Khi sự “xấu hổ” trở nên xa xỉ
VOV.VN -Chỉ khi còn biết xấu hổ, người ta mới biết dừng lại trước những cám dỗ vật chất và giữ lại cho mình danh dự, bởi danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất…
1. Ngày tôi thi đỗ vào một cơ quan Nhà nước, cha tôi mừng lắm. Tôi còn nhớ như in ngày đầu tiên tôi đi làm, cha dặn: “Cha chỉ mong con cố gắng phấn đấu thật tốt để được đứng trong hàng ngũ của Đảng”.
Khi tôi được kết nạp Đảng, tôi nhìn thấy mắt cha tôi rưng rưng. Tôi biết ông tự hào vì trong gia đình lại có thêm một đảng viên. “Giờ con đã là Đảng viên, lại càng phải cố gắng hơn nữa. Đảng viên là phải sống gương mẫu, xung phong làm việc khó, không ngại khổ. Dù ở đâu, làm gì con cũng luôn nhớ mình là Đảng viên”.
Giờ đây, cha tôi về hưu đã lâu, nhưng nhà tôi thỉnh thoảng lại có các đồng nghiệp cũ của cha đến chơi. Mỗi lần như vậy, cha tôi vui lắm, mọi người cười nói rôm rả như lâu ngày mới được gặp người thân. Trong câu chuyện của họ, tôi mới hiểu rằng, ngày còn đi làm, ông bị nhiều người “thù oán” vì đã “chặn” đường làm ăn của họ.
Những năm 70-80, khi ngành hàng không và các ngành vận tải khác chưa phát triển thì đường sắt gần như độc quyền. Thời ấy, cha tôi làm Trưởng tàu và ông là người có “quyền sinh, quyền sát” trên mỗi chuyến tàu.
Ngày ấy ai cũng khó khăn, nên các nhân viên của ông muốn buôn bán thêm ít hàng để bán kiếm lời, nhưng mọi việc trở nên bế tắc khi gặp phải cha tôi. Nhiều người đã “hối lộ” cha tôi bằng tiền, bằng hàng hoá… nhưng đều bị ông kiên quyết từ chối. Mặc dù thời đó gia đình tôi sống cực kỳ khó khăn, mẹ và anh em tôi ngoài giờ làm, giờ học phải nhận thêm đủ thứ việc từ đan len, làm hoa, bóc lạc… mới đủ để trang trải cuộc sống ở mức tối thiểu.
Đã có rất nhiều điều tiếng ì sèo sau lưng cha tôi, rằng ông “hâm”, ông “dại”… vì không biết tận dụng vị trí của mình để có cuộc sống sung sướng, hoặc ít nhất là để vợ con đỡ khổ. Nhưng với cha tôi, lúc nào cũng một mực, “đã là Đảng viên thì phải gương mẫu. Đảng viên đi trước, làng nước đi sau. Mình là Trưởng tàu, không gương mẫu thì làm sao nói được ai, mà người ngoài nhìn vào, còn mặt mũi nào”.
Dù cuộc sống có lúc đã rất khó khăn, vất vả nhưng tôi chưa bao giờ thấy mẹ phàn nàn điều gì, mà trái lại, bà còn rất tự hào về cha tôi. Anh em tôi cũng vậy, luôn kính trọng và cố gắng làm theo những điều ông dạy, vì chúng tôi biết, đó là tâm huyết của ông và bấy lâu nay, ông vẫn sống theo chân lý không bao giờ thay đổi đó.
2. Trong thời gian ngắn vừa qua, khi cuộc chiến chống tham nhũng đi vào hồi quyết liệt, đã có rất nhiều cán bộ lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương bị xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố trước pháp luật. Tính đến nay đã có 59 cán bộ thuộc Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật trong đó có 13 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương và có 1 Ủy viên Bộ Chính trị.
Trong ảnh (từ trái qua): Các ông Bùi Văn Thành, Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hoá, Trần Việt Tân vừa bị khởi tố và hầu Toà |
Việc khởi tố bị can đối với hai ông Trần Việt Tân và Bùi Văn Thành liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” do Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm thực hiện.
Còn trong tháng 11 vừa qua, 2 cựu tướng Công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hoá đã phải hầu Toà và chịu mức án vì “chống lưng” cho đường dây đánh bạc nghìn tỷ. Và họ đã phải nhận kết cục mà theo họ “là mất tất cả”. Ông Phan Văn Vĩnh bị Toà tuyên 9 năm tù, tính từ thời gian bắt tạm giam, bổ sung nộp phạt 100 triệu đồng vì tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ”. Còn ông Nguyễn Thanh Hóa bị Toà tuyên 10 năm tù, tính từ thời gian bắt tạm giam, bổ sung nộp phạt 100 triệu đồng.
Nhiều người khi trước đứng trước vành móng ngựa mới thấm thía được hết những sai phạm của mình. Có những người chỉ mong ước được ăn với người thân một bữa cơm, được về chịu tang mẹ, được chăm sóc vợ con… nhưng điều đó đã trở nên xa xỉ.
