân tộc của Chính phủ tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định số 05 của Chính phủ về công tác dân tộc và trao đổi kinh nghiệm về quản lý, thực hiện Chương trình 135. Tham dự Hội nghị có trên 50 đại biểu phụ trách công tác dân tộc của 16 tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

Nghị Định 05/2011/NĐ-CP bao gồm 5 chương, 28 điều quy định các hoạt động về công tác dân tộc nhằm đảm bảo và thúc đẩy sự bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, tôn trọng và gìn giữ bản sắc văn hóa của các dân tộc. Đây là văn bản mang tính chất hệ thống có tính pháp lý cao nhất từ trước đến nay, nhằm định hướng cho công tác dân tộc trong thời gian sắp tới và cũng quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành ở các địa phương trong việc tổ chức thực hiện chính sách dân tộc.

Ông Sơn Phước Hoan - Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Chính phủ cho biết: “Nghị định này là cơ sở để việc thực hiện chính sách dân tộc ngày càng cụ thể hơn, chặt chẽ hơn và sát với tình hình thực tế hơn. Chúng tôi hy vọng và tin rằng khi Nghị định đi vào cuộc sống sẽ tiếp tục góp phần nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc cả về vật chất lẫn tinh thần và góp phần tăng cường cơ sở hạ tầng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt nâng nguồn lực đối với vùng dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Hội nghị cũng đã nghe các tham luận của Uỷ ban Dân tộc các  tỉnh Bình Phước, Bình Thuận và tỉnh Đắc Lắc về những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai Chương trình 135 giai đoạn 2. Các tham luận khẳng định Chương trình 135 giai đoạn 2 đã đem lại hiệu quả thiết thực và tương đối toàn diện cho các xã, thôn, buôn, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, giúp cho người dân nhận thức đúng đắn về chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn như: đường giao thông liên thôn đã được nhựa hoá, hệ thống điện sinh hoạt, công trình nước sạch, các trạm y tế, trường học được xây dựng kiên cố; người dân xoá bỏ dần tập tục sản xuất lạc hậu, từng bước tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật; tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường hàng năm tăng lên, giảm tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số bỏ học; đội ngũ cán bộ cơ sở được đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực điều hành. Những kết quả này đã góp phần xoá đói giảm nghèo, đẩy mạnh kinh tế xã hội các vùng đồng bào khó khăn từng bước phát triển.

Song các tham luận cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế của Chương trình như: việc triển khai dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chưa quan tâm nhiều đến công trình phục vụ sản xuất như: thuỷ lợi, giao thông nội đồng, công trình phúc lợi công cộng; nguồn vốn cho các dự án còn thiếu, lại phân bổ chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng của các dự án.

Ông Ama Phong, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắc Lắc nói: “Trong giai đoạn 3 đề nghị  Ban chỉ đạo chương trình của Trung ương nên nghiên cứu sát hơn với tình hình thực tế của từng vùng, từng miền để có cơ chế thoáng hơn, để giảm thiểu những khó khăn với địa phương.   Nguồn vôn đầu tư cho hợp phần đào tạo cán bộ nên mở rộng đối tượng quản lý Chương trình.   Vấn đề đào tạo nghề cho thanh niên nên có cơ chế thoáng hơn, sau đào tạo thanh niên được nâng cao thêm để hiệu quả tốt hơn. Còn với những xã đã thoát khó khăn trong giai đoạn 2 thì cũng nên có những chính sách phù hợp để tránh tình trạng tái nghèo.”.

Trong 2 ngày diễn ra Hội nghị, các đại biểu cùng trao đổi kinh nghiệm về triển khai, quản lý Chương trình 135. Chương trình 135 đã đi qua giai đoạn 2 và mang lại nhiều kết quả thiết thực, giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng như hệ thống giao thông, trạm y tế, lưới điện, công trình thuỷ lợi, cho các xã vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc triển khai chương trình chưa đồng bộ, có những địa phương sử dụng chưa hết nguồn lực đầu tư, có những nơi sử dụng kinh phí không đúng mục đích, hoặc triển khai chậm tiến độ.

Các đại biểu kiến nghị, trong giai đoạn tới Ủy ban Dân tộc của Chính phủ cần phải tiếp tục tham khảo những mô hình hay, tổ chức các cuộc hội thảo, khảo sát tình hình thực tế của các địa phương để xây dựng những chính sách mới, đáp ứng được xu thế phát triển chung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên