Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 33

VOV.VN - Trong 2 ngày làm việc 4 và 5/6, Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33 đã thảo luận nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung của ASEAN.

Với chương trình nghị sự gồm 12 nội dung, các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN cùng nhau thảo luận các nội dung mang tính kế thừa, tiếp nối thành quả của Hội nghị lần thứ 32 tổ chức tại Thái Lan. Đồng thời, quyết định phương hướng hợp tác hải quan trong thời gian tới, đặc biệt là thông qua Kế hoạch Chiến lược phát triển Hải quan (SPCD) giai đoạn 2026-2030.

Trên cơ sở xem xét các xu hướng phát triển hải quan gần đây trong Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) và các tổ chức quốc tế liên quan, cùng với các sáng kiến Hải quan khu vực ASEAN và các khuyến nghị của khu vực tư nhân, để đưa vào các yếu tố mới, gồm số hóa, tự động hóa hải quan, nền kinh tế tuần hoàn, trung hòa carbon, tính bền vững... trong chu kỳ mới của các Kế hoạch phát triển Hải quan.

Hội nghị cũng quyết định phương hướng tiếp tục triển khai Danh mục biểu thuế chung ASEAN, Cơ chế Một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA) về doanh nghiệp ưu tiên (AEO) trong ASEAN và các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại chung của ASEAN. Các chương trình hành động và kế hoạch chiến lược phát triển hải quan được thực hiện nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN về luân chuyển hàng hóa tự do trong nội khối ASEAN và thúc đẩy thương mại giữa ASEAN với các đối tác.

Là cơ quan hải quan chủ nhà đăng cai tổ chức và chủ trì Hội nghị và là một thành viên tích cực, có trách nhiệm, Hải quan Việt Nam đã có những đóng góp tích cực, cùng Hải quan ASEAN đạt được các thành tựu về xây dựng Danh mục biểu thuế quan hài hòa ASEAN, Cơ chế một cửa ASEAN, Hệ thống Quá cảnh Hải quan ASEAN, Thỏa thuận công nhận lẫn nhau Doanh nghiệp ưu tiên ASEAN và triển khai các chiến dịch, sáng kiến hợp tác đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại, trong đó nổi bật là Chiến dịch “Con rồng Mê Kông”. Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam nêu rõ: Cùng với tinh thần đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương theo tinh thần Chỉ thị số 25 của Bộ Chính trị, việc chủ trì đăng cai tổ chức Hội nghị và đảm trách vai trò Chủ tịch Hải quan ASEAN nhiệm kỳ 2024-2025 của Hải quan Việt Nam khẳng định sự tích cực, chủ động trong việc đóng góp vào định hướng cho hoạt động hợp tác và hội nhập Hải quan ASEAN, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò của Hải quan Việt Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung trong cơ chế hợp tác ASEAN.

Ông Nguyễn Văn Cẩn nhấn mạnh: "Cùng với Hải quan ASEAN, Việt Nam cũng đã nỗ lực triển khai có hiệu quả các sáng kiến, các cam kết nhằm hiện thực hóa mục tiêu chung của ASEAN. Theo đó, kế hoạch xây dựng Hải quan số, Hải quan thông minh trong giai đoạn tới đang được Hải quan Việt Nam quyết tâm thực hiện. Tôi tin tưởng rằng, mô hình quản lý hải quan hiện đại áp dụng công nghệ mới như AI, dữ liệu lớn, chuỗi khối không chỉ là mục tiêu của Hải quan Việt Nam mà còn là của Hải quan các nước ASEAN. Tôi đề nghị, trong giai đoạn tới, ngoài mục tiêu hiện đại hóa hải quan, chúng ta cần tập trung thực hiện sáng kiến về Hải quan xanh và tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin tình báo để công tác kiểm soát Hải quan ngày càng được thực hiện hiệu quả hơn trong nội khối ASEAN và với các nước đối tác của ASEAN."

