Họp báo quốc tế: Việt Nam phản đối hành động vô nhân đạo của Trung Quốc

VOV.VN - Đến nay, các tàu Trung Quốc đã gây hư hỏng cho 24 tàu chấp pháp của Việt Nam, trong đó có 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu cảnh sát biển.

Ngày 5/6, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế về tình hình diễn biến trên Biển Đông. Chủ trì buổi họp báo có  ông Lê Hải Bình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao, ông Trần Duy Hải , Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia; Đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát Biền Việt Nam; ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư. Rất đông các nhà báo của các cơ quan truyền thông trong nước và phóng viên của các hãng tin lớn trên thế giới đã tham dự.

Cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức chiều 5/6

Tại cuộc họp báo, ông Lê Hải Bình cho biết, đã hơn 1 tháng kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương -981 và hạ đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cùng với đó Trung Quốc đã đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có các tàu quân sự vào khu vực này và có những hành vi hung hăng, ngang ngược, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng thực thi pháp luật và cả ngư dân Việt Nam.

Đại diện lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam, Đại tá Lê Ngọc Thu cho biết, Trung Quốc đã sử dụng 6 loại tàu chiến: tàu hộ vệ tên lửa, tàu khu trục tên lửa, tàu tuần tiễu tấn công nhanh, tàu quét ngầm, tàu săn ngầm để bảo vệ giàn khoan. Ngoài ra, Trung Quốc còn sử dụng nhiều lượt máy bay hoạt động thường xuyên trên vùng biển có giàn khoan Trung Quốc hạ đặt trái phép để do thám, ghi hình hoạt động của lực lượng chấp pháp Việt Nam.

Ông Ngô Ngọc Thu cho hay, ngày 27/5 vừa qua, Trung Quốc đã tiến hành di chuyển giàn khoan Hải Dương - 981 đến vị trí mới nằm ở Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý, vẫn nằm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam 57 hải lý.

Theo ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NN&PTNT), đến thời điểm này đã có 19 tàu Kiểm ngư bị đâm, va gây hư hỏng, làm 12 Kiểm ngư viên bị thương.

Cũng tại cuộc họp báo này, lực lượng Cảnh sát Biển và lực lượng Kiểm ngư Việt Nam đã trình chiếu những video clip cho thấy sự manh động của các tàu Trung Quốc khi liên tục đâm va, phun vòi rồng vào lực lượng chấp pháp Việt Nam và ngư dân Việt Nam.

Phần hỏi đáp:

Giàn khoan của Trung Quốc hiện đã ổn định vị trí

Tiền Phong: Trung Quốc đã nhiều lần di chuyển giàn khoan Hải Dương-981, tại sao Trung Quốc lại di chuyển giàn khoan nhiều lần như vậy?

Ông Ngô Ngọc Thu: Trung Quốc sau khi hạ đặt giàn khoan Hải Dương – 981 ở khu vực Tây Nam đảo Tri Tôn 17 hải lý, ngày 27/5 đã tiến hành di chuyển sang vị trí mới như khu vực đã nói ở trên. Đây là một giàn khoan nước sâu và độ sâu ở khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan là rất lớn (trên 1.000m) do đó để định vị giàn khoan vào đúng vị trí có thể khoan được buộc Trung Quốc phải dịch chuyển giàn khoan trong khoảng 100 - 200m là chuyện bình thường. Cho đến nay, vị trí của giàn khoan này đã ổn định.

Ông Lê Hải Bình: Tôi xin nhấn mạnh thêm rằng, dù di chuyển như thế nào thì cho đến lúc này vị trí của giàn khoan Hải Dương-981 vẫn nằm sâu trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.

Hành vi của Trung Quốc là vô nhân đạo

Đại đoàn kết: Vừa qua liên tiếp xảy ra các vụ tàu Trung Quốc khống chế, tấn công, gây thương tích cho ngư dân Việt Nam cũng như phá hỏng tàu và các ngư cụ của ngư dân. Ý  kiến đánh giá của Cục Kiểm ngư đưa ra về hành động này của phía Trung Quốc?

