Hội thảo về Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950
Đây là một trong những sự kiện quan trọng của lịch sử 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) nói riêng và lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh nói chung.
Chiều 15/10, tại Hà Nội, Bộ Quốc Phòng phối hợp với Tỉnh uỷ Lạng Sơn tổ chức Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Chiến thắng Biên giới Thu Đông 1950- Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp”. Phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị, Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Tuấn Dũng chủ trì họp báo.
Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân trên mặt trận Cao Bằng, Lạng Sơn, cùng với cả nước, đã khắc phục mọi khó khăn, thử thách, dũng cảm, ngoan cường, thông minh, sáng tạo mở chiến dịch Biên Giới Thu Đông 1950 và giành thắng lợi to lớn, có ý nghĩa chiến lược.
Trao đổi tại cuộc Họp báo, Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng cho biết: Hội thảo khoa học “Chiến thắng Biên giới Thu đông 1950- Bước ngoặt của cuộc kháng chiến chống thực dân” sẽ được tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn vào ngày 19/10 tới. Cho đến nay, hội thảo đã thu hút được 77 tham luận của các lão thành cách mạng, nhân chứng lịch sử, lãnh đạo Bộ Quốc phòng, tỉnh uỷ, uỷ ban nhân dân các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn. Các bài tham luận tập trung vào những vấn đề như: Bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; âm mưu, thủ đoạn chính trị quân sự và quá trình thực hiện Kế hoạch Rơve; Sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng và chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân tố quyết định thắng lợi của chiến dịch Biên giới…
Trung tướng Nguyễn Tuấn Dũng nói: “Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trong trên cả 3 lĩnh vực. Thứ nhất về mặt khoa học lịch sử, có nhiều vấn đề mới sẽ được trình bày, làm rõ. Các bài tham luận sẽ có nội dung, khía cạnh mới làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến chiến thắng biên giới. Thứ hai là có giá tri và ý nghĩa về mặt chính trị, khẳng định sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thứ 3 là ý nghĩa về măt xã hội nhằm tôn vinh và tri ân những người đã hi sinh, những người đã tham gia trận đánh đó”./.