Hội nghị cũng cập nhật những tiến bộ gần đây trong hội nhập hải quan ASEAN, bao gồm việc ký Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về Doanh nghiệp ưu tiên (AAMRA) phù hợp với các nguyên tắc và tiêu chuẩn của Khung tiêu chuẩn SAFE của Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); hoan nghênh những tiến bộ tích cực của 6 nước thành viên, gồm Brunei Darussalam, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore trong việc thực hiện chương trình Thí điểm AAMRA. Hội nghị hoan nghênh Myanmar là nước thành viên tham gia thứ 7 trong Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN (ACTS) và chính thức tham gia hoạt động trực tiếp của ACTS có hiệu lực từ ngày 1/3/2024. Thông qua Hội nghị, Hải quan ASEAN khuyến khích tất cả các nước thành viên tăng cường nhận thức, sự tham gia của công chúng để thu hút nhiều hơn nữa doanh nghiệp sử dụng ACTS.

Ông Satvinder Singh, Phó Tổng thư ký ASEAN cho biết: "Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN trong một giai đoạn rất quan trọng. Khu vực ASEAN đang thay đổi rất nhanh trong các lĩnh vực như chuyển đổi số, chuyển dịch sang tính bền vững,… Tạo thuận lợi cho thương mại phi giấy tờ cũng là một hình thức hiệu quả giúp giảm phát thải cacbon trong chuỗi cung ứng. Trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam, tôi mong hải quan ASEAN có thể triển khai thực hiện Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về doanh nghiệp ưu tiên. Một lĩnh vực lớn khác là cải thiện trao đổi thông tin thương mại điện tử giữa hải quan doanh nghiệp, hy vọng sẽ đạt được trong nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, Việt Nam cũng cần làm việc với Hải quan các nước ASEAN hoàn thành các Kế hoạch chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2026-2030, cũng như tầm nhìn trong những năm tiếp theo".

Bên cạnh hoạt động bàn thảo các nội dung hợp tác hải quan, cơ chế tham vấn với các Đối tác Đối thoại với các cơ quan hải quan trong khu vực và khu vực tư nhân đã trở thành một phần quan trọng trong Chương trình nghị sự của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN hàng năm. Hội nghị thông qua “Hướng dẫn Quản lý hiệu quả làm việc của Hải quan ASEAN” và “Hướng dẫn về Thông lệ tốt nhất trong Thực hiện Quản lý tri thức”, là nguồn tài liệu tham khảo cho Hải quan ASEAN áp dụng các nguyên tắc quản lý, thông lệ tốt nhất về làm việc hiệu quả, áp dụng các bài học nhằm cải thiện hiệu quả công tác của công chức hải quan ASEAN, tìm kiếm giải pháp và tối ưu hóa nguồn lực trong quản lý tri thức. Hội nghị công nhận những nỗ lực hỗ trợ đáng kể cho việc thực hiện Nghiên cứu về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) thế hệ mới, được coi là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN  năm 2024 này.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33
Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33

VOV.VN - Tổng cục Hải quan sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, diễn ra từ ngày 4-6/6 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33

Việt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33

VOV.VN - Tổng cục Hải quan sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 33, diễn ra từ ngày 4-6/6 tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn
Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn

VOV.VN - Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia đã kết thúc vào chiều nay (6/3) sau 3 ngày họp tại thành phố Melbourne của Australia. Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã tổ chức họp báo sau hội nghị.

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn

Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia xác định tầm nhìn chiến lược dài hạn

VOV.VN - Hội nghị Cấp cao Đặc biệt ASEAN - Australia đã kết thúc vào chiều nay (6/3) sau 3 ngày họp tại thành phố Melbourne của Australia. Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã tổ chức họp báo sau hội nghị.

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30

VOV.VN - Từ ngày 8-9/3/2024, tại LuangPrabang, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR30) với sự tham dự của Tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Timor Leste (tham dự với tư cách là quan sát viên). 

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30

VOV.VN - Từ ngày 8-9/3/2024, tại LuangPrabang, Lào đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 30 (AEMR30) với sự tham dự của Tổng thư ký ASEAN, Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN và Timor Leste (tham dự với tư cách là quan sát viên).