Ông Hà Lê: Trước hết tôi xin khẳng định các tàu cá Việt Nam mà bị tàu Trung Quốc khống chế tấn công cũng như đập phá tài sản, gây thương tích cho ngư dân đều là những tàu cá đang tiến hành các hoạt động khai thác thủy sản bình thường và hợp pháp tại các ngư trường truyền thống của Việt Nam. Những vụ việc này xảy ra chứng tỏ hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là công ước Quốc tế về luật biển 1982 và vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).

Những hành động này của Trung Quốc ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam, đe dọa tính mạng, tài sản của ngư dân Việt Nam. Chúng tôi cực lực phản đối và kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ hành vi vô nhân đạo này.

Đông đảo các phóng viên báo chí trong và ngoài nước tham dự buổi họp báo

Việt Nam mong muốn cộng động quốc tế góp tiếng nói về vấn đề Biển Đông

Washington Times: Tuần trước, một đoàn cấp cao Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Mỹ đã đến thăm Việt Nam và trong chương trình nghị sự có thảo luận với phía Việt Nam về những vấn đề liên quan đến an toàn hàng hải. Việt Nam có kỳ vọng Mỹ sẽ đóng vai trò như thế nào để hỗ trợ Việt Nam bảo vệ chủ quyền?

Ông Lê Hải Bình: Việc duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực là lợi ích, là trách nhiệm và cũng là nghĩa vụ của tất cả các quốc gia liên quan cả trong và ngoài khu vực. Trong thời gian qua, cùng với cộng đồng quốc tế, Mỹ cũng đã có những tiếng nói nhằm đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực và vào việc giải quyết những căng thẳng hiện nay ở khu vực. Chúng tôi mong muốn Mỹ tiếp tục có những tiếng nói mạnh mẽ hơn, có những hành động thiết thực hơn, có tính xây dựng để đóng góp vào ổn định, hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, vào việc giải quyết các tranh chấp ở khu vực thông qua luật pháp quốc tế.

Tuổi trẻ: Việt Nam đã theo đuổi các giải pháp hoà bình song đến nay Trung Quốc chưa hề có ý định xuống thang căng thẳng. Việt Nam sẽ có những biện pháp gì tiếp theo? Vừa qua những phát biểu của các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản khiến Trung Quốc rất bất bình. Đặc biệt là phát ngôn Trung Quốc không tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam đánh giá thế nào về vai trò của cộng đồng quốc tế trong việc duy trì tự do an toàn hàng hải trên Biển Đông? Chính phủ Việt Nam có ủng hộ ý tưởng của hội nghề cá Đà Nẵng cũng như chủ tàu Việt Nam bị đâm chìm kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế hay không?

Ông Trần Duy Hải: Trong hơn 1 tháng qua, chúng tôi đã nỗ lực ngoại giao để giải quyết tình hình căng thẳng biển Đông song Trung Quốc tiếp tục có hành động leo thang mới. Việt Nam sẽ tiếp tục kiên trì đấu tranh hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để giải quyết bất đồng ở Biển Đông. Việt Nam cũng sẽ tiếp tục nỗ lực ngoại giao với phía Trung Quốc để giải quyết vấn đề đồng thời cũng cân nhắc những giải pháp tiếp theo để bảo vệ chủ quyền của Việt Nam.

Cộng đồng quốc tế vừa qua cũng có tiếng nói mạnh mẽ phản đối việc làm của Trung Quốc. Có thể nói lần đầu tiên cộng đồng quốc tế mới có tiếng nói mạnh mẽ như vậy đối với vấn đề Biển Đông. Tiếng nói của cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng trong việc duy trì hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực, đấu tranh ngăn chặn hành động leo thang của Trung Quốc.

Các vụ kiện quốc tế đều rất phức tạp. Nếu chủ tàu Việt Nam kiện tàu Trung Quốc thì chỉ là vụ việc  dân sự. Nhưng trong vụ này nó liên quan đến chủ quyền quốc gia nên vụ kiện như vậy không giải quyết được vấn đề. Tôi cho rằng, cần phải chọn phương án nào tối ưu nhất bảo vệ quyền và lợi ích của chúng ta.

Việt Nam trân trọng mọi hình thức biểu thị lòng yêu nước

AP: Chắc hẳn nhìn cảnh chiếu trên màn hình vừa rồi, nhiều người Việt Nam sẽ rất phẫn nộ. Tại sao Chính phủ Việt Nam lại không cho phép người dân biểu tình hòa bình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội?

