Hướng tới mục tiêu tăng tỷ lệ nữ là đại biểu Quốc hội
Rất nhiều ý kiến của nữ đại biểu Quốc hội trong thời gian qua đã góp phần giải quyết những vấn đề đang bức xúc trong dư luận
Tăng tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND các cấp là vấn đề luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Mục tiêu đặt ra trong cuộc bầu cử sắp tới là tỷ lệ nữ chiếm khoảng 30% tổng số đại biểu. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, cùng với sự nỗ lực của chị em phụ nữ thì rất cần có sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền đoàn thể và một cái nhìn chính xác về vai trò của phụ nữ trong hoạt động chính trị- xã hội.
Tiếp xúc cử tri, lắng nghe nguyện vọng của cử tri và tổng hợp những mong muốn của cử tri để chuyển thành các ý kiến trong mỗi kỳ họp Quốc hội… Đây chỉ là phần nhỏ trong khối lượng công việc mà các nữ đại biểu Quốc hội phải đảm nhận.
Rất nhiều ý kiến của nữ đại biểu Quốc hội trong thời gian qua đã góp phần giải quyết những vấn đề đang bức xúc trong dư luận từ các vấn đề kinh tế, chính trị cho đến mọi lĩnh vực đời sống của người dân. Là phái nữ, nên có nhiều ý kiến của chị em góp phần bảo đảm quyền lợi của phụ nữ trong xã hội thực hiện quyền bình đẳng giới.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cho rằng: “Tôi nghĩ đại biểu nữ trong khóa XII đã hoạt động rất tích cực. Đặc biệt trong nhiệm kỳ này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra ra quyết định thành lập nhóm nữ nghị sỹ. Đây là cơ chế tốt, tạo diễn đàn để các nữ đại biểu có thể gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau trao đổi, phân tích một số dự án Luật có liên quan đến vấn đề bình đẳng giới, trên cơ sở đó có tiếng nói đại diễn đàn Quốc hội. Tôi nghĩ nữ đại biểu Quốc hội khóa XII đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình và cũng xứng đáng là tiếng nói đại diện cho giới nữ trong cả nước”.
Vừa đảm nhận và hoàn thành các công việc của Quốc hội, vừa gánh vác trọng trách là người mẹ, người vợ trong gia đình, nên nhiều nữ đại biểu Quốc hội gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, những rào cản của xã hội, những khó khăn từ vấn đề giới có thể làm cho người phụ nữ phải vất vả hơn nam giới khi tham gia vào các vị trí quản lý lãnh đạo. Ông Nguyễn Văn Pha, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam cho rằng: Để người phụ nữ vừa làm tròn trọng trách gia đình và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì ngoài vấn đề về chính sách cần có một cái nhìn khách quan về vấn đề giới sẽ là sự chia sẻ, động viên phụ nữ tự tin hơn khi tham gia ứng cử vào cơ quan dân cử.
“Có một thực tế quá trình giới thiệu người ứng cử nếu như chúng ta giới thiệu phụ nữ mà trình độ về văn hóa, chuyên môn không cao thì cũng rất dễ dẫn đến chuyện người ta không bầu. Tôi cho rằng đây là định kiến hiện nay vẫn tồn tại. Tất nhiên để đảm bảo được chỉ tiêu về phụ nữ đòi hỏi quá trình vận động bầu cử, quá trình tuyên truyền bầu cử của các cơ quan tổ chức là hết sức sinh động, chủ động để làm sao chúng ta vận động cử tri nắm, hiểu và ủng hộ cho những đối tượng chúng ta mong muốn” - ông Nguyễn Văn Pha nói.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng: Hiện vẫn còn một bộ phận cử tri cho rằng phụ nữ chỉ nên làm tốt việc nhà. Đây là vấn đề không thể thay đổi ngày một ngày hai. Bên cạnh đó, vấn đề định kiến giới là một cản trở lớn nếu phụ nữ mà không đi bầu cử mà chỉ có nam giới đi bầu thì cũng gây thiệt thòi đối với các ứng cử viên. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa cũng cho rằng, để chị em được tham gia ngày càng đông đảo hơn thì phải có sự ủng hộ rất tích cực, đồng bộ từ các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền, xã hội và chính bản thân người phụ nữ phải vượt lên chính mình, khắc phục những khó khăn, mạnh dạn và tự tin để có thể tham gia trong lĩnh vực đời sống chính trị, xã hội.
Bà Thanh nói: “Ngoài tuyên truyền về luật pháp chúng ta cần phải tuyên truyền những văn bản của Đảng và Nhà nước về chủ trương tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong chính trị rồi quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND để người dân biết được đấy là những chỉ tiêu được đề ra như thế và mỗi người dân chúng ta là phải có trách nhiệm để chỉ tiêu đó được thực hiện. Nghĩa là khi chúng ta bỏ phiếu thì không phân biệt nam nữ ai đủ tiêu chuẩn, ai có khả năng có điều kiện tham gia đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là chúng ta bầu”.
Kỳ bầu cử Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp đang đến gần, chúng ta đặt mục tiêu có tới 30% tỷ lệ nữ đại biểu trong Quốc hội và HĐND các cấp. Tuy nhiên, trong nhiều nhiệm kỳ Quốc hội và HĐND vừa qua, tỷ lệ cao nhất đạt 27%. Con đường đến với vị trí của một nữ đại biểu Quốc hội và HĐND không hề đơn giản, nhưng để đảm nhiệm và hoàn thành sứ mệnh đó đòi hỏi những người phụ nữ này cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi. Đồng thời rất cần sự ủng hộ, giúp đỡ của tòan xã hội nhằm phát huy cao nhất tài năng, trí tuệ và sức lực của phụ nữ trong công cuộc xây dựng đất nước./.