"Không có hiện tượng vận động bầu cử không đúng quy định"
VOV.VN - Qua thực tiễn kiểm tra của 8 đoàn do Ban Thường vụ MTTQ Việt Nam chủ trì, ông Ngô Sách Thực khẳng định: Không có hiện tượng vận động bầu cử không đúng quy định.
Cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị quan trọng nhất của năm 2021. Ngày 23/5, hàng chục triệu cử tri cả nước sẽ thực hiện quyền chính trị cơ bản và thiêng liêng nhất của công dân: Trực tiếp bỏ phiếu bầu chọn đại biểu tiêu biểu nhất tham gia Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Đến thời điểm này, các địa phương đều đã sẵn sàng các phương án tổ chức bỏ phiếu trong bối cảnh phòng, chống dịch bệnh. Mục tiêu là tất cả các cử tri đều được tham gia “Ngày hội non sông”, thực hiện quyền bầu cử và đảm bảo an toàn.
Đây là khẳng định của ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khi trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN.
PV: Qua công tác kiểm tra, giám sát, ông đánh giá thế nào về công tác chuẩn bị bầu cử của các địa phương?
Ông Ngô Sách Thực: Cho đến thời điểm hiện nay, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang bước vào giai đoạn nước rút quan trọng. Về cơ bản, các địa phương đã hoàn thiện tất cả các bước hiệp thương, giới thiệu, lấy phiếu tín nhiệm cử tri nơi cư trú, nơi công tác đối với người ứng cử ĐBQH, HĐND các cấp, hoàn thành việc thẩm tra, xác minh lịch sử chính trị và kết luận tiêu chuẩn chính trị của người ứng cử.
Danh sách người ứng cử đã được niêm yết theo quy định, các địa phương đã và đang tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử.
Qua kiểm tra, giám sát chúng tôi thấy các địa phương đã hoàn tất công tác chuẩn bị với tư thế sẵn sàng cho ngày bầu cử.
PV: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tập, công tác chuẩn bị bầu cử có gì khác biệt so với những nhiệm kỳ trước? Khó khăn lớn nhất mà các địa phương gặp phải là gì?
Ông Ngô Sách Thực: Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, nên ngoài những công việc chuẩn bị cho ngày bầu cử như các nhiệm kỳ trước, nhiệm kỳ này các địa phương có thêm nhiều nhiệm vụ mới.
Hiện nay các địa phương đã xây dựng nhiều phương án, kế hoạch và kịch bản, cũng như chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật và con người để tổ chức bầu cử trong điều kiện phát sinh dịch bệnh theo đúng tinh thần hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ban Thường vụ Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Nhiều địa phương đã giả định các tình huống thiên tai, bão lụt, bùng phát dịch để tổ chức diễn tập tổ chức bầu cử trong tình huống giãn cách xã hội, cách ly xã hội, trong các khu cách ly, khu chữa bệnh với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xảy ra.
Từ quan sát, giám sát và kiểm tra thực tiễn, chúng tôi nhận thấy một trong những khó khăn lớn nhất đối với các địa phương là vấn đề thiếu hụt nhân lực. Theo quy định của luật pháp về bầu cử, số lượng thành viên trong Tổ bầu cử đã được ấn định, trong khi nhiệm vụ phát sinh thì quá nhiều.
Lực lượng này vừa phải thực hiện các nhiệm vụ về bầu cử vừa phải xử lý phát sinh trong quá trình chống dịch.
Biến động danh sách cử tri do công tác phòng, chống dịch cũng là một vấn đề mới. Trước khi bùng dịch, nhiều cử tri đi làm ăn xa dự định về nơi cử trú bỏ phiếu. Nay, do yêu cầu phòng, chống dịch mới, các cử tri này phải tập trung tại chỗ, không thể di chuyển. Do đó, Tổ bầu cử phải lập danh sách về khu vực bỏ phiếu mới.
