Không có nợ quá hạn, nợ xấu

Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sáng 10/6 tạm yên lòng khi Bộ trưởng khẳng định, đến nay chúng ta không có khoản nợ nào quá hạn mà không trả được. Nhìn tổng thể, chúng ta đã sử dụng nợ có hiệu quả

Sáng 10/6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường, bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đây là lần thứ hai các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri.

Chủ tịch đánh giá trong những kỳ họp gần đây báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri đã có những bước tiến mới, đã nêu cụ thể những vấn đề được cử tri cả nước quan tâm được tiếp thu và xử lý như thế nào. Việc làm này góp phần làm tốt hơn công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, qua đó cung cấp thêm thông tin cho đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng khẳng định đây là việc cần thiết, sắp tới sẽ làm tiếp làm và rút kinh nghiệm để hoàn thiện hơn.

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng cho biết tại phiên chất vấn lần này đã có 189 chất vấn của 87 đại biểu gửi tới Thủ tướng và Chính phủ; trong đó có 17 chất vấn gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ; 20 bộ, ngành nhận được câu hỏi chất vấn.

Chủ tịch Quốc hội cho biết những nội dung được lựa chọn chất vấn tại hội trường là những vấn đề lớn, mang tầm vĩ mô được dư luận xã hội quan tâm, những vấn đề bức xúc, nổi cộm trong đời sống xã hội cần được giải quyết. Việc trả lời chất vấn lần này vẫn theo nhóm vấn đề, lựa chọn một số bộ trưởng đăng đàn nhưng sẽ có nhiều bộ trưởng cùng tham gia nói về trách nhiệm của ngành mình.

** Sáng 10/6, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh là thành viên đầu tiên của Chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội.

Gần như kỳ họp nào, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng luôn là thành viên Chính phủ được đặc biệt quan tâm, được mời đăng đàn trả lời chất vấn. Tại kỳ họp này, ông Vũ Văn Ninh nhận được 15 chất vấn của đại biểu Quốc hội, tập trung vào một số vấn đề nổi cộm như: trách nhiệm và các biện pháp thiết lập, nâng cao kỷ luật thực hiện ngân sách Nhà nước; các biện pháp kiềm chế lạm phát, khắc phục bội chi ngân sách; thực trạng và các biện pháp sử dụng có hiệu quả phòng ngừa rủi ro trong vay nợ Chính phủ và vay nợ Quốc gia. Đặc biệt là vấn đề trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về giá; việc “xét” duyệt lương cho lãnh đạo SCIC quá cao.

Vấn đề được coi là “nóng” trong buổi chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sáng nay là vấn đề lương thưởng của lãnh đạo SCIC. Về nội dung này, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận “vấn đề giữa thu nhập và tiền lương có những điểm chưa thật rõ làm cho dư luận hiểu chưa đúng. Ví dụ có những khoản không thuộc tiền lương nhưng lại là thu nhập, cộng vào nói đó là tiền lương thì không thật đầy đủ”. Trên thực tế, SCIC là Tổng công ty Nhà nước nên chế độ tiền lương và thu nhập đều được thực hiện theo các Nghị định của Nhà nước, điều này được khẳng định trong luật và nghị quyết của Đảng.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cũng khẳng định, SCIC đang đóng vai trò “thủ quỹ” giữ vốn hộ Nhà nước. Nguồn vốn ấy chính là quỹ cổ phần hóa doanh nghiệp, bán doanh nghiệp ở các nơi nộp về, trước đây giao cho Bộ Tài chính quản lý, bây giờ giao cho SCIC quản lý, SCIC không được sờ mó một đồng nào ở đây cả. Trong khi chưa sử dụng, chưa đầu tư, SCIC gửi tại một tài khoản ở ngân hàng và có phát sinh lãi, lãi này SCIC không được hưởng, phải nhập vào vốn để tăng quỹ này lên.

