Khát vọng trở về của những người Việt ra đi sau 30-4-1975
VOV.VN - Đại sứ Nguyễn Phú Bình: "Tôi nghĩ là sau 40 năm, đất nước đã liền một dải, những vấn đề khác biệt chính trị ngày càng bớt đi".
Ngày 30/4/1975 đã trở thành một ngày trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam - ngày mà hòa bình được lập lại, non sông thu về một mối, ngày hòa hợp dân tộc, từng gia đình và cả dân tộc sum họp dưới một mái nhà. Thế nhưng, chính ngày sum họp ấy cũng là ngày ra đi của không ít người Việt Nam, nhất là những người đã từng phục vụ cho chế độ cũ.
40 năm đã trôi qua, phần lớn người Việt Nam rời xa quê hương ở thời điểm lịch sử đó giờ đã có một cuộc sống ổn định. Với tình cảm hướng về nguồn cội, họ mong muốn được đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển chung của đất nước, như một phần không thể tách rời của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Phóng viên VOV phỏng vấn Đại sứ Nguyễn Phú Bình, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài về vấn đề này.
(Nghe nội dung cuộc phỏng vấn)
PV: Thưa ông, sau sự kiện lịch sử ngày 30/4/1975, đã có một số lượng lớn người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Vậy, ông đánh giá như thế nào về sự phát triển của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ra đi sau năm 1975 này?
Ông Nguyễn Phú Bình: Ngay trước khi kết thúc cuộc chiến tranh, việc chúng ta giành chiến thắng khiến những người phục vụ chế độ cũ rất lo ngại. Phương Tây cũng tung ra luận điệu sẽ có tắm máu, cho nên số người bỏ đi do lo sợ, đấy là một đợt khá đông.
Nhưng từ khi chúng ta đổi mới, hội nhập quốc tế, làm bạn với tất cả nước theo đường lối đối ngoại của Việt Nam nên dù theo xu hướng nào, bà con đã cảm thấy khác trước rất nhiều. Trước đây là sự khác biệt về ý thức hệ, nhưng giờ đây sự khác biệt ngày càng giảm bớt.
PV: Dù các xu hướng phát triển của bà con ở nước ngoài có thể khác nhau, nhưng hướng về nguồn cội có lẽ là tình cảm rất tự nhiên của con người. Ông nghĩ sao về về điều này sau 40 năm từ sự kiện ngày 30/4/1975?
Ông Nguyễn Phú Bình: Có thể nói, những ngày đầu ra đi, những người từng phục vụ cho chế độ cũ, họ gắn với chế độ cũ thì vẫn còn có những khác biệt, thậm chí là chống đối. Nhưng dần dần, họ ổn định đời sống, chú trọng lập nghiệp và xây dựng cuộc sống mới.
Khi yên ổn rồi, trong lòng bất cứ ai cũng đều nghĩ đến gốc gác của mình. Cộng với việc đất nước cũng có nhiều thay đổi. Trong khoảng 10 năm đầu, đất nước rất khó khăn, nhiều bà con ra đi cũng nghĩ có khi không bao giờ quay lại nữa. Nhưng những thay đổi trong nước, kinh tế phát triển, đời sống đi lên, ổn định, nhất là quan hệ của Việt Nam với các nước mà bà con định cư cũng phát triển nên dần dần việc trở về như là một nhu cầu.
Theo số liệu thống kê, nếu năm 1986, bắt đầu đổi mới, một năm có 8.000 người Việt Nam ở nước ngoài về thăm đất nước, nhưng giờ con số đó là 600.000-700.000 người, cho thấy sự gắn bó của họ với đất nước.
PV: Với tình cảm ấy, hiện nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang có những đóng góp như thế nào vào sự phát triển chung của đất nước?
Ông Nguyễn Phú Bình: Chúng ta nhớ lại, trước đây, bà con ra ngoài thường một tháng gửi về một vài trăm USD để giúp đỡ. Nhưng dần dần, quan hệ gần gũi hơn, người ta thấy cơ hội làm ăn trong nước tốt, người ta gửi tiền thông qua gia đình để làm ăn.
Theo thống kê, con số chính thức mà bà con đầu tư về Việt Nam là khoảng 8-9 tỷ USD, cộng với những con số không chính danh sẽ vào khoảng 10-15 tỷ USD trở lên. Tôi nghĩ rằng, trong lúc đất nước cần thu hút nhà đầu tư nước ngoài vào, thì con số này tuy chưa lớn nhưng cũng đã tạo ra sự sôi động cho sự phát triển trong nước, tạo công ăn việc làm, nhất là ở những nơi là quê hương của bà con.
Về kiều hối, năm ngoái chúng ta có con số là 12 tỷ USD. 12 tỷ cũng là nguồn ngoại tệ khá quan trọng để cân đối nhu cầu trong nước. Hơn nữa, bà con về không chỉ đầu tư mà còn mang theo công nghệ. Chưa kể bà con trở về còn là đầu mối thu hút những người khác. Những cái đó chúng ta không thể đo đếm được là bao nhiêu tiền, nhưng mà rất là quý.
PV: Với tư cách là Chủ tịch Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, ông còn băn khoăn điều gì để phát huy hơn nữa nguồn lực của kiều bào ở nước ngoài vào sự nghiệp phát triển đất nước?
Ông Nguyễn Phú Bình: Tôi nghĩ là sau 40 năm, đất nước đã liền một dải, những vấn đề khác biệt chính trị ngày càng bớt đi. Những thế hệ mới, con em của họ cũng nhìn vấn đề này khác đi rất nhiều. Bà con ta dù đã trở thành công dân của nước khác, nhưng gốc gác vẫn còn đấy, nên xu hướng về nước khá là chắc chắn.
Nhưng về phía ta cần làm gì nữa để thúc đẩy việc này? Theo tôi, chúng ta phải làm công tác vận động tốt hơn. Trước đây, chúng ta đã có nhiều cử chỉ như mời các nhân vật cao cấp trong chính quyền cũ như ông Nguyễn Cao Kỳ, Đỗ Mậu... thì hoàn toàn bình thường. Có chăng là những rào cản về thủ tục, có những rắc rối, chưa rõ ràng. Đó là cái chung của đất nước mà chúng ta phải sửa.
Ngoài ra, có một mảng nữa là các nhà khoa học ở Việt Nam ở nước ngoài rất nhiều, khoảng 400.000 người. Nhưng chúng ta chưa có cơ chế, chính sách để thu hút họ về nước, thì đó là cái tôi cho là chúng ta chưa làm được.
PV: Xin cảm ơn ông./.