Họp phiên giải trình về thực hiện chính sách bảo vệ trẻ em
Đây là lần đầu tiên, một phiên giải trình của Chính phủ được tổ chức và thực hiện tại Phiên họp của một Ủy ban của Quốc hội.
Ngày 15/2, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã dự Phiên giải trình của Chính phủ tại Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội; các Bộ, ngành Trung ương và các chuyên gia. Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ giải trình tại phiên họp và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi, Ủy ban đã tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2008 – 2010 theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Để chuẩn bị cho phiên họp này, Thường trực Ủy ban và Đoàn Giám sát đã khảo sát tại 6 tỉnh, thành phố; xem xét báo cáo của HĐND 46 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về vấn đề này.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là sự nghiệp to lớn, là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân mà trực tiếp là các gia đình. Đây cũng là sự nghiệp có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, bảo đảm cho sự phát triển của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những năm qua, công tác bảo vệ trẻ em nói chung, việc phòng ngừa, can thiệp, trợ giúp trẻ em bị bạo lực, xâm hại nói riêng được chú trọng hơn, đạt được một số kết quả nổi bật. Tuy vậy, tình trạng xâm hại, bạo lực đối với trẻ em vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời.
Chỉ tính trong vòng 3 năm gần đây, trung bình cả nước có khoảng 1.000 vụ xâm hại trẻ em bị phát hiện hàng năm. Công tác giáo dục trẻ em cũng còn nhiều tồn tại, cần khắc phục, nhất là trong nhà trường, các cơ sở giáo dục.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu sau phiên họp, các cơ quan của Quốc hội cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát, tuyên truyền để không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em.
Đại diện các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời và làm rõ câu hỏi của các thành viên Ủy ban về trách nhiệm thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; bộ máy tổ chức công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; chính sách, cơ chế tài chính, nguồn nhân lực và việc xã hội hoá công tác này…/.