Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển"
VOV.VN - Sáng nay (31/3), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội thảo Khoa học "Khánh Hòa 370 năm xây dựng và phát triển" (1653-2023) với sự tham dự của 200 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học. Các tham luận tại Hội thảo đều nhận định, Khánh Hòa là địa phương được thiên nhiên ưu đãi, có nhiều lợi thế phát triển.
Khánh Hòa là vùng đất có địa thế chiến lược trong quốc phòng – an ninh
Tham luận của các nhà sử học, xã hội học như Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa- Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tiến sĩ Chu Đình Lộc, Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Khánh Hòa; Nhà sử học Dương Trung Quốc… đều thống nhất nhận định: Từ năm 1653, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vùng đất Kauthara từ núi Đá Bia - Đèo Cả vào đến bờ bắc sông Phan Rang trở thành đơn vị hành chính của nước Đại Việt. Ban đầu có tên gọi dinh Thái Khang, sau đó lần lượt đổi tên thành dinh Bình Khang (1690), dinh Bình Hòa (1803), trấn Bình Hòa (1808) và tỉnh Khánh Hòa (1832).
Trong suốt chiều dài lịch sử 370 năm (1653-2023), nơi đây luôn là bộ phận lãnh thổ, đơn vị hành chính cấp tỉnh của nước ta. Các nhà khoa học cũng có chung khẳng định, Khánh Hòa có đầy đủ các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật và bảo vật quốc gia. Du khách gần xa đều cảm nhận người Khánh Hòa khiêm nhường, cởi mở, thân thiện, gần gũi, dễ hòa đồng. Có thể khẳng định không có lời mời đầu tư nào hấp dẫn hơn lời mời của một vùng văn hóa có thiên nhiên hài hòa, con người thân thiện, cởi mở.
Nhắc lại lịch sử 370 năm hình thành và phát triển, nhà nghiên cứu Dương Trung Quốc khẳng định: Con số 370 năm mà hôm nay chúng ta chọn để kỷ niệm chỉ là một cái mốc tương đối của lịch sử. Sau cuộc chinh phục bằng vũ lực của Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, dải dất từ Đèo Cả đến sông Phan Rang (nay thuộc Ninh Thuận) đã được minh định vào lãnh thổ Đại Việt.
“Kỷ niệm 370 năm ngày thành lập Khánh Hòa cũng chính là cơ hội chúng ta kiểm kê lại một cách sát sao những tài nguyên và tài sản của quá khứ, gắn những giá trị phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội hiện tại, sẽ giúp ích cho công cuộc phát triển của Khánh Hòa và cả nước cùng tiến trình hội nhập với thế giới ở thời đại mà khoa học công nghệ phát triển vô cùng mạnh mẽ. Chính những di sản của quá khứ sẽ là bệ đỡ để sự tiếp nhận và hội nhập có cơ sở phát triển một cách bền vững trên mảnh đất Khánh Hòa” - ông Dương Trung Quốc nói.
Khánh Hòa mảnh đất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển đặc biệt, vượt trội
Khánh Hòa có tiềm năng và lợi thế phát triển không chỉ to lớn mà còn là đặc biệt, vượt trội. Lợi thế của Khánh Hòa có nhiều điểm khác biệt so với nhiều địa phương khác – không chỉ về quy mô, phạm vi mà quan trọng hơn, ở tính đặc sắc và đẳng cấp. Mặc dù nhiều tiềm năng, lợi thế như vậy nhưng cho đến nay, Khánh Hòa vẫn chưa phát triển đúng tầm, thấp xa kỳ vọng, chưa đạt mức “trung bình cả nước” và cơ bản vẫn là địa phương “khó phát triển”. Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại thì cho rằng, khi thế giới phát triển, thay đổi nhanh chóng, Khánh Hòa cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Theo ông Trương Đình Tuyển, tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm phát triển hài hòa các vùng nông thôn, hải đảo và đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh.
