Khai mạc phiên họp thứ 12 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

(VOV) -Nhiều dự án luật sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận

Cuối giờ chiều nay (5/10), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 12. Đây là phiên họp có nhiều nội dung quan trọng để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 4 của Quốc hội sẽ diễn ra vào cuối tháng 10.

 
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp (Ảnh TTXVN)

 Tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào tờ trình Quốc hội về Nghị quyết quy trình, thủ tục, cách thức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn; đồng thời cho ý kiến về việc chuẩn bị trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi).

Bên cạnh đó, nhiều dự án luật sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận như dự thảo Luật việc làm, Luật đầu tư công, Luật Thủ đô, Luật hợp tác xã (sửa đổi)… Cũng tại phiên họp này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến vào các báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm nay và phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch năm tới cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Sau phiên khai mạc, cho ý kiến về dự án Luật việc làm, vấn đề được được thảo luận nhiều và còn có ý kiến khác nhau là quy định thay thế chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện hành bằng chính sách bảo hiểm việc làm. Đa số ý kiến nhận định: Được thực hiện từ năm 2009 đến nay, chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã bộc lộ một số hạn chế như đối tượng tham gia còn thấp, chưa đáp ứng mục tiêu hỗ trợ đối với nhóm lao động yếu thế; việc thực hiện chi trả cho người lao động chủ yếu là chi trợ cấp thất nghiệp, chi cho việc hỗ trợ học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, hiệu quả hạn chế.

Các đại biểu nêu ý kiến chính sách bảo hiểm việc làm cần mở rộng hỗ trợ không chỉ đối với người lao động đã bị thất nghiệp mà còn đối với người lao động đang làm việc và các doanh nghiệp. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng: «Chính sách bảo hiểm việc làm có thể nói là ưu việt. Mà thực ra chúng ta hiện nay đang bảo hiểm việc làm chứ chưa phải là bảo hiểm thất nghiệp. Lần này Luật đưa ra cái mới, giúp cho người lao động đang có việc làm ở các doanh nghiệp duy trì được việc làm, tránh những rủi ro và tiến tới có việc làm bền vững. Đó mới là mục tiêu quan trọng. Và Luật này đang thiết kế theo hướng này và đang tiếp cận với xu hướng của các nước”.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, cần cân nhắc đổi tên bảo hiểm thất nghiệp thành bảo hiểm việc làm. Hiện nay, tính chất của bảo hiểm việc làm vẫn chủ yếu là giải quyết chính sách thất nghiệp. Ông Phan Trung Lý nói: «Ở đây tôi đọc thấy cơ bản chẳng khác gì chế độ bảo hiểm thất nghiệp cả. Kỳ họp trước Quốc hội vừa thông qua bảo hiểm thất nghiệp, kỳ họp này lại thông qua là bảo hiểm việc làm. Người ta cảm thấy chính sách như thế không chín chắn và rất rối. Bây giờ bảo hiểm thất nghiệp cho 1 số đối tượng hạn chế như vậy còn sợ không đủ ngân sách mà giờ lại mở rộng ra cả đối tượng là những người làm hợp đồng 3 tháng đến 12 tháng thì như thế nào?”.

Cũng liên quan đến quy định này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, do chưa có điều kiện tổng kết và đánh giá 3 năm thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, trước mắt tổ chức bảo hiểm thất nghiệp nên giữ như quy định của Luật bảo hiểm xã hội hiện hành và sửa đổi, bổ sung theo hướng xã hội hoá, tạo cơ hội để người lao động được tiếp cận với dịch vụ này một cách thuận lợi hơn./.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên