Kết quả giám sát 2 dự án bauxite Tân Rai, Nhân Cơ

VOV.VN - Bước đầu, 2 dự án đã có tác dụng lan tỏa đối với tình hình phát triển KT-XH ở địa phương và địa bàn Tây Nguyên


Ngày làm việc thứ 3 phiên họp thứ 28 Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến vào Báo cáo giám sát chuyên đề của Quốc hội đối với 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam làm chủ đầu tư.

Dự án alumin Tân Rai (Lâm Đồng) (Ảnh: TTXVN)

Đa phần ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nghiêm túc và trách nhiệm của đoàn giám sát do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu làm trưởng đoàn đã mang tới những thông tin quan trọng.

Đó là, về cơ bản 2 dự án đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương cũng như chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, tạo được sự đồng thuận ở 2 địa phương triển khai dự án. Bước đầu, 2 dự án đã có tác dụng lan tỏa đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội ở 2 địa phương nói riêng và địa bàn Tây Nguyên nói chung, có chuyển dịch tích cực về kinh tế; không chỉ rút ngắn thời gian lỗ kế hoạch xuống 1-2 năm so với dự định ban đầu khoảng 4-5 năm mà qua kết quả thí nghiệm cho thấy có thể sản xuất ra sản phẩm, cụ thể là sắt từ bùn đỏ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và giải quyết bài toán về môi trường.

Báo cáo bổ sung thêm về 2 dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, tính đến hôm nay, chúng ta không còn phải thuê công ty nước ngoài vận hành, kỹ sư, công nhân Việt Nam đã làm chủ vận hành máy móc thiết bị đối với dự án Tân Rai. Tuy nhiên, để làm chủ công nghệ chúng ta vẫn cần thêm thời gian, bởi khi làm chủ được việc xử lý sự cố và chủ động về sản xuất thiết bị thay thế mới có thể làm chủ được công nghệ.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn cho rằng báo cáo giám sát còn chưa đầy đủ, hơi chủ quan và chưa sát thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng nội dung giám sát về hiệu quả  kinh tế xã hội gắn với an ninh quốc phòng, hiệu quả kinh tế đã rõ, nhưng gắn với vấn đề quốc phòng an ninh còn hạn chế phải bổ sung thêm; báo cáo chưa nêu rõ tác động của dự án thu hút được bao nhiêu lao động địa phương.

Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng báo cáo cũng chưa làm rõ về tình hình đời sống của người dân ở khu vực triển khai dự án được chuyển đổi ra sao, vấn đề đào tạo nghề và việc làm cho lao động địa phương, cũng như thu nhập của người dân ở khu vực.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng việc phát hiện và sản xuất thành công sắt từ bùn đỏ là rất đáng mừng, góp phần chủ động về nguồn kim loại màu cho đất nước, làm tăng hiệu quả kinh tế, tuy nhiên cần rà soát, đánh giá lại trữ lượng các mỏ sắt cũng như các loại khoáng sản quý khác của ta, xem ngoài sắt, chúng ta còn có những nguồn nguyên liệu quý nào nữa tại 2 dự án này để ta có thể làm chủ được các nguồn vật liệu trong nước, tạo thuận lợi cho sản xuất kinh tế.

Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc cũng đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam quan tâm lưu ý một số vấn đề: hiệu quả kinh tế phải được đánh giá toàn diện, lâu dài và phải gắn với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Tây Nguyên gắn với an ninh quốc phòng, môi trường văn hóa và môi trường sống. Tiếp tục quan tâm nghiên cứu khả năng sử dụng bùn đỏ sản xuất để vừa tăng hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ môi trường. Chính phủ cũng cần có phương án về giao thông vận tải, không chỉ phục vụ cho 2 dự án mà phục vụ cả khu vực duyên hải miền Trung./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên