Khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk
VOV.VN - Sáng nay (5/12), HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc Kỳ họp thứ 9, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và quyết định các vấn đề quan trọng khác của tỉnh.
Thông tin tại kỳ họp, năm 2024, Đắk Lắk có 12/16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế ổn định, lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm, quốc phòng, an ninh được đảm bảo, hoạt động đối ngoại tiếp tục được đẩy mạnh.
Nổi bật là các hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; tổ chức thi đua đợt cao điểm “Đắk Lắk cùng cả nước 500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc”; triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, hoàn thành, bàn giao 1.500 căn nhà hỗ trợ cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đắk Lắk vẫn còn một số tồn tại như: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) và việc huy động vốn đầu tư toàn xã hội chưa đạt kế hoạch. Số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động tăng so với cùng kỳ (có 222 doanh nghiệp giải thể và 1.250 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 53% so với cùng kỳ). Một số công trình, dự án trọng điểm chậm triển khai. Thu tiền sử dụng đất cấp tỉnh đạt thấp (đạt 26% kế hoạch).
Công tác triển khai nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chung xây dưng đô thị, quy hoạch phân khu thành phố Buôn Ma Thuột còn chậm. Thu hút đầu tư chưa mang lại kết quả tích cực. Tình trạng tranh chấp, khiếu kiện vẫn còn diễn biến phức tạp...
Phát biểu tại kỳ họp, ông Nguyễn Đình Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk, yêu cầu phát huy trí tuệ, đề cao trách nhiệm của từng đại biểu trước cử tri để thảo luận kỹ lưỡng, làm rõ hơn, sâu sắc và toàn diện hơn nữa tình hình, kết quả đã đạt được và những hạn chế trong quá trình thực hiện các nghị quyết.
Từ đó quyết nghị các nghị quyết sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao để khi ban hành phải bảo đảm thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công khai, minh bạch, phòng ngừa tham nhũng, có cơ sở pháp lý, chính trị đầy đủ và chặt chẽ; đảm bảo giải quyết được các nhu cầu nguồn lực, động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.