Hội thảo về Dự án luật sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Tố tụng dân sự
Sáng 27/12, tại TP HCM, Ủy Ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức Hội thảo về “Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự”.
Bộ luật Tố tụng Dân sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2005 là Bộ luật Tố tụng Dân sự đầu tiên ở nước ta về giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động. Sau 5 năm thực hiện, Bộ luật này đã góp phần quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tuy nhiên, qua thực tiễn thi hành Bộ luật Tố tụng Dân sự cho thấy: Một số qui định của Bộ luật đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, thể hiện ở việc còn có những qui định chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Một số qui định của Bộ luật mâu thuẫn với các văn bản qui phạm pháp luật khác và đặc biệt là có những qui định chưa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự là cần thiết, nhằm từng bước hoàn thiện một cách căn bản hệ thống pháp luật tố tụng dân sự, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự ngày càng tốt hơn.
Tại hội thảo, các đãi biểu tập trung thảo luận một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung như: Việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, vấn đề định gía tài sản, thời hiệu khởi kiện và cơ chế kháng nghị…
Ông Từ Văn Nhũ, Phó Chánh án TAND Tối cao nói: Trong quá trình thực hiện Bộ luật Tố tụng dân sự, việc đáp ứng yêu cầu của đương sự là vấn đề đặt ra cho tòa án các cấp phải giải quyết. Nhưng do những qui định của Bộ luật có phần chưa được cụ thể, có những điểm hiện nay không còn phù hợp nữa. Đặc biệt, hiện nay vấn đề khiếu nại các bản án đã có hiệu lực pháp luật được giải quyết theo qui trình nào: theo Luật Khiếu nại tố cáo hay theo Bộ luật Tố tụng dân sự cũng là một vấn đề. Nếu giải quyết theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện nay không có qui định nào dành thời hạn cho người ta khiếu nại mà mới chỉ qui định thời hạn cho người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm./.