Hợp tác lập pháp để thúc đẩy quan hệ toàn diện Việt Nam - New Zealand
VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Chính phủ New Zealand thúc đẩy việc tăng cường quan hệ hai cơ quan lập pháp để góp phần thúc đẩy toàn diện kinh tế, thương mai, đầu tư, giáo dục.
Chiều tối 14/11, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội kiến Thủ tướng New Zealand bà Jacinda Arden nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh gần hai năm qua việc trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước không thực hiện được do ảnh hưởng của Covid-19, tái khẳng định tầm quan trọng và tạo xung lực mới thúc đẩy mối quan hệ hai nước; chúc mừng New Zealand đã kiểm soát được đại dịch và mở cửa hoàn toàn từ giữa năm nay, đang tích cực phục hồi, phát triển kinh tế, đạt được các thành tựu ấn tượng kể cả tăng trưởng GDP và lạm phát; đặc biệt, New Zealand đã chú trọng đến công tác an sinh xã hội, đây là yêu tố then chốt mà hai bên có thể chia sẻ kinh nghiệm.
Được biết, Thủ tướng New Zealand và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm rất toàn diện và thực chất, thống nhất được nhiều phương hướng nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực đang diễn biến phức tạp, khó lường, việc Việt Nam - New Zealand tăng cường hợp tác không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước mà còn đóng góp hữu hiệu cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Về quan hệ hai nước, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand tiếp tục phát triển tốt đẹp, hiệu quả. Đặc biệt, Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược giai đoạn 2021 - 2024 được tích cực thực hiện với nhiều kết quả cụ thể.
Trong thời gian tới hai bên có thể còn nhiều tiềm năng để tăng cường hơn nữa trong thương mại, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp, chế biến, du lịch, cũng như về giáo dục, đào tạo và văn hóa. Quốc hội Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy các nhà đầu tư 2 nước tìm hiểu, thâm nhập thị trường của nhau.
Về quan hệ nghị viện, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hợp tác song phương và đa phương giữa hai Quốc hội trong thời gian qua phát triển tốt đẹp. Quốc hội Việt Nam khóa XV đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - New Zealand gồm 10 thành viên. Quốc hội New Zealand cũng đã thành lập Nhóm Nghị sĩ hữu nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Chủ tịch Quốc hội mong muốn, Chính phủ New Zealand thúc đẩy việc tăng cường quan hệ hai cơ quan lập pháp để góp phần thúc đẩy toàn diện kinh tế, thương mai, đầu tư, giáo dục. Hai bên cần tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn, chú trọng hợp tác giữa các Ủy ban chuyên môn, Nhóm nghị sĩ hữu nghị hai nước nhằm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm hoạt động nghị viện. Không chỉ thúc đẩy quan hệ song phương mà hai bên cũng cần tiếp tục ủng hộ, phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Diễn đàn Nghị viện châu Á - Thái Bình Dương (APPF) và Nghị viện Á - Âu (ASEP).
Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ ủng hộ việc hai nước: Tăng cường trao đổi đoàn các cấp và các kênh, trong đó có kênh Quốc hội, để gia tăng sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; hai bên phát huy hơn nữa vai trò cầu nối của các Hội Hữu nghị và các Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị hai nước; đẩy mạnh giao lưu nhân dân.
Đẩy mạnh triển khai các văn kiện đã ký kết. Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp giám sát việc triển khai các văn kiện này, bao gồm cả Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2021 - 2024 và hai thỏa thuận vừa được ký trong chuyến thăm của Thủ tướng New Zealand.
Hai bên tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực an ninh- quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, nông nghiệp... xứng tầm với quan hệ Đối tác Chiến lược giữa hai nước trong tình hình mới; đồng thời nghiên cứu mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh... Đây là lĩnh vực mà hai bên đang có nhu cầu và tiềm năng.
Hai nước tiếp tục ủng hộ nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế cũng như trong các vấn đề an ninh, chiến lược chung của khu vực, trong đó có Biển Đông.
Thủ tướng New Zealand bày tỏ đồng tình với những chia sẻ, để xuất của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về quan hệ hai nước và hai Quốc hội/Nghị viện; đồng thời nhấn mạnh, chuyến thăm này còn có Bộ trưởng Bộ Thương mại và số lượng lớn các doanh nghiệp New Zealand tham gia, sẽ thúc đẩy hơn nữa về quan hệ thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân hai nước.
Hoàn toàn nhất trí với Chủ tịch Quốc hội việc thúc đẩy trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể là lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, bà Thủ tướng còn cho rằng, hai bên có thể hợp tác trong các lĩnh vực như: công nghệ tài chính; hợp tác về dịch vụ cũng rất quan trọng, đặc biệt là đảm bảo thông quan hàng hóa bằng công nghệ số, điều này sẽ làm tăng trưởng số lượng nhập khẩu và xuất khẩu của cả hai bên.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giao lưu nhân dân, đây là nền tảng mới đối với quan hệ hai nước. New Zealand cũng muốn tăng cường tring lĩnh vực giáo dục.
Với các chính sách ứng phó với Cocid-19, theo Thủ tướng New Zealand, hai nước đã có những hợp tác chặt chẽ trong khủng hoảng y tế và sẽ áp dụng tương tự đối với khủng hoảng kinh tế. New Zealand có thể tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm về tài chính khí hậu, giảm phát thải nhà kính trong lĩnh vực nông nghiệp. Ngược lại, New Zealand học được kinh nghiệm từ Việt Nam về tốc độ tăng trưởng cao, mặc dù có những gói hỗ trợ cho người dân nhưng đã không làm tăng mức lạm phát.
Thủ tướng New Zealand tin tưởng, nhóm nghị sĩ hữu nghị sẽ là những cầu nối để hai bên tiếp tục có những trao đổi về bài học kinh nghiệm của hai bên, bằng hình thức đối thoại.
Nhấn mạnh quan điểm của New Zealand về môi trường quốc tế với những cạnh tranh chiến lược, bà Jacinda Arden khẳng định, đối với những căng thẳng chiến lược trong khu vực, việc thượng tôn pháp luật quốc tế cũng như các thể chế quốc tế là một trong những vấn đề quan trọng và cần phải tiếp tục đàm phán, đối thoại để giải quyết thông qua những giải pháp hòa bình./.