Không có hiện tượng vận động bầu cử không đúng quy định
PV: Việc tổ chức tiếp xúc giữa ứng cử viên và cử tri diễn ra thế nào? Có đảm bảo sự công bằng cho các ứng viên. Để cử tri có thể nắm bắt được nhiều thông tin nhất về các ứng cử viên, có cách làm nào sáng tạo không?
Ông Ngô Sách Thực: Hiện nay các địa phương đã và đang tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử. Việc tiếp xúc vận động bầu cử của các ứng cử viên nhiền chung diên ra theo đúng quy định của pháp luật, mọi người ứng cử đều được đảm bảo quyền vận động bầu cử của mình một cách công bằng, bình đẳng.
Do cuộc vận động bầu cử diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19, thực hiện hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nhiều địa phương đã có những cách làm sáng tạo, hiệu quả; ứng dụng CNTT, không gian mạng, các cơ quan thông tin đại chúng nhiều địa phương đã thay đổi hình thức vận động bầu cử như vận động trực tuyến, vận động thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tiểu sử và chương trình hành động của người ứng cử được thông tin rộng rãi trên các phương tiện báo, đài phát thanh, truyền hình…, qua đó cử tri kịp thời nắm bắt được nhiều thông tin về người ứng cử.
PV: Qua thực tế kiểm tra, giám sát, MTTQ các cấp thấy nổi lên vấn đề gì cần lưu ý trong cuộc bầu cử lần này. Có hiện tượng “vận động cử tri” không đúng quy định hay không?
Ông Ngô Sách Thực: Trong kỳ bầu cử lần này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức 8 đoàn kiểm ra, giám sát công tác bầu cử tại 21 tỉnh thành trên cả nước, đồng thời tham gia kiểm tra, giám sát cùng với các đoàn của Hội đồng Bầu cử Quốc gia; thông qua báo cáo kết quả công tác kiểm tra, giám sát của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các địa phương, có một số vấn đề nổi lên và cần lưu ý trong cuộc bầu cử lần này là việc tổ chức bầu cử diễn ra trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Trước yêu cầu vừa phải tổ chức bầu cử đúng các quy định pháp luật, vừa phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế, các địa phương nhất thiết phải xây dựng, triển khai các phương án, kế hoạch, kịch bản tổ chức bầu cử trong điều kiện bùng phát dịch bệnh.
Về công tác tổ chức vận động bầu cử, các địa phương đã và đang tổ chức bằng các hình thức phù hợp tình hình tại địa phương mình nhưng vẫn đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về bầu cử và các quy định pháp luật liên quan, không có hiện tượng vận động bầu cử không đúng quy định.
Ứng cử viên là nữ giới chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay
PV: Cuộc bầu cử lần này cũng như các lần trước, ông thấy việc đại diện của các giai tầng xã hội trong cơ quan quyền lực cao nhất ra sao?
Ông Ngô Sách Thực: Cũng như các kỳ bầu cử trước, kỳ bầu cử lần này, ngay từ khâu hiệp thương thống nhất cơ cấu, thành phần, số lượng đến khâu thực hiện các quy trình giới thiệu, hiệp thương lập danh sách sơ bộ, chính thức những người ứng cử luôn đảm bảo tính đại diện của các giai tầng xã hội trong cơ quan quyền lực cao nhất đó là Quốc hội.
Theo kết quả sau hiệp thương lần thứ 3 giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội có đầy đủ đại diện các thành phần trong xã hội như công, nông, binh, trí thức, nhà khoa học, đại diện các dân tộc, tôn giáo, người ngoài đảng… với tỷ lệ tương đối cao: 21,49% người ứng cử là người dân tộc thiểu số; 8,85% người ứng cử là người ngoài Đảng; 25,05% người ứng cử là người trẻ tuổi (dưới 40 tuổi); 1,00% người tự ứng cử; 17,48% người ứng cử thuộc khối Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên các cấp. Đặc biệt số người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV là phụ nữ chiếm tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay với tỷ lệ 45,28% (khóa XIV là 39,16%, khóa XIII là 31,49%).