Hiện tại, SCIC đang kinh doanh bằng vốn điều lệ do Chính phủ giao, đang đầu tư vào một số doanh nghiệp, đầu tư vào một số nơi, phần đầu tư này cũng đang sinh lãi.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, người châm ngòi các chất vấn liên quan đến SCIC

Làm ra lợi nhuận được hưởng mức thu nhập tương xứng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (đoàn Lạng Sơn), Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận cùng một lúc đảm nhiệm cả vai trò Bộ trưởng Tài chính và Chủ tịch Hội đồng quản trị của SCIC, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ. Bộ trưởng lý giải, vì SCIC là mô hình doanh nghiệp mới và đặc thù, vừa được thành lập, cần có sự điều chỉnh chính sách phù hợp nên Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Tài chính kiêm nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Vấn đề tôi đặt ra không phải chỉ nhằm vào SCIC, mà còn muốn nhằm vào vấn đề lương, thưởng ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Dư luận quan tâm căn cứ tính thu nhập cho lãnh đạo các cơ quan này có hợp lý không và việc thực hiện có nghiêm không? Theo văn bản của Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội do Thứ trưởng Huỳnh Thị Nhân ký đề nghị duyệt tổng số lương là 38 tỷ đồng nhưng khi thực hiện lại lên tới 80 tỷ đồng? Việc làm thêm tới 200-500 giờ/năm có đúng hay không?”.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính không phải là cơ quan ký duyệt lương, mà có tham gia với các Bộ liên quan đóng góp ý kiến về các chỉ tiêu dựa trên đó để căn cứ tính lương. Căn cứ tính lương này cũng phải dựa trên các nghị định của Chính phủ để xác định tiền lương theo doanh thu và cấp bậc. Được sự phân công của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh-Xã hội cùng với nhiều cơ quan liên quan khác tính toán sự hợp pháp của các loại tiền lương và rút ra kết luận rằng, không chỉ SCIC thực hiện chi trả lương theo các nguyên tắc trên, mà các Tập đoàn, Tổng Công ty khác cũng vậy, đều dựa trên các chính sách, chế độ cụ thể.

Làm rõ hơn nữa thắc mắc của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đồng tình với quan điểm, “nếu SCIC cũng như các Tập đoàn, Tổng công ty khác, khi làm ra lợi nhuận cho đất nước thì được hưởng mức thu nhập tương xứng, vấn đề này không có gì phải bàn cãi. Vấn đề cần được làm rõ là trong thu nhập của lãnh đạo một đơn vị mới thành lập, phần nào do họ tạo ra, phần nào họ được hưởng từ thành quả để lại. Một khi đã được làm rõ, tôi đồng tình ủng hộ”.

Giao quyền định giá xăng nhiều hơn cho doanh nghiệp

Một nội dung được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh sáng nay là vấn đề tăng, giảm giá xăng dầu. Bộ trưởng thừa nhận, hiện tại giá xăng dầu của chúng ta vẫn thấp nhất trong khu vực so với Campuchia, Lào, Trung Quốc, Singapore, tất cả các nước trong khu vực, giá của chúng ta thấp hơn từ 2.000 đến 8.000 đồng/lít. Có thời gian chúng ta để giá thấp như vậy gây ra việc buôn lậu, dần dần chúng ta điều chỉnh làm sao góp phần hạn chế chống buôn lậu.

Đại biểu Danh Út: "Vì sao xăng tăng giá thì nhanh mà giảm giá thì chậm"

Trả lời chất vấn của đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) vì sao xăng khi tăng giá thực hiện nhanh, mức tăng cao, còn giảm giá thì thực hiện rất chậm, mức giảm ít. Bộ trưởng Tài chính cho hay, đáng ra đầu năm 2010, xăng dầu không chỉ tăng 2 lần, nếu theo xu hướng thị trường "lẽ ra tháng 3, tháng 4, giá xăng dầu tiếp tục tăng. Nhưng thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về bình ổn giá, DN không tăng. Chính phủ hỗ trợ bằng cách lùi thuế, trích quỹ bình ổn". "Chúng tôi không có ý bao che hay chỉ lo cho lợi ích của DN. Nhà nước luôn kiểm soát chặt giá, đứng về lợi ích của người tiêu dùng, làm sao xử lý hài hòa lợi ích của người tiêu dùng - DN và nhà nước. Chính phủ không vì sức ép dư luận mà yêu cầu DN giảm giá, mà do tự nhận thức nguy cơ tăng giá, gây lạm phát", Bộ trưởng quả quyết.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng để hạn chế tình trạng giá xăng dầu cứ lên, cứ xuống cần giao quyền định giá cho doanh nghiệp nhiều hơn, nhưng vẫn trong khuôn khổ pháp luật quy định có sự quản lý của Nhà nước. Bộ trưởng cho biết, trong nghị định 84, Bộ Tài chính và Bộ Công thương đề xuất, trong phạm vi diễn biến giá bình thường, tức là sau 20 ngày so với dự trữ lưu thông hàng hóa mà biến động một cách bình thường, tức là lên đều đặn hoặc xuống đều đặn, không có đột biến thì doanh nghiệp tự quyền quyết định trong một phạm vi theo quy định ở Nghị định 84 mức 7% trở xuống doanh nghiệp được điều hành. Còn trên mức đó thì Nhà nước phải can thiệp.

