Khiếu nại, tố cáo không giảm do khoảng trống pháp lý?
VOV.VN - Nếu thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ phát hiện ra những khoảng trống về mặt pháp lý.
Theo báo cáo của Chính phủ, từ đầu năm 2019 đến nay xảy ra một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn nhưng việc xem xét và giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất lại chưa thấu đáo và kịp thời nên tiếp tục diễn ra rất gay gắt.
Về vấn đề này, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ ra nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm từ cấp ủy đến chính quyền, các cơ quan tiếp công dân và ý thức pháp luật của người dân.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội |
PV: Thưa ông, sự phức tạp của tình hình khiếu nại, tố cáo thời gian qua kéo theo rất nhiều hệ lụy thậm chí có thể xảy ra các điểm nóng và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này, mặc dù công tác giải quyết khiếu nại tố cáo được ghi nhận là không ngừng được tăng cường và đẩy mạnh?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nguyên nhân đầu tiên là do quá trình tổ chức, thực hiện những quy định pháp luật của chúng ta trong lĩnh vực này rõ ràng chưa có hiệu quả. Nếu kết quả tốt thì người dân đã không mất công sức, tiền của, thậm chí có những người không tiếc đến những rủi ro về mặt gia đình, cũng như của bản thân để tiếp khiếu, tiếp tố. Việc giải quyết của nhiều địa phương, bộ ngành cũng như các cơ cơ quan không thấu tình đạt lý. Thậm chí là thái độ trọng dân, hiểu dân còn thấp. Thực tế vẫn còn tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật, xâm phạm một cách nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của người dân. Vì vậy, người dân không thể không khiếu nại, tố cáo.
Bên cạnh đó, mức độ quan tâm, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa cao. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp, các Đoàn đại biểu Quốc hội và kể cả đại biểu Quốc hội còn thiếu hiệu quả. Ví dụ như những điểm nóng về Thủ Thiêm, Đồng Tâm thì thấy rằng vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân ở khu vực còn rất mờ nhạt.
Ngoài ra vẫn còn tình trạng là một bộ phận người dân có ý thức pháp luật chưa cao, một số bị lợi dụng, số khác thì cố tình lợi dụng chính sách pháp luật của Nhà nước để làm phức tạp thêm tình hình. Tuy nhiên, người dân không có ý thức thì lỗi một phần thuộc về Nhà nước vì giáo dục phổ biến pháp luật cho người dân không đến nơi đến chốn.
PV: Như vậy, có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng phức tạp của tình hình khiếu nại, tố cáo như nhận định trong báo cáo của Chính phủ trước Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nguyên nhân chủ yếu là chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Theo ông, trách nhiệm của người đứng đầu trước thực trạng này như thế nào?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Người đứng đầu cần phải gương mẫu, đàng hoàng, tính đảng cao; chấp hành pháp luật, chỉ đạo đến nơi đến chốn, kỷ luật nghiêm đối với cán bộ của mình; quan tâm đến công tác tiếp dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo; dân chủ, coi trọng hòa giải cơ sở; luôn luôn thực hiện đối thoại, thậm chí sẵn sàng đến tận nơi để đối thoại với dân. Nếu người đứng đầu chưa làm tròn nhiệm vụ của họ thì phải chịu trách nhiệm toàn bộ cả về công việc và kỷ luật, kỷ luật Đảng và kỷ luật Nhà nước.
PV: Ông có ý kiến như nào về việc chúng ta vẫn còn có những khoảng trống về mặt pháp lý khiến cho những cuộc khiếu nại, tố cáo của người dân bị kéo dài và rất khó giải quyết?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Nếu thực hiện tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì sẽ phát hiện ra những khoảng trống về mặt pháp lý. Khi đó, người thực hiện công tác tiếp dân có thể có những biện pháp để lấp đầy khoảng trống pháp lý, nếu không thì có thể đề nghị lên cấp có thẩm quyền để đưa ra chính sách thay đổi, thay vì lợi dụng chính khoảng trống đó để trục lợi. Sự thiếu hụt trong quy định về nội dung và thủ tục dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Do đó, cần phải làm cho người ta hiểu biết đúng đắn, đầy đủ về các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cả lãnh đạo và người dân.
PV: Trước thực tế đó, vấn đề đặt ra là chúng ta cần làm gì để giảm và không còn những vụ việc phức tạp thưa ông?
Ông Lưu Bình Nhưỡng: Theo tôi phải có 9 vấn đề. Một là bản thân người lãnh đạo phải nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thứ hai là phải quan tâm tới công tác cán bộ giải quyết khiếu nại, tố cáo; phải bố trí cán bộ có đủ năng lực. Thứ ba là tổ chức nghĩa vụ tiếp dân, tăng cường đối thoại, hòa giải ở cơ sở. Thứ tư là phải nghiêm chỉnh về xử lý các vi phạm trong công tác này. Thứ năm là phải quan tâm, xử lý các điểm nóng, tránh để hậu quả xảy ra rồi mới xử lý. Thứ sáu là phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân. Thứ bảy là tăng cường giám sát, kể cả giám sát do các cơ quan dân cử, của báo chí, công luận. Thứ tám là rà soát, sửa đổi, bổ sung tất cả các quy định có liên quan đến quy hoạch đất đai, giải quyết khiếu nại, tố cáo, giám sát và xử lý vi phạm. Thứ chín là tăng cường phối hợp ứng dụng công nghệ thông tin, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan trong quá trình quản lý Nhà nước cũng như công tác tiếp dân giải quyết khiếu nại, tố cáo.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông./.
Giải quyết khiếu nại, tố cáo: Sao phải đợi Chính phủ can thiệp?