“Phải thực hiện một chiến lược phát triển bao trùm để bảo đảm tập trung nguồn lực cho những vùng có ưu thế cạnh tranh tốt nhất, tạo ra tác động lan tỏa cao nhất nhưng đồng thời chú ý đến những vùng, dành nguồn lực thích đáng đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Khánh Hòa là một tỉnh như tôi đã nói là tỉnh có địa hình đa dạng, là tỉnh có nhiều vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Tuyển nói.
Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Việt Nam cho rằng, Khánh Hòa cần Quy hoạch lại, phát triển tỉnh trên tất cả các tuyến và các cấp, nhận diện lại tiềm năng và lợi thế phát triển của tỉnh, xác định rõ “điều kiện cần và đủ” bảo đảm chuyển hóa “lợi thế so sánh” thành “lợi thế cạnh tranh”. Trên cơ sở đó, hiện thực hóa tiềm năng – lợi thế thành lợi ích phát triển. Thứ hai, tỉnh cần tăng cường liên kết, tạo sức mạnh cộng hưởng. Thứ ba, tỉnh cần xác định vị thế mới, với sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả từ Trung ương.
Khánh Hòa khai thác môi trường biển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Theo ông Trần Đình Thiên, sự trỗi dậy mạnh mẽ của Khánh Hòa năm 2022 và cả trong giai đoạn tới đây sẽ không thể có được nếu không có sự hỗ trợ nhiều mặt tích cực và hiệu quả từ Trung ương.
“Sự hỗ trợ đó thực hiện trên 3 tuyến chính. Một là Chính phủ sớm phê duyệt lại Quy hoạch Phát triển Khu Kinh tế Vân Phong, theo tinh thần khuyến khích tinh thần chủ động sáng tạo. Hai là Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về “Cơ chế đặc thù phát triển Khánh Hòa” ở mức độ nhanh nhất có thể. Ba là Chính phủ tích cực thúc đẩy triển khai các Dự án Đường Cao tốc ven biển, đường cao tốc Buôn Mê Thuột – Nha Trang, …, nhờ đó, định hình một không gian phát triển đặc biệt gồm các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên, trong đó Khánh Hòa – Nha Trang được xác định là Trung tâm hội nhập phát triển của “Tiểu vùng”. Những sự hỗ trợ tích cực của Trung ương đã khai thông một số điểm nghẽn “thâm niên” ở Khánh Hòa mà tự Khánh Hòa không thể giải quyết”, ông Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghề cá Việt Nam, Uỷ viên Uỷ ban Khoa học Công nghệ Môi trường của Quốc hội cho rằng: Để phát triển bền vững kinh tế biển Khánh Hòa, cần duy trì cho được nguồn vốn tự nhiên biển; Bảo tồn được thiên nhiên biển, bao gồm cảnh quan biển; Bảo vệ được môi trường biển khỏi ô nhiễm và suy thoái; Phát triển hiệu quả kinh tế biển dựa trên nền tảng của kinh tế biển xanh và kinh tế tuần hoàn; Thực thi nghiêm túc pháp luật về biển và kinh tế biển; Truyền thông nâng cao nhận thức và trang bị kiến thức cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp và cộng đồng dân cư ven biển và trên đảo
“Tập trung giải quyết các vấn đề. Thứ nhất là phải duy trì môi trường hòa bình; Thứ hai là văn hóa kết hợp với sinh thái biển; Thứ ba là kiểm soát được ô nhiễm biển thành công; Thứ tư là phục hồi các hệ sinh thái; Thứ 5 là thích ứng với biến đổi khí hậu; Thứ sáu là quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo trong phạm vi Việt Nam và Khánh Hòa”, Tiến sĩ Nguyễn Chu Hồi nói.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa- Xã hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận định: Khánh Hòa xứ sở của Trầm hương và Yến sào, hai đặc sản riêng có của Khánh Hòa cũng thể hiện nét thanh cao, tao nhã, hài hòa và hết sức độc đáo. Độc đáo bởi không ở đâu mà rừng và biển lại cùng đem đến cho cho con người hai đặc sản quý hiếm như vậy. Rừng và biển hài hòa ngay cả trong sản phẩm trời ban!