Về vấn đề này, Bộ trưởng phân trần: “Tôi hiểu ý kiến của đại biểu Trần Du Lịch, tức là nhà nước nên tăng cường công tác quản lý và can thiệp khi cần thiết theo pháp lệnh, pháp luật chính là nội dung của Nghị định 84 và hiện nay đang được điều hành diễn biến rất tốt. Về lâu dài, chúng tôi tính toán làm sao giải quyết được vấn đề thúc đẩy tiết kiệm sử dụng xăng dầu, giải quyết được quyền lợi của nhà nước, của doanh nghiệp và của nhân dân, đồng thời góp phần vào việc chống buôn lậu”.

Không có nợ quá hạn và nợ xấu

Trả lời chất vấn của các đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình), Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) về vấn đề nợ công, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh khẳng định việc đưa ra con số nợ công là đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp nhà nước tự vay, tự trả, đã bao gồm nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp. Nợ Chính phủ hiện nay là 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8% GDP. Trong nợ nước ngoài, 86,5% là vay dài hạn, vay dài hạn là vay ODA, vay của ngân hàng thế giới, của Quỹ tiền tệ quốc tế, vay của ngân hàng phát triển Châu Á, vay của Nhật Bản với thời hạn vay từ 30 đến 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn, lãi suất từ 0,75% cho đến trên 1% tùy theo các khoản vay. Thực tế các khoản vay này chính là vay cho các dự án rất lớn như cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ và một số cảng biển, công trình thủy lợi quan trọng. Còn lại vay ngắn hạn, lãi suất thông thường có thể bằng thị trường hoặc thấp hơn thị trường, không ưu đãi bằng ODA là 13,5%, nợ trong nước trong cơ cấu nợ của Chính phủ chiếm 41,2%. Nợ được Chính phủ bảo lãnh chiếm 9,9%.

Bộ trưởng chia sẻ: “Với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, tôi không giấu chuyện này bởi vì sau này nếu vỡ nợ, tôi là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cho nên phải báo cáo đầy đủ, báo cáo hết”.

Về chỉ tiêu an toàn nợ, Bộ trưởng khẳng định, tỷ lệ trả nợ của Chính phủ hiện nay đang nằm dưới trần là 50%; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2004 cũng quy định giới hạn nợ an toàn của chúng ta cho đến năm 2010 là dưới 50%, hiện nay chúng ta đang thực hiện theo đúng chiến lược đó và quyết định đó. Còn trong trả nợ, thì trả nợ của Chính phủ năm 2009 chiếm 15,8% tổng số thu ngân sách Nhà nước, giới hạn an toàn cho phép là dưới 30% thu ngân sách, nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia chiếm 11,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, đây là của năm 2009, trong đó phần bố trí trong ngân sách chiếm khoảng 4,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, giới hạn cho phép là dưới 25%, chỉ tiêu này thể hiện chúng ta đang điều hành nợ Chính phủ trong phạm vi cho phép.

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nêu rõ, nội dung vô cùng trọng là đến nay thì chúng ta không có khoản nợ nào quá hạn mà chúng ta không trả được. Đây mới là chỉ tiêu vô cùng quan trọng, chúng tôi đã nghiên cứu các nước rồi, có những nước chỉ tiêu nợ so với GDP rất thấp, nhưng nợ không trả được thì rất lớn thì vẫn vỡ nợ, nhưng chúng ta đã trả nợ đầy đủ và bố trí được ngân sách trong phạm vi như vậy. Thực ra cũng có thể nói tóm tắt một câu, tức là chúng ta sử dụng nợ nhìn tổng thể mà nói là có hiệu quả, chúng ta trả được nợ và không có khoản nào nợ quá hạn và nợ xấu, đó là vấn đề quan trọng nhất.

