Hội nghị về công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội
VOV.VN - Chiều 30/3, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng chủ trì Hội nghị về công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cùng dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Dự hội nghị còn có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội cùng các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội…
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và một số nội dung khác; trong đó, sẽ tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp công tác giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chủ tịch nước là thiết chế hiến định hết sức quan trọng trong bộ máy Nhà nước, là người đứng đầu Nhà nước thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại; đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng an ninh. Hiện nay, Chủ tịch nước cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Hàng năm, Chủ tịch nước đều có báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiều công việc cụ thể của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều gắn với thiết chế Chủ tịch nước như phê chuẩn các hiệp định, điều ước quốc tế, phê chuẩn bổ nhiệm đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài. Trong công tác đối nội, đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan mật thiết đến Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước cũng tham gia thường xuyên các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, hội nghị lần này là dịp để hai cơ quan đánh giá kết quả công tác, kiến nghị đề xuất để tiếp tục thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Hội nghị thống nhất đánh giá trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIII, XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay, quan hệ phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác. Đặc biệt, những đổi mới trong phương thức phối hợp ngày càng được chú trọng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính chủ động và có chiều sâu trong việc thực hiện nhiệm vụ mỗi bên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng và chất lượng hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung, hướng tới mục tiêu chung là phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hệ thống pháp luật, đóng góp một phần quan trọng vào những thành tựu chung của Đảng, Nhà nước trong thời gian vừa qua.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là rất cần thiết để hoàn thành tốt nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao. Nêu rõ “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”, Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, cần nêu những nội dung đẩy mạnh hợp tác để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bên.
Thời gian qua, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đồng thời kiên quyết, kiên trì, quyết tâm trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và tạo động lực mới cho sự nghiệp phát triển nước nhà.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước đã phối hợp chặt chẽ, tham gia những ý kiến xác đáng với các cơ quan có thẩm quyền trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật liên quan đến tổ chức, hoạt động của bộ máy nhà nước, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Theo sự phân công của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã thường xuyên tham dự các phiên họp của Uỷ Ban Thường vụ Quốc hội và có nhiều ý kiến quan trọng, góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Với trách nhiệm là Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước đã tham gia đầy đủ các kỳ họp của Quốc hội, các hoạt động của Đoàn đại biểu, tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội; có nhiều đóng góp tích cực vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Trong nhiều nhiệm kỳ qua, công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội luôn được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác; đặc biệt là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, các Đại biểu Quốc hội đã thống nhất đánh giá: Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hoàn thành xuất sắc cả vai trò người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước; là biểu tượng của niềm tin và tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc; có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ; tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân và toàn xã hội để cả nước đồng lòng vượt qua khó khăn. Thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước, để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng đồng bào, chiến sĩ và cử tri cả nước.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại phát biểu chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; trong đó đề nghị Quốc hội cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí của mình trong việc tạo lập khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động của đất nước, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại; đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng ban hành các văn bản pháp luật; sớm xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác để thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần cùng cả hệ thống chính trị, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chủ tịch nước nêu rõ: “Chủ tịch nước luôn mong muốn được phối hợp, hợp tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, như: Đổi mới việc xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, xây dựng pháp lệnh khắc phục tình trạng lợi ích ngành, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân...”.
Với vai trò là người đứng đầu Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các Đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch nước mong muốn cùng Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình xây dựng, thực hiện các Luật, Pháp lệnh và Nghị quyết với quan điểm lấy người dân là trung tâm, người dân là chủ thể của phát triển, chủ thể của giám sát, đặc biệt là các vấn đề về phụ nữ, trẻ em; hoạt động của người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, những nơi có khó khăn; các vấn đề an sinh, xã hội, biến đổi khí hậu; dịch bệnh, y tế...
Chủ tịch nước đề nghị, sau buổi làm việc này, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp xây dựng Chương trình phối hợp công tác trong thời gian tới để có cơ sở, cơ chế phối hợp, hợp tác thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa Chủ tịch nước với Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định./.