Cựu tướng Phan Văn Vĩnh đã phải ân hận day dứt và tự trừng phạt mình vì không chỉ mất tất cả, ông còn làm đau lòng người mẹ thân sinh của ông. Và một nỗi ân hận nữa của ông Vĩnh mà có lẽ những người làm cha như ông sẽ luôn bị dằn vặt đến cuối cuộc đời là người con trai duy nhất đang còn trên ghế nhà trường, vì việc của ông mà bị trầm cảm. Còn với ông Nguyễn Thanh Hóa, trước Tòa cũng day dứt, ân hận vì ngày mẹ ông mất, ông đang bị tạm giam. Ông Hoá chỉ mong có cơ hội cuối cùng để sớm về báo hiếu, chịu tang mẹ và sống những năm tháng còn lại cùng gia đình.
3. Hai câu chuyện trên cho thấy, khi con người ta nắm trong tay quyền lực, dù lớn hay bé, nếu không biết tự tu dưỡng, tự rèn luyện thì rất dễ sa ngã trước những cám dỗ vật chất. Nhất là với những người đứng đầu, “quyền sinh, quyền sát” trong tay, họ có thể dễ dàng làm được nhiều điều mình muốn.
Quyền lực và đồng tiền luôn có sức mạnh ghê ghớm. Cũng vì thế mà nó đã khiến những tướng lĩnh đã từng vào sinh ra tử trong chiến tranh, từng được tôi luyện trong một môi trường được coi là cực kỳ nghiêm ngặt, hoặc những cán bộ, Đảng viên đã từng là Uỷ viên Trung ương, Uỷ viên Bộ Chính trị, đã kinh qua rất nhiều vị trí công tác, được thấm nhuần ở mức cao nhất Điều lệ Đảng lại dễ dàng sa ngã đến như vậy.
Càng nghĩ, tôi lại càng thấm thía câu nói cha “là Trưởng tàu, không gương mẫu thì làm sao nói được ai, mà người ngoài nhìn vào, còn mặt mũi nào”. Với cha tôi, suy nghĩ đơn giản là vậy nhưng lại là phương châm sống của ông. Đó là sống sao cho không phải hổ thẹn với bản thân, với mọi người, và quan trọng là những người thân của ông không phải hổ thẹn. Điều này đã giúp cha luôn sống một cách thanh thản.
Không chỉ riêng cha tôi, mà rất nhiều cán bộ, đảng viên ở thế hệ ông, luôn đặt sự “hổ thẹn” lên trên hết khi làm bất cứ việc gì.
Còn bây giờ, khi điều kiện sống và làm việc của tất cả mọi người đã khá lên rất nhiều, thì dường như sự “hổ thẹn” cũng đang ít dần. Vì sự hiếm dần ấy, nên người ta dễ dàng sa ngã, dễ dàng ăn cắp của công từ những cái nhỏ mà người ta hay gọi là thói “tham nhũng vặt”, đến những cái lớn như tham ô cả trăm tỷ, ngàn tỷ, hoặc “bảo kê”, “chống lưng” cho nhóm lợi ích tham nhũng cũng nhằm hưởng lợi trong đó. Không biết xấu hổ nên người ta phô trương nhà cửa, sài xe sang, thậm chí gắn biển xanh giả rồi "chạy thành tích", "chạy khen thưởng", "chạy danh hiệu"…
Trong một Hội nghị toàn quốc về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhớ xây dựng ý thức tự giác phê phán, lên án, đấu tranh với tham nhũng, lãng phí, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Chưa bao giờ, câu chuyện đạo đức trong cán bộ, Đảng viên lại được nhắc đến nhiều như bây giờ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII cũng đã “chỉ mặt, đặt tên” 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng đạo đức của cán bộ, trong đó nhấn mạnh biểu hiện háo danh, phô trương, che dấu khuyết điểm, thổi phồng thành tích, "đánh bóng" tên tuổi. Mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng đã ban hành Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên…
Trong tình hình hiện nay, những quy định này thực sự cần thiết. Nó sẽ song hành với cuộc chiến chống tham nhũng, xử lý cán bộ sai phạm đang vào hồi quyết liệt, cảnh tỉnh tất cả các cán bộ, đảng viên như lời Tổng Bí thư đã từng nói: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất. Cao hơn tất cả, vật chất không là gì. Cái còn mãi với thời gian là danh dự, trọng liêm, trọng chính, trọng đức”.
Quả vậy, chỉ khi còn biết xấu hổ, người ta mới biết dừng lại trước những cám dỗ vật chất và giữ lại cho mình danh dự. Bởi, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất./.
13 ngày xét xử vụ đánh bạc nghìn tỷ: Mất danh dự là mất tất cả!
Năm 2018: Hàng loạt tướng Công an, Quân đội bị kỷ luật và hầu Toà
Khởi tố 2 cựu Thứ trưởng Công an: Quyết tâm làm trong sạch cán bộ ngành Công an