Khai mạc Hội nghị ngành ngoại giao lần thứ 28
VOV.VN -Hội nghị tập trung tổng kết công tác đối ngoại trong những năm qua, đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới
Sáng 16/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế (Hà Nội), Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 với chủ đề “Ngoại giao chủ động, tích cực hội nhập quốc tế ". Tới dự phiên khai mạc Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và trên 700 đại biểu là cán bộ, công chức Bộ Ngoại giao và phụ trách công tác đối ngoại của các địa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu khai mạc Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Hội nghị Ngoại giao lần thứ 28 có nội dung rất quan trọng là kiểm điểm, đánh giá việc triển khai đường lối đối ngoại và chủ trương hội nhập quốc tế trong nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng XI, tiếp tục xác định các biện pháp toàn diện, hiệu quả để thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng trong các năm tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và đánh giá cao những đóng góp quan trọng của công tác đối ngoại với sự phát triển chung của đất nước, góp phần giữ vững và củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tạo thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của bạn bè quốc tế; thực sự phát huy vai trò là thành viên tích cực của các thể chế khu vực và toàn cầu. Mới đây, Việt Nam đã được bầu vào Hội đồng thống đốc Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO và lần đầu tiên được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 – 2016 với số phiếu cao, cho thấy uy tín quốc tế và lòng tin của Cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam ngày càng tăng. Cùng với đó công tác vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, công tác nghiên cứu, dự báo đã có những chuyển biến rõ rệt.
Tổng Bí thư dự Hội nghị |
Tổng Bí thư nhấn mạnh: Những thành tích và kết quả đã đạt được là sự kiểm chứng sinh động đối với đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta, luôn luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu, thể hiện sự vận dụng sáng tạo và hiệu quả các bài học của thời kỳ đổi mới và là kết quả sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc. Nhân tố có ý nghĩa quyết định là chúng ta đã nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, vì lợi ích quốc gia dân tộc. Trên cơ sở đó, Đảng ta đã bình tĩnh, sáng suốt đánh giá tình hình, phân tích một cách khoa học, biện chứng cục diện thế giới và khu vực, phát hiện những cơ hội để khai thác, nhận rõ những thách thức để hóa giải. Đồng thời, luôn chú ý vận dụng nhiều bài học quan trọng đúc kết được qua suốt chiều dày lịch sử của dân tộc, xử lý hài hòa hàng loạt những mối quan hệ một cách biện chứng. Trong những tình huống phức tạp, chúng ta đã kết hợp khá nhuần nhuyễn yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ với yêu cầu bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng và phát triển đất nước.
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 |
Phân tích bối cảnh tình hình thế giới và trong nước cùng những yêu cầu mới đặt ra trong giai đoạn đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Nhiệm vụ hàng đầu của ngành ngoại giao là phải tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm và tư tưởng chỉ đạo của Đảng, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết 28 (của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Ngành ngoại giao cần tiếp tục đóng vai trò đi đầu trong việc bảo đảm môi trường hòa bình thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và các nhiệm vụ chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Trong thời chiến, người lính phải đi đầu trong chiến tranh bảo vệ đất nước. Trong thời bình, cán bộ ngoại giao phải đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc và thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước. Chúng ta phải nắm vững và vận dụng nhuần nhuyễn bài học của cha ông “Dựng nước đi đôi với giữ nước”, “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, làm sao cho kinh tế phải vững, quốc phòng phải mạnh, lòng dân phải yên, chính trị - xã hội ổn định, cả dân tộc là một khối đoàn kết thống nhất.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: trong công tác đối ngoại kiên trì đường lối đổi mới, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, đưa các mối quan hệ láng giềng thân thiện, hữu nghị, quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào chiều sâu thực chất, tạo dựng sự gắn bó hữu cơ về lợi ích an ninh và phát triển giữa nước ta với các nước đối tác. Đồng thời xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp, đưa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế vào cuộc sống; tích cực và chủ động tham gia các cơ chế đa phương khu vực và quốc tế nhằm xác định vị trí tối ưu cho đất nước trong cục diện mới. Trong quá trình hội nhập, sức mạnh tự thân của đất nước vẫn là quyết định, nội lực vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Cùng với đó, kiên trì xử lý đúng đắn vấn đề biên giới, lãnh thổ, từng bước giải quyết một cách hòa bình các vấn đề tồn tại, nhận thức khác nhau trên biển Đông, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng Tuyên bố giữa ASEAN và Trung Quốc về cách ứng xử trên biển Đông (DOC) và nỗ lực cùng các nước ASEAN và Trung Quốc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC).
Tổng Bí thư cũng yêu cầu cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, góp phần nâng cao vai trò, uy tín và hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế; tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành ngoại giao cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu cơ bản và dự báo chiến lược, kịp thời nắm bắt đúng xu thế phát triển của tình hình, góp phần tạo thế chủ động cho đất nước. Trong hoạt động đối ngoại, cần kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại. Mọi hoạt động đối ngoại đều phải được xem xét trên quan điểm tổng thể, lấy lợi ích cơ bản và lâu dài của quốc gia, dân tộc làm nền tảng; cần tính đến sự tác động qua lại lẫn nhau giữa chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giữa lợi ích quốc gia và đoàn kết quốc tế; giữa đối ngoại của Đảng, Nhà nước và ngoại giao nhân dân, giữa Trung ương và địa phương.
Tổng Bí thư đề nghị Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao, các cấp ủy Đảng trong ngành phải hết sức chú trọng công tác xây dựng đội ngũ, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đặc biệt phải chăm lo kiện toàn bộ máy tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại vì cán bộ đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước chụp ảnh chung với Lãnh đạo và cán bộ Bộ Ngoại giao qua các thời kỳ |
Tổng Bí thư nhấn mạnh “Đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoài, trước hết là cán bộ ngoại giao là một đội ngũ đặc biệt: đặc biệt tin cậy về phẩm chất, đặc biệt nhạy bén về thời thế, đặc biệt linh hoạt, khôn khéo trong đàm phán và tinh tế trong ứng xử.”. Vì vậy, Tổng Bí thư yêu cầu: cán bộ đối ngoại cần rèn luyện phong cách: suy nghĩ kỹ càng, hành động quyền biến, kỹ năng thành thạo; về năng lực phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ giỏi. Đặc biệt, cán bộ ngoại giao phải luôn rèn luyện bản lĩnh chính trị và tư tưởng vững vàng, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, biết tự bảo vệ mình và bảo vệ tổ chức đảng. Từng cán bộ ngoại giao phải biết làm rạng danh hình ảnh con người và đất nước Việt Nam.
Tại phiên khai mạc, hội nghị ngoại giao lần thứ 28 đã nghe Lãnh đạo Bộ Công an, Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Quốc Phòng, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tham luận, nêu bật những thành tựu mà ngành ngoại giao đạt được từ Hội nghị Ngoại giao 27 đến nay, đánh giá cao công tác phối hợp giữa ngoại giao với các ngành trên mặt trận đối ngoại; nêu phương hướng, biện pháp thúc đẩy công tác đối ngoại trên tất cả các trụ cột, cũng như tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn giữa các lực lượng làm công tác đối ngoại trong thời gian tới.
Hội nghị ngoại giao lần thứ 28 diễn ra từ hôm nay (16/12) đến ngày 20/12./.