Ông Lê Hải Bình: Tôi hoàn toàn nhất trí với ý kiến cho rằng khi xem những hình ảnh này những người dân Việt Nam rất phẫn nộ. Tôi xin bổ sung rằng, không chỉ người dân Việt Nam mà cộng đồng quốc tế -những người ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, những người ủng hộ xử lý những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và bằng luật pháp quốc tế đều phẫn nộ trước những hình ảnh này.

Chính phủ Việt Nam, nhân dân Việt Nam đang tiếp tục và kiên trì có các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề hiện nay. Về thông tin tại sao Chính phủ Việt Nam không cho phép người dân biểu tình hòa bình, chúng tôi xin khẳng định thông tin đó hoàn toàn không có cơ sở. Người dân Việt Nam có quyền biểu thị lòng yêu nước của mình theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam. Quý vị cũng đã thấy, thời gian qua, ở nhiều nơi trên toàn thế giới đã diễn ra những hoạt động phản đối các hành vi ngang ngược, vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc trong khu vực.

Hãng tin Đức DPA: Một số người đã đến tập trung trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội đã bị ngăn cản.... Vậy quyền của người dân được biểu tình theo quy định của pháp luật là như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trân trọng mọi hình thức biểu thị lòng yêu nước của người dân Việt Nam. Trong một tháng qua, người dân có nhiều hình thức khác nhau thể hiện lòng yêu nước của mình. Cũng như mọi quốc gia trên thế giới, các cuộc biểu tình phải tuân thủ quy định luật pháp. Ở nước ngoài, người dân Việt Nam cũng phải tuân theo quy định pháp luật sở tại. Tương tự, ở Việt Nam mọi hoạt động cũng phải tuân theo đúng pháp luật. Về biểu tình, chúng tôi cũng đã có những quy định pháp luật như vậy.

Căng thẳng Biển Đông sẽ được bàn thảo ở hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN+3 

Thông tấn xã Việt Nam: Từ 6/6 – 10/6 sẽ diễn ra hội nghị SOM ASEAN, SOM ASEAN+3 và các hội nghị liên quan, trong tình hình hiện nay, vấn đề Biển Đông liệu có được đưa ra tại các hội nghị này hay không và sẽ được đưa ra như thế nào?

Ông Lê Hải Bình: Như quý vị cũng đã biết và tôi cũng đã nêu, duy trì ổn định, hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trong khu vực là lợi ích, là nghĩa vụ của các nước trong và ngoài khu vực. Tất cả các vấn đề ảnh hưởng đến hòa bình, an ninh an toàn hàng hải trong khu vực đều sẽ được bàn thảo ở các hội nghị của khu vực như quý vị đã thấy trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN cũng như Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 vừa qua ở Myanmar. Vì vậy, vấn đề Biển Đông cũng như các căng thẳng hiện nay trong khu vực sẽ được bàn thảo trong hội nghị lần này ở mức độ phù hợp.

VTC10: Trong một buổi họp báo gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Ngô Xuân Doanh có nói Việt Nam sử dụng nhiều tàu, trong đó có cả tàu vũ trang để quấy nhiễu tàu Trung Quốc. Bà Doanh còn cáo buộc tàu Việt Nam hơn 120 lần đâm các tàu công vụ của Trung Quốc, cáo buộc Việt Nam đang đe dọa ổn định, hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải ở Biển Đông. Ý kiến của Việt Nam về cáo buộc này? Trung Quốc còn gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc về vụ giàn khoan Hải Dương – 981, Bộ Ngoại giao Việt Nam có bình luận gì về hành động này của phía Trung Quốc?

Ông Trần Duy Hải: Những nội dung phát biểu của bà Ngô Xuân Doanh và nội dung công hàm của Trung Quốc gửi lên Liên Hợp Quốc đều có điểm chung là xuyên tạc sự thật, bóp méo thực tế. Trung Quốc không thể đưa ra hình ảnh nào tàu Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ hoàn toàn nội dung xuyên tạc của Trung Quốc. Truyền thông Trung Quốc cũng đã công khai thừa nhận tàu của họ tấn công tàu Việt Nam. Việt Nam chỉ có tàu dân sự hoạt động ở khu vực này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên