Kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo giai đoạn hiện nay là cần thiết
VOV.VN - Việc kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, đây cũng là một trong những mục tiêu xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, thống nhất đầu mối để hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Bế mạc Hội nghị Trung ương 6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, cần ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao, trong đó có việc kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Như vậy, sau 13-15 năm được thành lập với nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn và giám sát, đôn đốc các tỉnh thuộc khu vực và vùng phụ cận thực hiện các nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng... các Ban chỉ đạo đã hoàn thành nhiệm vụ và kết thúc quá trình hoạt động.
Việc thành lập 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ là dựa trên yêu cầu của thực tiễn. Ngày 17/7/2002, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ra Quyết định số 46 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong bối cảnh Tây Nguyên đang đứng trước nhiều vấn đề phức tạp, khó khăn. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã trở thành đầu mối theo dõi, nắm tình hình, kịp thời báo cáo, đề xuất với Trung ương nhiều vấn đề quan trọng, nhất là công tác đảm bảo an ninh chính trị, đấu tranh giải quyết vấn đề FULRO, phòng chống biểu tình, bạo loạn. Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp để thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo, đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm đưa sinh hoạt của các tôn giáo vào nề nếp.
Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Tây Nam bộ, 13 năm qua, đã góp phần tạo sự chuyển biến phát triển kinh tế, xã hội, từng bước nâng cao đời sống nhân dân, rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền. Nhiều vấn đề nổi lên được phát hiện, xử lý, giải quyết kịp thời, nhất là các vấn đề nóng. Không chỉ nắm tình hình, các Ban Chỉ đạo còn phân tích những hạn chế, bất cập và có giải pháp triển khai thực hiện như tập trung áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng hệ thống chính trị, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững... Việc thực hiện liên kết trong chỉ đạo phát triển kinh tế có chuyển biến tích cực, chủ động tại mỗi vùng, tập trung vào quy hoạch vùng, thực hiện liên kết phát triển du lịch, phát triển nông lâm nghiệp, thủy sản gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, 3 Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được hình thành trong quá trình lịch sử, xuất phát từ những yêu cầu riêng, đặc biệt, để bảo đảm an ninh chính trị, an toàn xã hội phát sinh tại các khu vực. Trong thời gian tồn tại, các Ban Chỉ đạo có đóng góp to lớn, góp phần đảm bảo tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở cả 3 vùng chiến lược: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ. Đến nay, các Ban Chỉ đạo đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử và kết thúc các nhiệm vụ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đoàn Minh Huấn nêu rõ, trong lịch sử, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đảng cũng đã lập các cơ cấu giống như Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, các cơ cấu đó cũng kết thúc. Thông thường, những người nghiên cứu gọi đây là cơ cấu “động”, không phải cơ cấu ổn định ở tất cả các thời kỳ, có nhiệm vụ thì thiết lập, hết nhiệm vụ thì có thể kết thúc.
Kết thúc hoạt động của các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Đức Phiện, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra, Liên hiệp Giao thông 2, Bộ Giao thông - Vận tải cho rằng: “Quan trọng nhất là chất lượng hoạt động của các Ban Chỉ đạo đó. Tuy nhiên trong thời gian hoạt động, chưa thấy các Ban này có hoạt động gì nổi trội. Vấn đề bây giờ là phải bố trí cán bộ. Những cán bộ làm tốt cần được tạo điều kiện để phát triển”.
Tại Hội nghị Trung ương 6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, cần ưu tiên triển khai ngay những việc đã rõ, đã chín và được nhất trí cao, trong đó có việc kết thúc hoạt động của 3 Ban chỉ đạo: Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Từ thực tế phối hợp hoạt động, ông Từ Xuân Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Bình Dương cho rằng: “Vai trò của Ban chỉ đạo ở các 3 khu vực này không thể thay thế được sự lãnh đạo của Ban Bí thư, Bộ Chính trị đối với cấp ủy địa phương. Cấp ủy địa phương báo cáo xin ý kiến là xin ý kiến Trung ương, còn các Ban Chỉ đạo chỉ là bộ phận tham mưu. Như vậy nhìn tổng thể, bộ máy Đảng, Nhà nước ta đang còn cồng kềnh. Nếu xem lại cả hệ thống chính trị, chúng ta phải xem một cách triệt để từ trên xuống”.
Như vậy, theo cơ cấu “động” có nhiệm vụ thì thiết lập, hết nhiệm vụ thì có thể kết thúc vai trò. Việc kết thúc hoạt động của 3 Ban Chỉ đạo trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, đây cũng là một trong những mục tiêu của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, thống nhất đầu mối để hoạt động hiệu lực, hiệu quả./.
Lãnh đạo Thường trực BCĐ Tây Nam bộ vi phạm kỷ luật rất nghiêm trọng
“Sẽ xử lý nghiêm sai phạm tại Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ“
“Sai phạm ở Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ là có tổ chức“