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức: Trầm hương được hình thành từ quá trình kết tụ và chuyển hóa nhựa cây dó bầu mà thành. Cây dó bầu mọc ở nơi địa thế cao, trong những cánh rừng già với điều kiện sống khắc nghiệt nên bản thân chúng cũng thuộc loại thực vật mang trong mình dưỡng khí cân bằng và hài hòa với không gian mà chúng sinh trưởng. Có lẽ không sai khi nói trầm hương gói trọn linh khí của đất trời, là món quà đặc biệt mà thiên nhiên, tạo hóa đã ban tặng cho con người. Rừng ban tặng trầm hương, biển ban tặng yến sào! Phải chăng sự ban tặng của rừng và biển cũng đăng đối hài hòa kỳ lạ! Sự hài hòa của đất trời dẫn đến sự hài hòa trong cuộc sống con người nơi đây hợp với quy luật sinh tồn của muôn loài. Sự hài hòa ấy là nguồn sống, nguồn cảm hứng để các tộc người hội tụ về đây.
Nhắc đến Trầm hương Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Tưởng, Chủ tịch Công ty Trầm Hương Khánh Hòa cho rằng: Trầm Hương chứa đựng trong nó những giá trị đa dạng trên nhiều khía cạnh: văn hóa, lịch sử, tôn giáo, âm nhạc, nghệ thuật, văn học, dược liệu, hương liệu, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, ngoại giao và kinh tế, được thừa nhận và trân trọng bởi nhiều quốc gia, nhiều nền văn hóa và tôn giáo lớn trên toàn thế giới. Những giá trị đó là nền tảng để Trầm hương trở thành một sản vật tiêu biểu cho Việt Nam trong kỷ nguyên mới, là nguồn cảm hứng phát triển kinh tế Việt Nam, chinh phục thế giới. Chỉ có Trầm hương Khánh Hòa sở hữu mùi hương tinh tế vượt lên trên tất cả do những điều kiện đặc biệt về khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất này tạo nên.
Theo doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng, dược tính, lợi ích của Trầm hương đối với sức khỏe thể chất và tinh thần của con người được ngành công nghiệp dược phẩm và mỹ phẩm thế giới phát hiện và ứng dụng trong nhiều thập kỷ qua, đặc biệt là trong ngành nước hoa. Các chiết xuất của Trầm là thành phần chính hoặc là chất dẫn cho các loại hương liệu của nhiều dòng nước hoa, tinh dầu và mỹ phẩm cao cấp. Những dòng nước hoa có thành phần chủ đạo từ tinh dầu Trầm hương luôn được liệt vào phân khúc sản phẩm cao cấp, ưa chuộng trên toàn thế giới, có giá trị hàng trăm USD mỗi 10 ml. Với những giá trị đặc biệt của Trầm hương Khánh Hòa, một chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế gồm kinh tế rừng, kinh tế biển cần được hình thành để tạo ra đột phá kinh tế cho Khánh Hòa, cho Việt Nam.
Hiện thực hóa những cơ hội, tiềm năng của Khánh Hòa, của Trầm hương trở thành nhiệm vụ của tất cả người con Khánh Hòa, người con Việt Nam yêu quê hương. “Thứ nhất, cần phát triển các quy hoạch hài hòa được không gian sống của con người với không gian tự nhiên của rừng. Thứ hai, cần tập trung điều tra, khảo sát, nghiên cứu, quy hoạch, nuôi trồng, phát triển các sản phẩm lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao và bền vững từ rừng như Nấm Linh Chi, Sâm Ngọc Linh, Hà Thủ Ô, đặc biệt là cây dó bầu cho Trầm Hương vô cùng quý giá. Thứ ba, nâng cao giá trị của sản phẩm trong chuỗi giá trị và gắn kết ngày càng nhiều đối tượng hưởng lợi vào sản phẩm.” Ông Nguyễn Văn Tưởng nói././.