PV: Để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra thành công, đúng luật định, theo ông, cử tri có vai trò quan trọng ra sao?
Ông Ngô Sách Thực: Nhân dân là người làm chủ đất nước; nhân dân, cử tri có vai trò quyết định thành công của cuộc bầu cử. Đi bầu và bầu ai, cử tri cũng là người quyết định. Đây cũng là quyền và nghĩa vụ công dân.
Có thể nói, cử tri là chủ thể trung tâm của cuộc bầu cử vì cử tri thực hiện quyền bầu cử của mình theo Hiến pháp, hiệp thương, giới thiệu và lựa chọn những người đại diện cho chính mình vào cơ quan quyền lực nhà nước, do vậy trong cuộc bầu cử, cử tri có vai trò hết sức quan trọng.
Để đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra thành công, đúng luật định, ngoài việc các Tổ chức phụ trách bầu cử thực hiện đúng và hoàn thành mọi trách nhiệm và quyền hạn, cử tri đóng vai trò hết sức quan trọng. Vai trò đó được thể hiện ngày từ khi cử tri thực hiện của mình trong việc giới thiệu những người ứng cử từ sự tín nhiệm tại nơi công tác, làm việc và nơi cư trú đối với người ứng cử; cử tri tham gia góp ý trong quá trình người ứng cử thực hiện vận động bầu cử, xây dựng chương trình hành động của mình và cử tri quyết định trao quyền của mình thông qua lá phiếu bầu người đại diện cho mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước.
Cuộc bầu cử thành công, đúng luật còn phụ thuộc rất lớn vào tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, việc thực hiện quyền và trách nhiệm của cử tri về bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử. Do vậy một lần nữa khẳng định cử tri có vai trò hết sức quan trọng để cuộc bầu cử thành công và đúng luật.
PV: Nếu phát hiện hiện tượng vận động không đi bỏ phiếu hoặc nhờ bỏ phiếu thì sao?
Ông Ngô Sách Thực: Trong trường hợp ở một nơi nào đó có hiện tượng vận động cử tri không đi bỏ phiếu, theo quan điểm của chúng tôi, ở đó phải có những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó. Có thể có những nơi cử tri và nhân dân bức xúc trước việc chính quyền địa phương không giải quyết hoặc giải quyết chưa kịp thời những bức xúc của nhân dân về đơn thư khiếu nại, tố cáo về quản lý đất đai, tài nguyên, môi trường, khoáng sản, về tôn giáo, dân tộc… Thậm chí có việc lợi dụng, lôi kéo, kích động của các thế lực phản động, cơ hội chính trị nhằm chống phá cuộc bầu cử.
Đối với những nơi này, theo chúng tôi, trước hết phải có sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, sự vào cuộc của các cấp chính quyền để giải quyết những bức xúc của nhân dân và cử tri; MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức chính trị xã hội tập trung vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân thực hiện quyền và trách nhiệm trong công tác bầu cử, không nghe theo những luận điệu xuyên tạc, kích động, lôi kéo của các phần tử xấu để thực hiện quyền bầu cử của mình đúng quy định của pháp luật. Mặt khác, chỉ đạo các lực lượng chức năng nắm chắc tình hình, phân loại, phân hóa, cô lập các phần tử xấu có hành vi vận động, lôi kéo cử tri không đi bỏ phiếu, củng cố chứng cứ xử lý theo quy định của pháp luật nhằm ổn định tình hình.
Còn hiện tượng nhờ bỏ phiếu hay bỏ phiếu hộ, chỉ có thể là do nhận thức của cử tri. Về vấn đề này cần phải tăng cường tuyên truyền để cử tri hiểu, nắm chắc về quyền bầu cử của mình và những quy định pháp luật về bầu cử để cử tri thực hiện quyền tự mình quyết định lá phiếu của mình trong bầu cử.
PV: Xin cảm ơn ông./.