Người trồng lúa sẽ có lãi tối thiểu 30%

Trong 15 phút dành để báo cáo tóm tắt các kết quả thực hiện lời hứa tại các kỳ họp trước, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh đã đề cập nhiều đến việc thực hiện đề án giá lúa tạo điều kiện cho người nông dân có lãi tối thiểu 30% so với giá thành và đề án bảo hiểm nông nghiệp.

Về đề án giá lúa, ông Vũ Văn Ninh cho biết, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình Chính phủ Đề án “chính sách tiêu thụ lúa cho người sản xuất, góp phần bình ổn thị trường lúa, gạo ở Việt Nam” với 3 nhóm mục tiêu lớn: góp phần thực hiện các chương trình kinh tế định hướng, thiết lập sự an toàn việc cung ứng lúa gạo cho nhu cầu xã hội; bảo đảm an ninh lương thực; đảm bảo cho người trồng lúa bù đắp được chi phí sản xuất và có lãi tối thiểu 30% so với giá thành sản xuất; góp phần tiêu thụ lúa hàng hoá cho người sản xuất, xử lý việc phân phối thu nhập hợp lý giữa người trồng lúa so với các ngành nghề khác trên nguyên tắc hỗ trợ: nhất quán thực hiện nguyên tắc giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; Nhà nước thực hiện hỗ trợ gián tiếp và phù hợp với các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; thực hiện chia sẻ trách nhiệm, lợi ích của Nhà nước - Doanh nghiệp và người sản xuất;

Về cơ chế, chính sách hỗ trợ, bao gồm cả hỗ trợ đầu vào và hỗ trợ đầu ra, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, đối với  hỗ trợ đầu vào, tiếp tục thực hiện các chính sách đang thực hiện như hỗ trợ lãi suất để mua vật tư, thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất; Đối với hỗ trợ đầu ra, thành lập Quỹ bình ổn giá lúa, gạo; sử dụng Quỹ bình ổn giá lúa, gạo để hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng cho các doanh nghiệp mua lúa theo giá thị trường để tạm trữ chuẩn bị hàng xuất khẩu.

Một giải pháp quan trọng được đưa ra trong Đề án này là Quỹ bình ổn giá lúa, gạo. Quỹ này được hình thành thông qua cơ chế trích theo mức tiền cố định trên đầu tấn gạo xuất khẩu trực tiếp của tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, được phép hạch toán vào chi phí sản xuất kinh doanh hợp lý của doanh nghiệp. Để vận hành Quỹ, Nhà nước ban hành cơ chế quản lý và sử dụng Quỹ; Quỹ chỉ sử dụng cho mục tiêu thu mua lúa cho người sản xuất lúa, không sử dụng cho mục đích khác.

Sẽ thí điểm bảo hiểm nông nghiệp

Về đề án bảo hiểm nông nghiệp, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh cho biết, dự kiến lựa chọn thí điểm bảo hiểm: Cây lúa; chăn nuôi (bò, trâu, lợn, gà) và nuôi trồng thuỷ sản (cá tra, cá ba sa, tôm sú, tôm chân trắng) tại một số địa phương trong cả nước. Bộ trưởng Tài chính cũng nhấn mạnh, để bảo hiểm nông nghiệp thành công cần thiết phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Dự kiến, mức hỗ trợ của Nhà nước và đối tượng được hỗ trợ là: Nhà nước hỗ trợ khoảng 80-90% phí bảo hiểm cho hộ nông dân nghèo, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp; hỗ trợ khoảng 60% phí bảo hiểm cho hộ nông dân, cá nhân (không thuộc diện nghèo) sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp và hỗ trợ khoảng 50% phí bảo hiểm cho tổ chức sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp.

Sau Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Giao thông-Vận tải Hồ Nghĩa Dũng tiếp tục đăng đàn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên